Ước mơ của chúng em là trở thành thầy cô giáo

Ước mơ của chúng em là trở thành thầy cô giáo

Băng rừng tới trường 

Sau hơn 8 giờ đồng hồ vượt suối băng rừng từ thành phố Sơn La, chúng tôi có mặt tại trường TPHT Tông Lạnh (xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu) - ngôi trường nằm lọt thỏm giữa đại ngàn.

Ngôi trường 3 tầng nằm lọt thủm giữa núi rừng phần lớn là các em học sinh đồng bào người dân tộc cách xa trường từ 30-40km đường rừng
Ngôi trường 3 tầng nằm lọt thỏm giữa núi rừng, phần lớn các em HS là đồng bào các dân tộc cách xa trường từ 30-40km đường rừng. ảnh gdtd.vn

Mặc dù còn gặp rất nhiểu khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, phòng học và trang thiết bị còn thiếu rất nhiều để phục vụ cho công tác giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho các em học sinh nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các thầy cô giáo nơi đây, những học sinh phần lớn là con em người đồng bào dân tộc Thái, Hơ Mông, La Ha, Khơ Mú… vẫn được truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất ở cấp phổ thông.

Vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán sinh hoạt hằng ngày, những em học sinh đồng bào dân tộc đã không ngại khó, ngại khổ băng rừng, lội suối, vượt đèo đến trường bất kể ngày mưa hay nắng và nhất là cái lạnh tê người ở vùng cao.

Em Bạc Thị Hảo, SN 1994, học sinh lớp 11A2 của trường cho biết: Đế đến được trường và theo học đúng giờ giấc em đã phải vượt hơn 18km đường đèo, rừng. Nhiều hôm trời mưa gió, lạnh phải thức dậy sớm hơn mọi người để đến trường. Là học sinh dân tộc người Thái, gia đình thuộc diện nghèo của bản thế nhưng khát khao con chữ không bao giờ ngừng lại trong suy nghĩ của em. “Có được cái chữ, có được kiến thức thì chúng em mới trường thành, khôn lớn và trở thành người có ích cho xã hội được” đó là những chia sẻ của cô bé dáng người nhỏ nhắn này. 

Ở ngôi trường này, các em học sinh người dân tộc đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt. Rất nhiều em thuộc diện gia đình hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần thế nhưng các em đều có một điểm chung đó là niềm khát khao được học, được đến trường.

Em Lường Thị Hoa (HS dân tộc người Thái) chia sẻ: Mùa lũ về, chiếc cầu nối liền giữa bản với bên ngoài cũng bị lũ nó cuốn trôi, những lúc đó, không tới được trường, không đến được lớp học, chúng em buồn lắm. Chỉ biết ngồi khóc vì không được đến lớp học với các bạn thôi! 

Các thấy giáo trong trường đang chỉa sẻ tâm sự với phóng viên
Thầy giáo nhà trường chia sẻ tâm sự với phóng viên. ảnh gdtd.vn

Nặng lòng tình thầy nghĩa bạn 

Mặc dù còn nhiều khó khăn về đời sống, công tác, song ở giữa vùng núi bao la, cây cối bao trùm xunh quanh này, tình thầy nghĩa trò thật đẹp. Các em HS được các thầy cô giáo chăm bẵm không khác gì những đứa con trong gia đình. Từng nét chữ, nếp sống đều được các thầy cô giáo truyền đạt, uốn nắn tỉ mỉ, nhất là các em HS người dân tộc thiểu số. Vì vậy,  khoảng cách về ngôn ngữ dường như không còn. 

Em Lường Thị Ngoan, (HS dân tộc Thái) cho biết: Ước mơ của em sau này cũng giống với nhiều bạn khác trong trường. Đó là trở thành những cô giáo được đứng trên bục giảng ngày ngày truyền đạt những kiến thức mình đã được học về cho các em nhỏ và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng về với bà con dân tộc trong bản làng.   

Thầy giáo Bạc Cầm Phén, giáo viên môn Sử - Địa (người dân tộc Thái) về trường công tác đã được hơn 3 năm nay. Bản thân là người dân tộc Thái nên thầy hiểu được rất nhiều tâm tư, nguyện vọng cũng như mong muốn của các em học sinh trong trường.

Thầy cho biết: Khó khăn hiện nay đó chính là những học sinh chủ yếu từ các vùng 2, 3 (là những vùng sâu, vùng xa). Gia đình phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Việc đi lại của các em đến trường là rất gian nan. Để tránh tình trạng các em bỏ học giữa chừng, các thầy cô giáo đã phải lặn lội đến từng gia đình để động viên, thăm hỏi các em và bố mẹ để thuyết phục cho các em được đến lớp. 

Thầy giáo, Bùi Quốc Khánh, hiệu trưởng trường THPT Tông Lạnh bộc bạch: Có một điểm rất riêng ở trường đó là các em phần lớn cách xa trường từ 30-40km thậm chí có em còn hơn 50km,  để đến được trường học là vô cùng gian nan, thế nhưng các em đều rất ngoan lại chăm học. Tuy khả năng tiếp thu bài vở còn gặp hạn chế thế nhưng các em đều rất cố gắng trong học tập. Những em học sinh nào yếu đều được phụ đạo, giảng giải thêm… 

Mùa đông ở miền núi vùng cao này thật lạnh. Cái lạnh đến run người. Vậy nhưng, giữa heo hút đại ngàn, trong ngôi trường luôn ấm nồng tình nghĩa thầy trò. Mong sao, các em học sinh đồng bào các dân tộc nơi  vùng cao xa xôi này thực hiện được ước mơ của mình: Trở thành những thầy cô giáo trong tương lai.

Phong Vân