PGS Pascal Bourdeaux hiện là giảng viên Khoa Khoa học Tôn giáo thuộc Trường Cao học Thực hành (Paris, Pháp). Từ năm 2012 đến 2015 ông là Đại diện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh. Pascal Bourdeaux tập trung vào đề tài lịch sử Phật giáo Hòa Hảo, một hình thức biểu đạt của tính hiện đại tôn giáo và văn hóa Nam Bộ.
Gần đây ông đã tiến hành các nghiên cứu thực địa (nhất là tại Kiên Giang) nhằm phân tích các đặc thù về xã hội và văn hóa đương đại như tín ngưỡng dân gian, cách tân Phật Giáo và các cấu trúc xã hội truyền thống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2007, ông đã tích cực trong việc đấy mạnh các nghiên cứu về các hiện tượng tôn giáo ở Việt Nam trong phạm vi chương trình nghiên cứu "Các tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á" tại Pháp và xây dựng các chương trình đào tạo Sau đại học về các khoa học tôn giáo ở vùng bán đảo Đông Dương tại Trường Cao học Thực hành.
Tại buổi tọa đàm PGS Pascal Bourdeaux đưa ra những vấn đề như thực hành tín ngưỡng, vấn đề nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, sự giao thoa lịch sử tôn giáo giữa Pháp và Việt Nam...
Quá trình hình thành và phát triển khoa học về tôn giáo rất phức tạp, nhưng có thể coi có một xu thế chung đi từ cái chung, cái trừu tượng, cái lý thuyết hay lấy châu Âu làm trung tâm chuyển sang một xu hướng khác là nhấn mạnh về sự đa dạng, bối cảnh đặc thù, nhu cầu tìm hiểu các thực hành trong thực tế.
PGS Pascal cũng thể hiện rõ những vấn đề như: Liệu có cần một khoa học tôn giáo hay không? Làm thế nào để nghiên cứu tôn giáo vượt qua khỏi ảnh hưởng của thần học và thay vào đó là vai trò của xã hội học và nhân học trong nghiên cứu tôn giáo. Thay vì nhìn nhận tôn giáo thông qua giáo lỹ, kinh kệ... thì bây giờ nhấn mạnh đến thực hành tôn giáo....
PGS Pascal nhấn mạnh về chuyển biến đặt trong sự vận động, sự đa dạng, trong cách nhìn, đặt nó trong bối cảnh lịch sử.
Sự kiện này là cơ hội để cho đội ngũ giảng viên của Khoa, Trường giao lưu, học hỏi các nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước, từng bước tạo lập những điều kiện cần thiết cho bước phát triển về nghiên cứu khoa và hợp tác quốc tế. Đồng thời đây cũng là sự kiện tạo ra cơ hội giao lưu với các nhà khoa học thuộc các cơ sở đào đạo, nghiên cứu trong nước.