>GS.Tạ Quang Bửu: Uyên bác, giản dị và rất người
GS.Tạ Quang Bửu - đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bắt tay ông Trần Hữu Dực (khi đó là chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) |
"Cái tên Tạ Quang Bửu đối với tôi lúc đó vang lên như một điệp khúc của một bài hát buồn, xé ruột gan lúc chia tay vĩnh viễn. Ở đất nước ta có thể có cả ngàn vạn người tên là Bửu. Nhưng Tạ Quang Bửu chỉ có một!". |
"...Những ngày này, cả nước đang từng ngày từng giờ theo dõi các chiến dịch giải phóng miền Nam đất nước, từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng tới Sài Gòn. Khi được tin các chiến sĩ giải phóng quân đã cắm “Cờ quyết thắng” trên dinh Độc Lập của Ngụy quyền thì cả nước triệu triệu người ùa ra đường, ôm lấy nhau khóc vì sung sướng.
Rất nhiều anh em kỹ sư, cán bộ khoa học kỹ thuật chúng tôi được gấp rút cử vào các tỉnh Miền Nam để tiếp thu những nhà máy, cơ sở nghiên cứu khoa học...
Giữa tháng 7 năm 1975, sau khi tham gia đoàn cán bộ khảo sát và nắm tình hình công nghiệp hóa chất của nửa phần đất nước vừa được giải phóng trở về, tôi tới thăm ông Bửu để tường thuật lại với ông về chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm đó. Tôi không quên đưa ông xem những kí họa về những con người và những cảnh vật mà tôi đã vẽ trong những ngày rong ruổi theo quốc lộ 1A của các thành phố, thị trấn và làng mạc của nửa phần đất nước nằm ở phía Nam.
Ông rất thích thú với những kí họa tôi vẽ ở Huế, Hội An và Nha Trang... là những nơi ông từng sống, từng đi qua trong những năm tháng tuổi trẻ. Tôi giục ông “Bác nên thu xếp thời gian sớm vào công tác ở Miền Nam để nắm tình hình”. Ông chỉ mỉm cười và trả lời: “Cứ để anh em đi trước khảo sát kĩ càng đã”. Lúc đó, rất nhiều người tìm mọi cơ hội để vào Nam tìm hiểu tình hình, gặp gỡ lại họ hàng, người thân để mua sắm một số hàng như tivi, tủ lạnh, máy ghi âm.. những thứ đó ở Miền Bắc có tiền cũng khó mua được.
Gia đình ông Bửu vốn sống rất đạm bạc, sau ngày giải phóng Miền Nam vẫn dùng chiếc tivi trắng đen cũ kỹ, chiếc tủ lạnh nhỏ bé mà với tiêu chuẩn Bộ trưởng ông được nhà nước bán cho theo giá cung cấp. Ông hết sức giữ gìn, nhất quyết không tham gia vào cái chiến dịch “Miền Nam tìm họ, Miền Bắc tìm hàng” thời đó.
Mãi tới đầu năm 1976 ông mới lặng lẽ tổ chức một chuyến đi khảo sát tình hình vùng mới giải phóng trên chiếc xe Vônga màu mận chín của nhà nước dành cho ông. Lúc đó tôi đang có mặt tại thành phố Đà Nẵng và ông đã rất vui khi gặp lại tôi tại trụ sở UBND thành phố nằm ngay bên bờ sông Hàn xinh đẹp.
Trở lại những ngày toàn dân đang náo nức đón chào những thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một hôm, ông Bứu nói với tôi: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn võ song toàn, văn hay chữ tốt theo đúng nghĩa của nó. Trong những ngày vui chiến thắng này, bác muốn cháu tặng cho bác một món quà, cháu hãy kí họa cho bác chân dung bác Văn để bác treo trong phòng khách này”.
Quả là một yêu cầu vượt quá khả năng của tôi. Trước hết vì tôi chưa hề vẽ chân dung một người nổi tiếng nào. Sau nữa, tôi làm sao tiếp cận được Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (lúc đó còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ), một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước. Tôi mạnh dạn hỏi ông câu này. Ông vui vẻ trả lời:
- Chỉ cần cháu nhận lời thì bác sẽ nói với bác Văn và mời bác Văn tới nhà bác để cháu vẽ.
Tôi thành thật thưa với ông: “Trước đây, cháu chỉ được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi chứ chưa hề được giao tiếp với ông nên cũng ngại gặp. Vả lại, cháu chỉ là họa sĩ nghiệp dư...”.
- Cháu yên tâm, bác Văn là người rất hiền hậu, rất đáng yêu và dễ gần. Về trình độ hội họa thì bác tin là cháu có thể hoàn thành việc bác giao.
Tại hội nghị Geneve ngày 21/7/1954 Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp. |
Giáo sư Tạ Quang Bửu đã thuyết phục được tôi. Vào một ngày đầu tháng 8/1975, theo lời dặn của giáo sư, tôi mang giấy mầu tới nhà ông. Tôi cũng không quên mang theo những kí họa đẹp nhất của tôi để bác Văn xem, như lời ông Bửu căn dặn trước đó.
Tôi đến nhà ông Bửu thật sớm với tâm trạng hồi hộp lo lắng. Đúng giờ, nghe thấy tiếng bước chân của Đại tướng và sĩ quan bảo vệ bước lên thang gác. Bác Bửu bảo tôi đứng ở tầng hai đón bác Văn. Lúng túng thế nào, tôi quên bỏ chiếc mũ be-rê đang đội ở trên đầu. Bác Bửu nhắc khẽ: “Bỏ mũ ra cháu!”.
Bác Bửu giới thiệu tôi với Đại tướng. Ông hồ hởi bắt chặt tay tôi và nói vui “còn trẻ quá nhỉ!”. Tôi thưa với ông: “Thưa bác, trước đây cháu cùng học với Võ Hồng Anh ở Quế Lâm nhưng ở lớp trên ạ”.
-Thế à? Vậy Ngọc là bạn học của Hồng Anh à? Hay quá!”
Sau khi trả lời, những câu thăm hỏi của Đại tướng về gia đình và cha mẹ tôi, tôi mời ông xem những bức kí họa thuốc nước của tôi. Ông khen mấy bức kí họa phong cảnh tôi vẽ ở Thái Nguyên và bờ biển Cam Ranh. Tôi xin phép được bắt đầu kí họa chân dung của ông. Ông nói: “Ngọc là họa sĩ đầu tiên mà tôi ngồi làm mẫu để kí họa đấy!”.
- Cháu cảm ơn bác. Và tôi hỏi lại ông: “Thưa bác, bác có thể ngồi với cháu được bao lâu ạ?”
- Khoảng 1 tiếng được không?
- Như thế là cũng quá quý hóa đối với cháu rồi! – Tôi trả lời Đại tướng.
Hôm đó, Đại tướng mặc bộ quân phục kaki màu xanh lá cây, chỉ gắn quân hàm trên cổ áo. Vầng trán cao và đôi mắt rất sáng, khi cười cái miệng rất tươi và để lộ hàm răng đều và trắng. Tôi phác họa mấy kiểu, khi nhìn thẳng đối mặt với Đại tướng, khi vẽ chân dung Đại tướng nhìn nghiêng. Trong lúc đó, Đại tướng và giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn trò chuyện vui vẻ về mô hình đại học của thế giới. Bỗng dưng, Đại tướng quay sang tôi, nhắc khẽ: “Họa sĩ đừng vẽ những mớ tóc xòa xuống trán tôi nhé! Tôi thích mái tóc mình hất ngược lên đỉnh đầu”.
Vẽ xong mấy bức kí họa chân dung, tôi đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Tạ Quang Bửu xem để cho nhận xét. Cả hai ông đều thích thú và khen giống, lột tả được cái hồn của người. Tôi đưa cả ba tấm chân dung cho giáo sư Tạ Quang Bửu. Do xúc động và cũng như chưa có kinh nghiệm, tôi quên xin chữ kí của Đại tướng vào những bức kí họa để làm kỉ niệm. Về phần mình, Đại tướng thật chu đáo: ông gọi chú sĩ quan bảo vệ vào, lấy từ xà cột ra cuốn “Những năm tháng không thể nào quên” của ông vừa được xuất bản vào cuối năm 1974, tặng tôi. Ông lấy ngay chiếc bút màu nâu tôi đã dùng kí họa ông, đề mấy chữ:
“Thân tặng Ngọc
Võ Nguyên Giáp
Tháng 8 năm 1975”
Ít lâu sau, giáo sư Tạ Quang Bửu mời tôi đến nhà chơi. Điều cảm động là một trong những bức kí họa chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được lồng khung và treo trong phòng thư viện của ông. Ông đã đưa lại cho tôi một trong 3 tấm chân dung để tôi giữ làm “kỉ niệm về bác Văn” (Nguyên văn lời ông). Giáo sư cũng chuyển cho tôi một phong bì màu nâu ngoài có ghi mấy dòng chữ:
“Việt Nam thông tấn xã
Việt Nam News Agence
PHOTO”
Ông nói “Bác Văn nhờ bác chuyển tặng cháu một số bức ảnh chân dung của bác Văn do phóng viên chuyên nghiệp chụp. Đây là những bức ảnh chân dung mà bác Văn ưa thích nhất. Cháu có thể tham khảo khi làm các tác phẩm bằng sơn dầu...”.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu tại Hội nghị Geneva năm 1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương. |
Sau này, khi tôi được điều về làm ở Phủ Thủ tướng, giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn dành cho tôi một mối quan tâm thân thiết. Thỉnh thoảng ông chuyển cho tôi những tài liệu chuyên môn có liên quan tới những ngành mà tôi theo dõi. Mỗi khi có dịp tiếp xúc với các nhà khoa học, tôi lại nghĩ ngay đến lời dặn dò khéo léo của ông: “Bác tin rằng, ở chỗ đó, cháu sẽ tạo được những điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học của chúng ta tiếp cận được các vị lãnh đạo cao nhất của bộ máy chính quyền, để thực hiện được những công trình sáng tạo của họ, lắng nghe những ý kiến có lợi cho đất nước, cho dân của họ...”.
Có lần ông Bửu chuyển cho tôi một hộp phấn màu (pastel) của Pháp, rất khó tìm mua được trong những năm tháng đó. Ông bảo “Lê Dũng Tráng nhờ bác chuyển tặng cho cháu đấy. Tráng vẫn nhắc tới cháu luôn”.
Tôi định bụng để dành hộp phấn màu đó để vẽ chân dung những người tôi quý mến, như ông, như Dũng Tráng... nhưng từ đó đến nay tôi vẫn ân hận là chưa thực hiện được ý muốn và mấy chục năm rồi, hộp phấn màu vẫn còn nguyên như một kỷ niệm quý báu về Tráng, về ông. Sau này, khi ông đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng ông vẫn ghé thăm gia đình chúng tôi. Một con người quảng giao như ông, một khối óc uyên bác, một con tim nồng hậu, một tính cách dí dỏm, ưa hài hước, không thể chỉ ngồi mãi một mình trong phòng, phải có người để trao đổi tâm tư, trút bớt những bức xúc, giãi bày một số tâm sự, những niềm tin chân thành của mình và tôi sung sướng, cảm động được là người ông tin cậy.
Ngày ông mất, chúng tôi, những người thân, học trò, bạn bè, những người từng quen biết ông và chưa hè quen ông, tụ họp rất đông tại trường Bách khoa Hà Nội, nơi ông từng là Giáo sư, Hiệu trưởng, để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chú ý tới một chi tiết nhỏ: Bà Oanh khi khóc ông, đều gọi “Anh Tạ Quang Bửu ơi!”, chứ không gọi là “anh Bửu ơi!”. Cái tên Tạ Quang Bửu đối với tôi lúc đó vang lên như một điệp khúc của một bài hát buồn, xé ruột gan lúc chia tay vĩnh viễn. Sau này, bình tâm lại, tôi thấy bà có lý khi gọi cả ba chữ tên ông. Ở đất nước ta có thể có cả ngàn vạn người tên là Bửu. Nhưng Tạ Quang Bửu chỉ có một!".
Tác giả: Trần Quang Ngọc
Hiếu Nguyễn (ghi)
TIN LIÊN QUAN |
---|