Thừa Thiên Huế triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào cộng đồng

GD&TĐ - Nhằm giảm áp lực cho ngành y tế, đồng thời tăng khả năng ứng phó với tình hình phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chiến lược đưa test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 rộng rãi vào cộng đồng.

Thừa Thiên Huế triển khai chiến lược đưa test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào cộng đồng.
Thừa Thiên Huế triển khai chiến lược đưa test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 vào cộng đồng.

Ngày 22/9, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương vừa triển khai chiến lược đưa test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 rộng rãi vào cộng đồng. Với sự hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế, người dân có thể dễ dàng mua và sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 khi nhận thấy có nguy cơ.

Hiện nay, Bộ Y tế công nhận xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 là 2 phương pháp thực hiện để chẩn đoán Covid-19. Trong đó, xét nghiệm RT-PCR được coi là “tiêu chuẩn vàng” và là phương pháp tối ưu nhất để chẩn đoán Covid-19, thì test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cũng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tầm soát sàng lọc.

Tuy nhiên, do độ nhạy phát hiện ca bệnh của test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 kém hơn RT-PCR, nên phương pháp xét nghiệm này không được sử dụng để khẳng định ca bệnh Covid-19. Kết quả xét nghiệm âm tính của test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cũng không được sử dụng để làm tiêu chí kết thúc cách ly.

Theo đó test nhanh phù hợp để khoanh vùng, sàng lọc ca nghi nhiễm trên diện rộng nên ngành y tế khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp: Người tiếp xúc gần (F1) với ca nhiễm Covid-19 nhưng chưa được xét nghiệm RT-PCR trong thời gian ngắn; F2, F3, tự cách ly tại nhà, người dân sống trong vùng dịch đã được cách ly; tầm soát người đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện; người từ vùng dịch về; người thường xuyên di chuyển giữa các tỉnh, người lao động trong môi trường đông đúc, kín gió...

Trước đây, khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp như hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh không khuyến khích người dân tự sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để tầm soát Covid-19.

Loại xét nghiệm này dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cho kết quả nhanh chỉ sau 15-30 phút và chi phí rẻ hơn xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, xét nghiệm này có vẫn có khi cho kết quả xét nghiệm là dương tính giả và âm tính giả.

Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh khuyến cáo người dân không nên lạm dụng xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 đồng thời, luôn tuân thủ 5K và các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Hiên nay, tình hình dịch bệnh phức tạp và nhiều địa phương ghi nhận F0 trong cộng đồng nên nhu cầu người dân sử dụng test nhanh SARS-CoV-2 tăng cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để việc xét nghiệm có hiệu quả, ngành y tế khuyến cáo người dân chỉ mua sản phẩm được cấp phép lưu hành tại các nhà thuốc uy tín, thận trọng khi mua qua mạng và chỉ xem kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là sự tham khảo.

Xác định việc phổ biến sử dụng rộng rãi xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là một chiến lược quan trọng trong tầm soát F0 Covid-19 trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã giao Sở Y tế phối hợp với các địa phương chủ động nguồn cung trên thị trường.

Chỉ cần người dân cần, ra các hiệu thuốc uy tín là có thể mua và được hướng dẫn sử dụng. Thông qua các kênh truyền thông, Sở Y tế cũng sẽ tăng cường hướng dẫn cách sử dụng test nhanh SARS-CoV-2 và cũng như hướng dẫn người dân ứng xử phù hợp với các kết quả, nhất là những xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trong trường hợp kết quả test nhanh dương tính, người dân nhanh chóng bảo vệ gia đình vì bản thân mình đang có nguy cơ mắc Covid-19 bằng cách ngay lập tức cách ly với người thân, tránh tiếp xúc với những người xung quanh.

Đồng thời, thông báo cho nhân viên y tế địa phương để có thể xác định lại tính chính xác của kết quả test nhanh và được hướng dẫn những bước xử trí tiếp theo phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.