Tâm huyết nắn chữ rèn người

Tâm huyết nắn chữ rèn người

(GD&TĐ) - Người xưa thường nói “Nét chữ, nết người”. Nét chữ hàm chứa cảm xúc, tâm trạng, ứng xử và bồi đắp tâm hồn mỗi con người. Có một người tâm huyết, kiên trì, bền bỉ, nặng lòng với nét chữ và đạt giải nhất cấp Quốc gia trong hội thi “Viết chữ đẹp” năm 2002 - đó là cô Trần Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường Tiểu học An Vĩ (Khoái Châu, Hưng Yên).  

Sinh ra trong gia đình có bố là nhà giáo, ngay từ nhỏ, cô đã có tính tự giác học tập, độc lập. Hội tụ tố chất thông minh, hoạt bát, cẩn trọng của người cha; tính nhẫn nhịn, thương người, khéo tay, hay lam, hay làm của mẹ. Với  tính cẩn thận, ngăn lắp, tỉ mỉ và nét chữ đẹp; từ lớp một đến lớp mười hai, cô luôn được giao giữ sổ đầu bài. Năm 1992 tốt nghiệp trường Trung học sư phạm Hưng Yên, cô về công tác tại quê nhà- Trường tiểu học An Vĩ.      

Cô Thủy cho chúng tôi biết: “Ngay từ nhỏ, bố mẹ luôn quan tâm đến việc rèn tính cẩn thận cho các con, nhất là con gái”. Suốt thời học sinh, sinh viên và sau này sở trường của cô Thủy là viết kiểu chữ nghiêng .

Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, cô giáo Thủy luôn trăn trở, băn khoăn, suy nghĩ để tìm phương pháp tốt nhất để dạy các em viết chữ đẹp. Muốn làm được điều đó, trước hết cô giáo phải viết chuẩn, viết đẹp. Để có được nét chữ đẹp, cô đã dầy công đi sưu tầm mẫu chữ đẹp, các bài viết đăng trên báo, tạp chí… rồi một mình kiên trì, bền bỉ bắt chước để luyện chữ viết.

Năm 2002 Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình thay đổi mẫu chữ đối với học sinh lớp một. Cũng trong năm đó, cô giáo Trần Thị Thanh Thủy đến với hội thi “Viết chữ đẹp” của huyện Khoái Châu thật rất tình cờ; đến ngày thi cô giáo Nguyễn Thị Thi ốm nặng và cô chính thức dự thi. Và ngay trong lần ấy, cô đã đạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp huyện Khoái Châu, giải nhất cấp tỉnh.

Một buổi lên lớp của cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, Trường Tiểu học An Vĩ
Một buổi lên lớp của cô giáo Trần Thị Thanh Thủy, Trường Tiểu học An Vĩ

Nhớ lại kỷ niệm những ngày tham dự thi cấp quốc gia, cô tâm sự: “Được giao nhiệm vụ trước đúng một ngày. Điều bất ngờ là đến nơi, thấy các thi sinh luyện tập cả hai kiểu chữ (chữ nghiêng và chữ đứng). Trong quá trình thi, tâm trạng thoải mái, chủ động, bình tĩnh, tự tin, nắm chắc kỹ thuật… và đã vượt qua xuất sắc ba môn thi (giảng bài, viết bảng, vấn đáp). Khi đó mình cũng không nghĩ là đạt kết quả cao nhất trong tốp giành giải nhất cấp Quốc gia”. 

Bà Lê Thị Lương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khoái châu tự hào nói với chúng tôi về đồng nghiệp của mình: “Cô giáo Trần Thị Thanh Thủy thực sự là tấm gương sáng về tính nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ luyện chữ. Một mình tự tìm tài liệu, không có người hướng dẫn. Nhưng cô đã vượt qua tất cả và giành vinh quang cho ngành giáo dục”.  

Là cô giáo có thành tích thật đáng nể nhưng khi gặp, cô để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng về một người hết sức bình dị, khiêm tốn, thân thiện, cởi mở; hết lòng vì học sinh thân yêu, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp. Cũng từ đó nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyên đề do cô Thủy trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp, cách thức viết chữ đẹp cho các giáo viên khác trong trường.

Với mong muốn có nhiều thế hệ học sinh viết chữ đẹp, cô đã miệt mài kèm cặp, uốn nắn, bồi dưỡng cho các thế hệ học sinh của mình. Tiếng lành đồn xa cô Thủy còn được nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại Hà Nội mời về dạy luyện chữ cho các học sinh. Chúng tôi được biết mỗi năm cô thường bỗi dưỡng, kèm cặp viết chữ đẹp từ 400 đến 500 người (học sinh, sinh viên, giáo viên…).

Chỉ tính riêng năm học  2010-2011, cô Thủy đã trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng cho các em học sinh của Trường Tiểu học An Vĩ, trong đó tiêu biểu có: em Đàm Linh Chi, lớp 4C đạt giải nhì và em Nguyễn Phương An, lớp 3C đạt giải nhất cuộc thi “Đọc hay, viết chữ đẹp” tỉnh Hưng Yên.

Cô Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ về bí quyết để hưỡng dẫn các em học sinh luyện chữ đẹp: “Để đạt được kết quả đó là cả một quá trình khổ công rèn luyện, kiên trì với tâm huyết của người thầy mới đạt được thành công. Điều quan trọng nhất là hướng dẫn cho các em cách cầm bút và cách đặt tay đúng, để ngòi bút hướng về trước và không đặt tay ngang trên trang giấy…”.

Với những thành tích xuất sắc, cô giáo Thủy đã được các cấp tặng nhiều phần thường: năm học 2009-2010 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; năm học 2010-2011 được Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên tặng Bằng khen và nhận danh hiệu “Nhà giáo được học sinh yêu thích nhất” do Sở giáo dục Hưng Yên trao tặng.

Đối với gia đình: cô Thủy là người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình; là người mẹ nghiêm khắc với các con. Chính vì điều đó, các con của chị đều là con ngoan, trò giỏi. Năm nay niềm vui đến với gia đình, con trai Đàm Trọng Quyết thi đỗ hai trường đại học (Học viện Tài chính và Đại học Y Hải phòng). Đồng nghiệp, mọi người đều khen gợi và tự hào về cô giáo “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Thay lời kết của bài viết, chúng tôi xin dẫn lời nói của cô giáo Nguyễn Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Vĩ: “Cô giáo Thủy là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên của nhà trường, là giáo viên đẹp cả nét chữ và nết người, xứng đáng với danh hiệu nhà giáo được học sinh yêu thích nhất”.

                                                              Bài và ảnh: Kiên Thái – Minh Đạt