Triển khai đồng bộ có ưu tiên trọng điểm
Mục tiêu triển khai nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông. Ông Cao Xuân Hùng cho biết, hiện 3 trường ở 3 cấp học của Nam Định đã "lãnh" sứ mệnh mới mẻ này. Việc chọn các đơn vị này không thể theo cảm tính, chủ quan mà phải có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng của lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Bên cạnh 3 trường điển hình được đầu tư tốt hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ, tỉnh Nam Định đồng thời rất quan tâm đến triển khai xây dựng đề án trên diện rộng.
Cụ thể, tỉnh đã đưa chương trình Ngoại ngữ 10 năm để giảng dạy ở 193 trường tiểu học và 13 trường THCS, 12 trường THPT; trang bị 580 phòng học tiếng, trong đó có 448 phòng học ngoại ngữ thông dụng, 58 phòng học ngoại ngữ đa năng, 45 phòng tương tác và 34 phòng học chuyên dụng.
Từ năm 2015, mỗi năm, Nam Định sẽ tiếp tục xây dựng 3 đến 4 trường trọng điểm và tiếp tục nhân rộng cho các trường khác.
"Quan điểm chung là Nam Định sẽ triển khai đồng bộ, có ưu tiên trọng điểm, lấy chất lượng của đơn vị trọng điểm để định hướng cho chất lượng đại trà và nâng cao chất lượng chung để đẩy tốt hơn chất lượng trọng điểm" - ông Cao Xuân Hùng cho biết.
Trước băn khoăn về chất lượng các trường điển hình, ông Hùng khẳng định: Trường được chọn xây dựng điển hình là những trường có năng lực tổ chức tốt, có đội ngũ và nguồn học sinh tốt.
Ngoài hoàn thành các yêu cầu của Đề án, các trường này còn có trách nhiệm lan tỏa, dẫn dắt các trường khác; đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngành GD&ĐT, của các đơn vị bạn, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Hàng năm, Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức rất nhiều các hoạt động cho học sinh, như: Thi hùng biện tiếng Anh, thi tiếng Anh trực tuyến và các cuộc giao lưu. Trong các hoạt động này, học sinh của trường trọng điểm đều giữ vai trò nòng cốt.
Do vậy, có thể khẳng định, ở Nam Định, chất lượng giảng dạy của các trường trọng điểm đảm bảo tốt và cao hơn so với các trường khác.
Tuy nhiên, ông Cao Xuân Hùng cũng nhấn mạnh: Không phải cứ trường nào đầu năm nhận thì cuối năm đều thực hiện tốt. Để hoàn thành nhiệm vụ, toàn thể cán bộ, giáo viên trường đó đều phải rất nỗ lực, cố gắng, huy động được các nguồn lực xã hội. Thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu năng động, sáng tạo thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
"Khơi" nhiệt huyết, tạo động lực, áp lực
Thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để thực hiện Đề án tại địa phương, trước hết ngành Giáo dục phải làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu với chính quyền, phát động phong trào tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy tại các nhà trường và từng bước đầu tư cơ sở vật chất…
Một trong những nhân tố quyết định thành công của Đề án Ngoại ngữ 2020 nói chung, xây dựng trường điển hình nói riêng chính là chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là khâu khó khăn nhất, cần nhiều thời gian và tâm huyết nhất.
Ngay từ việc nhỏ như vận động các thầy cô đi bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhiều cơ sở cũng "mắc" bởi giáo viên không mấy hào hứng.
Thừa nhận thực tế này, ông Cao Xuân Hùng cho rằng, trước hết, phải khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của người thầy; tạo ra động lực, áp lực cần thiết để giáo viên vừa muốn học, vừa phải học.
Chẳng hạn, đứng trước những học trò học khá và có nhu cầu, hứng thú học tập, buộc người giáo viên phải trăn trở, phải tìm cách nâng cao trình độ của mình.
"Tôi không nghĩ, trong môi trường Giáo dục, toàn những người ngại học, chắc chắn có nhân tố tích cực.
Vì vậy, phải phát huy nhân tố tích cực của đơn vị, tổ chức bồi dưỡng tại chỗ cho đội ngũ, từng bước xây dựng các phong trào, tạo ra những động lực cần thiết bằng các biện pháp quản lý của thủ trưởng đơn vị để dần thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ" - ông Cao Xuân Hùng chia sẻ.
Nhằm nâng cao trình độ đội ngũ, Nam Định cũng đã tổ chức cho 20 giáo viên (chủ yếu là giáo viên THCS và giáo viên của các trường trọng điểm) được đi tập huấn ngắn hạn tại Singapore với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí địa phương.
Hiện tại, ở Nam Định, bậc tiểu học đã có 90,5% giáo viên đạt chuẩn B1; THCS có 74,3% giáo viên đạt chuẩn B2; THPT có 50,2% giáo viên đạt chuẩn C1, và tỉnh vẫn đang trong lộ trình tiếp tục nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn.
Quan điểm của ngành Giáo dục Nam Định, theo ông Cao Xuân Hùng là không ép chỉ tiêu cứng, bởi có nhiều giáo viên cao tuổi không thể ngay một lúc bồi dưỡng đạt chuẩn ngay mà cầntiếp tục bồi dưỡng lâu dài hơn.
Do đó, tỉnh có chính sách ưu tiên với các giáo viên thời gian công tác còn không quá 5 năm. Tuy nhiên, các giải pháp điều chuyển hoặc sắp xếp công việc khác phù hợp hơn cũng sẽ được thực hiện nếu đến 2020 mà vẫn còn giáo viên chưa đạt chuẩn.
Việc giáo viên, học sinh yếu về nghe, nói chủ yếu vì chưa có động lực, chưa có môi trường để thực hành và tâm lý chung là học để vượt qua các kỳ thi, các đề thi thì chưa thể kiểm tra được các kỹ năng này. Hy vọng với Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp tổ chức kiểm tra được cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
Bên cạnh đó, Nam Định cũng có kế hoạch thu hút giáo viên nước ngoài về hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh tại địa phương theo 2 nguồn.
Thứ nhất: Các tình nguyện viên là những sinh viên đã tốt nghiệp ĐH và tình nguyện đi thực tế. Nam Định thông qua tổ chức LETITUDE, đăng thông tin tại các đơn vị tại Nam Định và nhận tình nguyện viên của các nước nói tiếng Anh, như Úc, Canada.
Nguồn thứ hai là qua các trung tâm ngoại ngữ, phối hợp để thuê giáo viên về dạy tiếng Anh. Việc bố trí ăn, ở chủ yếu tận dụng các cơ sở vật chất hiện có tại nhà trường.
Đối với tình nguyện viên chỉ hỗ trợ kinh phí sinh hoạt; với giáo viên, kết hợp với trung tâm ngoại ngữ để trả lương nên kinh phí phải chi trả rất nhỏ.
Phát huy nội lực của các nhà trường
Với nguồn kinh phí hạn chế, để đảm bảo triển khai Đề án 2020, ông Cao Xuân Hùng cho biết, Bộ GD&ĐT đã phải tính toán đến việc phát huy nội lực của các cơ sở giáo dục. Như cơ sở phải dùng kinh phí thường xuyên để bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực khác của xã hội.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị sử dụng kinh phí, các trang thiết bị được mua sắm đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Ngoài ra, có nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia, kiểm tra, giám sát việc này như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tài chính, Thanh tra ngành Giáo dục… Do vậy, tính khách quan, minh bạch luôn được bảo đảm.
Cụ thể: Tổng kinh phí của Đề án là 9.387 tỷ, với khoảng 30.000 trường học. Như vậy, chia ra mỗi trường chỉ khoảng 300 triệu.
Trong khi đó, nguồn kinh phí này phải bảo đảm: Khảo sát, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; xây dựng chương trình, sách giáo khoa; đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả đề án…
Riêng Nam Định, theo ông Cao Xuân Hùng, đến nay đã đầu tư 80,636 tỷ. Trong đó, nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia cho Đề án là 26,6 tỷ; kinh phí địa phương là 54,036 tỷ.
Với nguồn kinh phí đó, Nam Định đã thực hiện bồi dưỡng 1.447 giáo viên ở trong nước; 20 giáo viên nước ngoài; trang bị phương tiện dạy học cho 580 phòng học; triển khai đề án ở 193 trưởng tiểu học và 13 trường THCS, 12 trường THPT.
Tuy nhiên, việc phát huy nội lực của các nhà trường là vấn đề không đơn giản. Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Xuân Hùng gợi ý: Để có được nguồn xã hội hóa, trước hết nhà trường phải làm tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh học sinh thấy được lợi ích khi con em được học theo chương trình tiếng Anh 10 năm.
Cụ thể: Được rèn luyện cả 4 kỹ năng, được định hướng đến chuẩn năng lực ngoại ngữ châu Âu; có cơ hội tốt hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi huy động nguồn lực xã hội hóa, nhà trường cần nêu rõ mục đích, huy động trên tinh thần tự nguyện và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí phục vụ cho chính học sinh.
Khi thấy được tính công khai minh bạch và lợi ích, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận và sự ủng hộ tích cực của phụ huynh.
"Tại Nam Định, các đơn vị triển khai điển hình đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận với phụ huynh học sinh, huy động tốt các nguồn xã hội hóa để phục vụ các hoạt động.
Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường quản lý, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa theo đúng các quy định và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Do đó, việc triển khai các hoạt động giáo dục tương đối thuận lợi" - ông Cao Xuân Hùng chia sẻ.
Trước băn khoăn của phụ huynh có con học trường điển hình về việc học Ngoại ngữ tại các trung tâm, ông Cao Xuân Hùng cho biết:
Nếu học ở trường trọng điểm thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, học sinh được quan tâm rèn luyện đầy đủ 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
Trước hết, gia đình nên động viên con em tập trung học thật tốt chương trình trong nhà trường. Việc đi học để lấy chứng chỉ của các trung tâm ngoài nhà trường cũng là việc tốt nhưng không bắt buộc.
Vì vậy, việc cho con em đi học ở trung tâm hay không là quyền của gia đình. Nên khuyên cháu cân đối quỹ thời gian để vừa đảm bảo chương trình học ở trường, đảm bảo sức khỏe và đỡ tốn kém.