(GD&TĐ) - “Chỉ có tình người, lòng tận tụy của người giáo viên mới có thể sớm thay đổi nhận thức của những người Bahnar vốn chỉ sống dựa vào núi rừng. Muốn như vậy, người giáo viên phải cùng ăn, cùng sống trong lòng từng ngôi làng để thấu hiểu, để những lời vận động đi vào lòng người nhất”. Đấy là lí do cô giáo Nguyễn Thị Quảng (sinh năm 1965) đã hơn 20 năm qua gắn với bản làng Hrách Gió của người Bahnar ở xã Chư Krei (Kông Chro – Gia Lai).
20 năm bám làng
Năm 1993, khi tuổi đời vừa tròn 28, người giáo viên ấy đã bỏ lại đằng sau tổ ấm vừa gây dựng, thành phố mang tên Bác đầy phồn hoa, nhộn nhịp, mang theo hành trang là những con chữ đến với núi rừng xã Chư Krei. Hai mươi năm sau, cô vẫn ở đó, gắn bó với những ngôi làng dưới tán rừng xanh, hằng ngày lấy việc dạy chữ cho trẻ em người Bahnar. Để rồi, cô giáo ấy đã trở thành một người mẹ trong lòng bao thế hệ trẻ em người Bahnar ở Chư Krei.
Khi ấy, con chữ với người dân Bahnar nơi đây là một thứ gì đó xa lạ lắm. Cả xã hầu như không ai biết chữ, người nói được tiếng Kinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn người Kinh…chỉ mình cô và duy nhất.
Vốn đã quen với cuộc sống nhộn nhịp của phố thị, chưa biết mùi vất vả nhiều, những ngày đầu mới tới với cô Quảng quả là một thử thách. Cô kể rằng những ngày đầu biết bao gian khổ cùng cực nhất là mỗi khi mùa mưa đến, con đường từ trung tâm huyện vào xã dài hơn 20km nhưng phải đi hết cả ngày đường. Đường bùn đất lầy lội, quần xắn tới bẹn, mò mẫm từng bước chân từ sáng tới tối mới đến được trung tâm xã.
Việc chăm lo dạy chữ cho những trẻ em ở Chư Krei là niềm vui duy nhất của cô |
Đường vào những ngôi làng giữa rừng còn gian truân gấp trăm lần, vừa gai góc, rậm rạp, âm u… Giữa chốn thâm sơn cùng cốc ấy, phải đối mặt với biết bao khó khăn nhưng chưa một lần cô giáo trẻ này nản chí muốn bỏ cuộc. Cô Quảng chia sẻ: “Khi ấy khổ vô cùng, lớp học cũng dột nát chứ không kiên cố như bây giờ. Nhưng thấy người dân ở đây còn khổ quá, lại mù chữ nên mình thương lắm, và mình cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã được ăn học đầy đủ, người dân ở đây cũng cần được như vậy”.
Cứ thế, cô thủ thỉ với từng em nhỏ, rằng, người Bahnar cũng có thể làm giáo viên, người Bahnar cũng có thể làm cán bộ, bác sĩ… Và, đã rất nhiều học sinh của cô sau này lớn lên, chăm chỉ học hành đã trở thành những người có tri thức, về phục vụ chính quê hương mình. Cô mừng rỡ khoe: “Phó Chủ tịch xã Chư Krei bây giờ cũng là học trò của mình đấy”. Những ngôi nhà kiên cố dần mọc lên, người Bahnar cũng đã dần quên đi cái đói, những hủ tục đã thấm vào máu thịt của từng người dân, từng bước xóa bỏ cũng nhờ phần lớn những đôi tay học trò cô Quảng.
Suốt 20 năm bám dân, bám làng, là từng đó lứa học sinh của Chư Krei đã đi qua dưới bàn tay uốn nắn dạy tận tụy của cô. Nhiều học trò nay đã lớn, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, rồi những đứa trẻ ấy lại là học trò cô.
Tiếng hát trong căn chòi nhỏ
Từng ấy năm bám làng, bám dân, chỉ có tình người mới là động lực để níu giữ người giáo viên này với bản làng. Cô Quảng còn nhớ như in những ngày đói rét, dân làng cùng đến lợp lại cho cô mái nhà, người mang bồ thóc, người mang củ mỳ… Rồi những tiếng cười giòn giã bên bếp lửa của cô trò. Lũ nhỏ sợ cô buồn, chúng kéo nhau đến hát cho cô nghe. Chúng hát, cô ôm chúng trong lòng mình, tay khâu từng miếng áo rách của những chiếc áo đỏ sẫm màu đất. Những ngày lũ trẻ bỏ học lên rẫy tuốt lúa, cô Quảng tìm đến rẫy, vừa cùng tuốt lúa đến rát đôi bàn tay, vừa vỗ về các em, động viên cha mẹ cho các em đến lớp. Những hôm đến nhà thăm các em, trong nhà có người bị ốm, cô tất tả chạy về mang dầu đến xức, rồi lại tất tả chạy đi mua thuốc dẫu trời mưa gió. Hay năm Chư Krei mất mùa, học trò mang bụng đói đến lớp, nhiều em lả đi. Cô Quảng bèn trồng một vườn mì, rồi mỗi sáng thức dậy từ sớm tinh mơ, luộc mì mang lên lớp chống chọi cái đói… “Kể sao hết những kỷ niệm với mảnh đất nghèo này…” – cô Quảng nghẹn ngào.
Suốt hàng chục năm đằng đẵng ở Chư Krei, gia sản của cô Quảng chỉ vỏn vẹn là căn chòi tranh nhỏ bé. Mỗi ngôi làng là mỗi căn chòi như thế. Đầu xuân năm mới 2013, chúng tôi vô tình gặp cô giữa làng Hrách Gió, cô bước ra từ căn chòi nhỏ bé giữa làng đến nỗi chẳng ai ngờ đó là “cơ ngơi” của một giáo viên có thâm niên hơn hai chục năm. Căn chòi rộng chừng 10m2, mái lợp tranh, cánh cửa thấp nhỏ, bên trong là một cái giường được ghép lại từ những thanh tre mỏng manh, một cái bàn học, một cái bếp ở góc chòi và một khoảng trống đủ rộng để gọi là chỗ đi ra đi vào. “Cái chòi nhỏ, trời mưa gió thì liêu xiêu, dột nát, nhưng ấm cúng, chỉ thế là cũng đủ rồi em à” – cô nhẹ nhàng nói với chúng tôi.
Hai mươi năm một tấm lòng những đứa trẻ người Bahnar, để rồi hằng đêm cô Quảng hát lên bài hát “Tâm hồn” mà cô tự sáng tác trong những đêm cô quạnh trong căn chòi. “Khi bước chân vào đời/ Em chọn ngành sư phạm/ Giờ em làm cô giáo/ Vào tận nơi rừng xa/ Làm bạn cùng trời sao… Người thôn bản nơi vùng xa hiền hòa/ Cùng học trò vui ngày tháng qua…”.
Hoàng Văn Thanh