(GD&TĐ) - Từng có thời gian học về ngành Y, thầy giáo Phạm Thế Tư - Giáo viên tiểu học, dạy tại khu lẻ ở bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, Quan Sơn, Thanh Hóa) thường xuyên chữa bệnh cho học sinh, bà con dân bản và đồng nghiệp của mình.
Thầy giáo Tư bên cây thuốc quý thầy trồng cạnh trường học để cứu người |
Kịp thời cứu chữa những người ở cửa tử thần
Hai tháng gần đây, thầy giáo Tư giữ lại được tính mạng cho hai phụ nữ người Mông tại bản Mùa Xuân. Đây là hai trường hợp do mâu thuẫn với gia đình nên đã có hành động ăn lá ngón tự tử. Thầy Tư cho biết: “Hôm đó tôi đang chuẩn bị ăn cơm thì một bà lão trong bản chạy tới tìm. Vẻ mặt hốt hoảng, bà lão vừa khóc vừa nói thầy giáo có thuốc gì không mau mau cứu người, con Mai vợ thằng Cho ăn lá ngón để tự tử, sắp chết rồi. Tôi vội vã đến nhà anh Cho thì thấy chị Mai bắt đầu lên cơn co thắt các cơ”.
Để cứu người, thầy Tư nhanh chóng pha chế một loại dung dịch hỗn hợp rồi cùng người nhà ép chị Mai uống. Sau khi chị Mai uống thuốc do thầy Tư pha chế lập tức nôn thốc nôn tháo, các chất độc từ lá ngón theo đó cũng được đào thải ra khỏi cơ thể. Cho chị Mai uống hỗn hợp dung dịch mình pha chế thêm hai lần nữa để các chất độc còn tồn trong dạ dày bị thải ra ngoài, thầy giáo Tư yêu cầu người nhà nấu cháo dinh dưỡng để khi chị Mai hồi sức có thể dùng để lấy lại sức.
Cũng bằng phương pháp tương tự, thầy Tư cũng đã giữ lại tính mạng cho chị Sung Thị Dua, cũng ở bản Mùa Xuân khi người đàn bà này có hành động ăn lá ngón để tự tử. Thầy Tư cho biết, người phụ nữ dân tộc Mông thường tìm đến lá ngón để giải quyết những bế tắc, khúc mắc trong đời sống. Lá ngón có độc tính khá mạnh nên nếu không kịp thời xử lý thì rất khó giữ tính mạng cho những người tự tử bằng thứ lá chết chóc này. Tại bản Mùa Xuân, còn nhiều trường hợp khác ăn lá ngón tự tử, người dân báo không kịp thời nên thầy Tư cũng không thể cứu chữa. “Lá ngón độc lắm, ai ăn ít, cứu chữa kịp thời còn giữ được tính mạng chứ ai đã ăn nhiều thứ lá này thì đúng là y học cũng bó tay” - Thầy giáo Tư cho hay.
Khát vọng dạy chữ và cứu người
Được biết trước đây thầy giáo Tư học ngành Sư phạm nhưng từng đảm nhiệm công việc Y tế học đường và đã có thời gian dài theo học ngành y tại Hà Nội. Tuy nhiên do thiếu giáo viên tại bản nghèo vùng cao nên thầy Tư quay lại với nghiệp giáo viên. Bản Mùa Xuân, nơi thầy giáo Tư dạy học hiện nay là bản người Mông đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn. Bản nằm trên núi cao, giáp biên giới Việt Nam - Lào. Từ Mùa Xuân, đi xe máy xuống trung tâm xã có khi phải mất nửa ngày, trời mưa thì không thể đi lại trên những cung đường vượt núi. Người bản Mùa Xuân khi ốm đau, nếu phải khiêng cáng, đi bộ xuống trung tâm y tế xã cũng phải mất một ngày. Chính vì sự cách trở đó nên nhiều người khi ốm đau không có điều kiện đi khám chữa bệnh. Nhận thấy điều đó, thầy giáo Tư đã nỗ lực tìm các cây thuốc Nam từ rừng để chữa trị bệnh cho bản thân, đồng nghiệp, học sinh và dân bản. Những bài thuốc nam của thầy giáo Tư đã giải quyết được một số bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, tiêu chảy, sưng viêm do chấn thương… Các loại bệnh khác, thầy Tư chữa trị bằng thuốc Tây. Chính vì vậy, mỗi lần về thăm nhà tại xã Sơn Thủy, hành trang trở lại trường của thầy Tư luôn đầy ắp các loại thuốc.
Việc chữa bệnh cứu người của thầy giáo Tư là hoàn toàn miễn phí. Thầy Tư tâm sự: “Nhiều khi chữa bệnh cho bà con cũng lo lắng lắm chứ, những trường hợp nguy kịch mình chữa khỏi thì tất cả tốt đẹp, chẳng may gặp trường hợp nặng, mình không chữa thì bà con trách mà chữa cũng không thể cứu được, những lúc đó mình lại phải trao đổi để bà con hiểu rõ căn nguyên bệnh tình, để bà con hiểu mà thông cảm cho. Nhiều lúc tôi rất buồn, áy náy khi bất lực nhìn người bệnh đau đớn mà mình không có đủ điều kiện, phương tiện chữa trị”.
Chia tay chúng tôi, thầy Tư cho biết: “Nhiều bệnh đối với địa bàn miền xuôi không có gì đáng lo ngại, bởi sẵn thuốc chữa trị. Ở miền núi, dù bệnh nhẹ nhưng nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng, khi đó lại sinh sôi các hủ tục như cúng ma, trừ tà… Trong rừng có vô số cây thuốc có thể chữa bệnh cứu người, tôi sẽ trồng vườn thuốc nam ngay tại bản Mùa Xuân để có thuốc mà chữa trị miễn phí cho nhân dân”. Việc chữa bệnh cứu người của thầy giáo Tư đã nhận được sự trân trọng và yêu mến của bà con dân bản Mùa Xuân.
Thầy giáo Tư sinh năm 1964 và đã có thâm niên gần 30 năm trong nghề giáo. Thầy Tư từng dạy học tại 23 bản vùng cao của hai xã Na Mèo và Sơn Thủy, trong đó có những bản đặc biệt khó khăn như Khà, Xía Nọi, Mùa Xuân, Cha Khót… Ở những nơi từng công tác, thầy giáo Tư luôn nỗ lực hết mình trong giảng dạy cũng như chữa bệnh cứu người. Đã có rất nhiều học sinh, dân bản được thầy giáo Tư chữa trị những căn bệnh thường gặp như chấn thương, cảm sốt, tiêu chảy, suy nhược… |
Hoàng Dũng