(GD&TĐ) - Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản (KHCB) mang lại lợi ích không dễ nhìn thấy nhưng rất lâu dài và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đó là thực tế đã được minh chứng trên thế giới. Còn theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài thì con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận các lĩnh vực của KHCB ở trình độ cao.
Được biết, từ năm 2012, Nhà nước quyết định đầu tư nhiều hơn cho đào tạo khoa học cơ bản (trong đó có việc phê duyệt Đề án “Áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu ngành KHCB”...).
Để bạn đọc hình dung được phần nào ý nghĩa, vai trò và thực tế mà lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu KHCB đã và đang tác động đến sự phát triển của đất nước, PV Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam - một nhà giáo, nhà khoa học nữ đã có nhiều cống hiến trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản của nước ta.
PV: Thưa GS, có một thực tế đáng buồn là trong khi nền kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc những năm qua, thì khoảng cách giữa nền KHCB Việt Nam và các nước tiên tiến ngày càng cách xa, ở một số lĩnh vực thậm chí còn có nguy cơ bị tụt hậu. Là một nhà khoa học, GS suy nghĩ gì về vấn đề này? Tăng cường sự đầu tư cho KHCB vào thời điểm này đã thật sự cấp thiết chưa?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Kinh tế VN khởi sắc sau đổi mới, nhờ giải phóng được sức lao động, hội
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam) |
nhập kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đóng góp của khoa học- công nghệ (KH-CN) còn rất hạn chế, đó cũng là một trong những yếu tố làm cho sự phát triển chưa thật bền vững. KHCB có thể xem là nền tảng của mọi ngành KH-CN, là chìa khóa để phát triển một cách vững chắc các ngành công nghiệp, kinh tế, kỹ thuật... Thêm nữa, KHCB đóng góp lâu dài cho sự phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, góp phần đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, phát triển công nghệ (CN), sản xuất, kinh doanh... KHCB tạo cơ sở để tiếp thu nhanh chóng CN mới, làm chủ CN trong tương lai. Khắp nơi trên thế giới đều như vậy, điều này cũng đúng ở nước ta, thể hiện trong việc tiếp thu nhanh CN hiện đại của nước ngoài.
Sau thời kỳ khó khăn trước năm 1990, đời sống của những người làm KHCB thường không được đảm bảo, nên nhiều người cũng không thể dành hết công sức và tâm huyết cho công việc. Đáng tiếc là trong số này cũng có không ít bạn trẻ thật sự có năng lực và yêu KHCB cũng đành “rẽ ngang”, không tiếp tục theo đuổi được con đường đã chọn.
Theo tôi, đã đến lúc cần coi trọng việc đầu tư cho công tác đào tạo và các nghiên cứu KHCB một cách có định hướng. Khi chưa đủ tiềm lực tài chính, thì cũng cần lựa chọn một số mũi nhọn trong một số lĩnh vực để đầu tư tập trung, từng bước và mở rộng dần tùy theo yêu cầu; cũng cần có thứ tự ưu tiên dựa vào mức độ tác động nhanh chậm, rộng hẹp của từng lĩnh vực. KHCB đối với sự phát triển các ngành khác, đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Xác định vấn đề cần ưu tiên cũng là điều không dễ, nhưng phải quyết tâm. Nếu không quyết tâm ngay bây giờ thì sẽ phải trả giá trong tương lai. Các nhà khoa học cũng nên xác định trách nhiệm của mình trong vấn đề hệ trọng này, để cùng đồng lòng, dốc sức vì mục tiêu chung, chứ không nên cục bộ.
PV: KHCB đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Để nâng tầm phát triển nền KHCB của VN xứng đáng với vai trò của nó, theo GS, cần phải đầu tư vào khâu nào? Phải chăng để có được nhân tài, nguồn nhân lực thế hệ mới đạt được nhu cầu cả về “chất” và “lượng” cho lĩnh vực KHCB thì phải bắt đầu từ khâu đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo mạnh và có truyền thống ở Việt Nam?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: KHCB góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, kể cả chất lượng đào tạo chuyên nghiệp, kỹ thuật, kinh tế, công nghệ; giúp Việt Nam làm chủ được công nghệ nhận chuyển giao, giúp phát triển công nghệ trong tương lai; KHCB cũng giúp nâng cao tầm văn hóa, khoa học của đất nước... Vai trò của KHCB đã quá rõ. Nhưng muốn phát huy được vai trò đó, theo tôi phải bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, phải nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho giới trẻ, không nhất thiết phải ưu đãi đặc biệt, nhưng cũng cần tạo điều kiện về vật chất cần thiết ở một mức độ nhất định nào đó, đủ để những người có năng lực, yêu KHCB và không quá thực dụng có thể vững bước trên con đường học tập và nghiên cứu KHCB có định hướng. Ví dụ, Nhà nước cần có chính sách học bổng, điều kiện học hành cần thiết cho sinh viên theo học KHCB; rồi chế độ lương và đãi ngộ đối với các nhà nghiên cứu KHCB...
Trước mắt, số lượng người làm KHCB có thể chưa cần nhiều lắm, vậy ở khâu đào tạo chưa cần phải chú ý nhiều đến số lượng, nhưng cần chú trọng đến chất lượng. Do vậy, theo tôi, có thể tập trung đầu tư cho một số (không cần nhiều) nơi có đủ điều kiện để đào tạo và nghiên cứu KHCB có chất lượng.
PV: Đánh giá của GS về chất lượng và điều kiện đào tạo KHCB ở các trường ĐH của Việt Nam trong những năm qua?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Qua thực tế trực tiếp giảng dạy, tôi thấy, phải sàng lọc cao và nếu không có tiêu cực thì mới chọn được người có chất lượng, vì vậy ngoại trừ một số em sinh viên xuất sắc, xét một cách đại trà thì chất lượng đầu vào thời gian qua thấp hơn trước, do nhận thức chung và hoàn cảnh cụ thể, không có nhiều học sinh đăng ký vào các ngành KHCB, không có được sự sàng lọc cao như nhiều năm trước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào “tâm” và “tầm” của đội ngũ thầy cô giáo. Hiện tại, đội ngũ giảng viên ở nhiều cơ sở được đào tạo của ta có trình độ khá cơ bản, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cũng tốt hơn trước nhiều. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác đào tạo hình như vẫn không thật chuyên tâm, tập trung sức lực cho đào tạo và NCKH, bị phân tâm, phân lực cho nhiều việc khác, cũng như có những yếu tố khách quan đâu đấy, tạo nên sự không công bằng đối với sự đóng góp của mỗi người. Điều này làm cho những người thầy vốn tâm huyết với sự nghiệp đào tạo và có khi cả những người thân trong gia đình họ, đôi lúc cũng không thật kiên định với ý tưởng, quan niệm tốt đẹp trong nghề nghiệp của mình, có khi phải suy nghĩ về hai từ "thiệt, hơn".
Tín hiệu vui là những năm gần đây, một số cơ sở đào tạo đã được tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, có điều kiện thuận lợi hơn trước nhiều. Nhưng vì nhiều lý do, vẫn chưa được khai thác có hiệu quả, hiệu quả đầu tư còn thấp. Một trong những nguyên nhân quan trọng phải chăng là nguồn nhân lực chưa đủ về nhiều mặt, chưa đồng bộ để tiếp nhận đầu tư, chưa được thiết kế chu đáo trước khi đầu tư?
PV: GS từng tâm sự rằng: “Sự hấp dẫn mạnh mẽ của NCKH làm cho các nhà nghiên cứu say sưa đến đam mê, luôn cảm thấy thiếu thời gian và có thể quên đi rất nhiều những khó khăn, rắc rối của đời thường”. GS có thể chia sẻ từ thực tế cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học với các bạn trẻ, để một khi đã yêu thích lĩnh vực KHCB thì đừng ngần ngại dấn thân?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Người làm khoa học, nghiên cứu hay giảng dạy cũng như những người lao động khác, có cuộc sống riêng với gia đình, cuộc sống chung với xã hội và công việc. Tôi nói khoa học có sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với những người yêu khoa học, thích nghiên cứu và khám phá, tất nhiên đối với những người làm nghệ thuật, những người làm nghề khác cũng có những người tha thiết với công việc, với nghề nghiệp của họ. Tất cả những người lao động chân chính, đều có thể vì công việc mà họ yêu thích, có thể quên đi rất nhiều những khó khăn rắc rối của đời thường. Nói vậy là để cùng nhau vượt qua khó khăn mà trong cuộc đời, lúc này hay lúc khác mỗi người có thể gặp phải.
Thực tế hiện nay, xã hội, nhà nước rất quý trọng những người lao động chân chính. Đối với những người làm khoa học cũng vậy, lúc này, lúc khác, nơi này, nơi khác có khi người làm khoa học gặp khó khăn trong đời sống, có thể “nhìn ngang nhìn ngửa”, nhưng ông cha ta đã từng nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nếu có bạn trẻ nào đã yêu thích KHCB thì hãy nuôi dưỡng tình yêu ấy, việc học tập và nghiên cứu KH là công việc có nhiều lúc khó khăn, nhưng cũng đầy hấp dẫn. Tùy sức mình, tùy hoàn cảnh, công việc và thời cơ, phải kiên trì phấn đấu cho con đường sự nghiệp. Cuộc đời luôn dành chỗ xứng đáng cho bất kỳ ai, tha thiết yêu nghề, quyết tâm dấn thân và cống hiến với tất cả sức lực mà mình có trong cuộc đời.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu (đứng giữa) cùng một số nữ trí thức Việt Nam |
PV: Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2000 – 2010, trong số các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, tỉ lệ phụ nữ chủ trì vào khoảng 20%. Song có một thực tế là số phụ nữ có trình độ chuyên môn cao, có học vị học hàm cao còn rất thấp và có thể còn biến đổi theo chiều hướng xấu hơn. Là một nhà khoa học nữ, gắn bó cả sự nghiệp với nghiên cứu khoa học, GS có suy nghĩ gì về chuyện nữ giới làm khoa học? Phải chăng, nữ giới làm khoa học, nhất là lĩnh vực khoa học cơ bản gặp nhiều cái “khó” hơn nam giới?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Tỷ lệ nữ ở các bậc học, học vị, học hàm càng cao thì càng thấp, mặc dù khoa học đã chứng minh nhìn chung không có sự khác biệt giữa nam và nữ ở phần não liên quan đến trí tuệ, không phải ở đâu nam cũng luôn luôn trội hơn nữ, mà trong một số ngành, một số khía cạnh nữ lại trội hơn nam. Tỷ lệ nữ thấp ở bậc cao là kết quả của hoàn cảnh và tổ chức xã hội. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để hình thành đội Nữ trí thức từ sau năm 1945, đến nay đã đạt được một kết quả đáng khích lệ về bình đẳng giới như: Nữ sinh viên chiếm tỷ lệ 50%, nữ chủ trì các đề tài và dự án khoa học 2000- 2010 đạt 20%... đó là một thành tích đáng được ghi nhận và biểu dương. Khó khăn của phụ nữ trong lĩnh vực KH-CN cũng như các lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ cao, lãnh đạo cấp cao chẳng hạn, hẳn còn không ít. Ngoài những khó khăn khách quan, trong tầm sâu tư duy của toàn xã hội, trong từng gia đình và còn cả trong không ít trong giới nữ nữa, vẫn xem trọng nam hơn nữ. Ngoài ra, những khó khăn của phụ nữ trong quá trình trưởng thành và phát triển (việc nhà, trách nhiệm trong gia đình, sức khỏe, cuộc sống riêng tư..v…v..) hẳn còn chưa thuận lợi cho những trách nhiệm lớn. Phải làm sao để xã hội chấp nhận và mọi người (kể cả chính nữ giới) nhận thức đúng về bình đẳng giới để cùng nhau khắc phục.
Nói về KHCB, theo tôi, đây cũng là lĩnh vực ngành nghề đang rất cần những người có năng lực và yêu nghề. Hiện tại và trong tương lai không xa sẽ cần nhiều cán bộ nghiên cứu KHCB giỏi. Ngành KHCB cần rộng mở với những người có năng khiếu, say sưa và quyết tâm học tập, nghiên cứu suốt đời.
PV: GS có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đam mê khoa học cơ bản, đặc biệt là các em HS lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học trong năm 2012 này?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: HS học hết bậc học phổ thông, đam mê khoa học cơ bản là một thành quả đáng mừng cho những gia đình có con em như vậy. Ở bậc học phổ thông, HS được học KHCB và còn biết cả những ứng dụng của KHCB. Các bạn có thể tiếp tục học tập nghiên cứu KHCB, hay vào các ngành chuyên môn khác, các bạn cũng sẽ được tiếp tục học KHCB ở những năm đầu đại học. Hãy cân nhắc lựa chọn hướng học mà mình đam mê để có thể cống hiến có hiệu quả, cống hiến suốt đời. Đừng vội nghĩ đến những mục tiêu quá thiển cận. Tất nhiên, nên tìm hiểu tham khảo những người biết rõ mình, và hiểu biết hơn, giàu kinh nghiệm hơn. Các em cũng đừng quên hoàn cảnh riêng của gia đình mình.
PV: Với kinh nghiệm của bản thân, GS có thể chia sẻ suy nghĩ gì với các bạn học sinh đang đứng trước thềm của việc chọn trường, chọn nghề, nhất là những bạn yêu thích lĩnh vực KHCB, làm sao để những học sinh yêu thích KHCB có được một cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp phù hợp khả năng, sở thích?
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Vấn đề chọn nghề cho tương lai phải được xem là việc hết sức quan trọng, và cũng không dễ. Các em đang đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp cho tương lai, cần tìm hiểu kỹ những đặc điểm, yêu cầu của mỗi ngành, nghề, rồi đối chiếu với bản thân xem khả năng của mình có chỗ mạnh, điểm yếu như thế nào. Chọn nghề nghiệp cho tương lai không thể duy ý chí, lại càng không nên theo tâm lý “bầy đàn”, hoặc chạy theo những thành công nhờ may mắn của người khác, vì những mục tiêu vụ lợi, những thu nhập do các hiện tượng tiêu cực mà có được.
Khi lựa chọn ngành nghề, để đánh giá đúng sở trường, cũng rất cần tham khảo các ý kiến thầy cô giáo trực tiếp dạy các em, ý kiến của gia đình... (những người luôn quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của các em). Việc lựa chọn ngành nghề cũng phải lưu tâm đúng mức đến sự hài hòa giữa mục tiêu và hoàn cảnh cụ thể của bản thân, gia đình, trách nhiệm với gia đình... Tôi hoàn toàn đồng tình và nhắc lại là không có ngành dở, nghề dở mà chỉ có người dở.
Tôi muốn nhắn nhủ những học sinh yêu thích học và nghiên cứu KHCB hãy đừng mất niềm tin, hãy quyết tâm. Tương lai của các em đang bắt đầu từ những gì các em làm hôm nay.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học, ĐHQG Hà Nội (từ năm 1996 đến năm 2000). Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hoá sinh Việt Nam. Uỷ viên Hội đồng Hoá sinh và Sinh học phân tử Châu Á Thái Bình Dương (1993 - đến nay). Nhiều năm là uỷ viên Ban chủ nhiệm, Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về Công nghệ sinh học (1991 - 2000); thành viên Hội đồng khoa học - đào tạo các cấp: khoa, trường, ĐHKHTN – ĐHQGHN. Uỷ viên hội đồng chính sách KHCN quốc gia (1993 - 2002). Uỷ viên hội đồng biên tập “Tạp chí sinh học” và một số tạp chí khoa học khác. Uỷ viên Hội đồng học hàm chuyên ngành Sinh học Trung ương (1991- 2000). Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học Công nghệ quốc gia (1993-2002). Thành viên Uỷ ban giải thưởng Kovalépxkai của Việt Nam, Uỷ viên hội đồng quỹ hỗ trợ sáng tạo tài năng nữ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (từ 1994 đến nay). Đại biểu Quốc hội khoá IX và khoá X. Phó chủ nhiệm Uỷ ban KHCN & MT Quốc hội Khoá X (1997 - 2002). Uỷ viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khoá IV (1994 - 1999) , V(1999 - 2004), và VI (2004 - 2009) và VII (2009 – 2014). Hiện đang là Phó chủ nhiệm thường trực Hội đồng Tư vấn về Khoa học - Giáo dục của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan (1994 - 2001). Thành viên Hội đồng khoa học của Chương trình học bổng L’Oreal –UNESCO giành cho tài năng khoa học nữ trẻ.v.v. Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ I (2011 – 2016). |
Trải qua nhiều vị trí công tác và NCKH, những đóng góp của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng, bằng khen cao quý: - Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III (1984). - Bằng khen của TƯ Hội LHPNVN “Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10 năm liên tục xuất sắc 1978 -1988”. - Giải thưởng Kovalepskaia (1988). - Nhà giáo ưu tú (1990). - Bằng khen lao động sáng tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1992). - Huy chương Vì sự nghiệp Phát triển nghề Cá (1997). - Huân chương Lao động hạng III (1998). - Huân chương Lao động hạng II (2002) - Bằng khen của Hội LHPNVN về việc đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Kỹ thuật (1999). - Giáo viên dạy giỏi liên tục từ 1982 - 1999. - Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ (1999). - Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (2000). - Huy chương Vì sự nghiệp Hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc (2001). - Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kềt dân tộc 15/11/2002 .v.v. - Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kềt dân tộc 31/10/2006. Nhiều bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, TƯHLHPNVN, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Gíám đốc ĐHQGHN .v.v. về công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.… |