Bộ giáo trình làm "dâu thiên hạ"...
Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - cho biết: Quá trình giảng dạy bộ môn có 3 yếu tố nền tảng tạo nên sự thành công chất lượng môn học đó là giáo trình, người thầy và người trò. Quy trình đó cần một giáo trình tốt, một người thầy giỏi về chuyên môn phương pháp giảng dạy và một người trò biết cách học.
Trong khu vực giáo dục công lập, hơn 20 năm qua chúng ta đã đầu tư phát triển Tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc. Dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, NXB GDVN đã tập hợp đội ngũ chuyên gia Việt Nam là những người thầy cô giáo giỏi được đào tạo chu đáo ở nước ngoài xây dựng một bộ giáo trình từ lớp 3 đến lớp 12.
Vào những năm 1990, bộ giáo trình này đã được tung ra làm "dâu thiên hạ". Bộ giáo trình này đã được xây dựng trên cơ sở chương trình tiếng Anh các cấp của Bộ GD&ĐT ban hành và nó đã đặt đường ray đầu tiên trong việc đào tạo tiếng Anh bậc phổ thông. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa tăng cường chất lượng, giáo trình này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nền giáo dục Việt Nam.
Nhưng vì làm "dâu thiên hạ" nên bộ giáo trình đó được đóng góp nhiều ý kiến, có ý kiến xây dựng chính xác, có ý kiến không hợp lý và cũng có ý kiến đổ oan cho giáo trình. Điều này làm cho chúng ta suy nghĩ, hình như là chúng ta còn thiếu khâu nào đó trong cơ chế đào tạo.
... và khu vực SGK tiếng Anh là "chùm khế ngọt"
Cái mà chúng ta cảm thấy thiếu chính là chuẩn đánh giá giáo trình và cũng chính là chuẩn xây dựng và biên soạn giáo trình. Nói đúng hơn, chuẩn thì có nhưng chuẩn chính thức của Nhà nước Việt Nam công nhận thì chưa có
Còn tại khu vực ngoài công lập, giáo sư Hùng ví von: Sách giáo khoa tiếng Anh là "chùm khế ngọt cho nhiều nhà xuất bản trèo hái mỗi ngày", đặc biệt ở cấp tiểu học.
Trên một địa bàn ít thì 2 - 3, nhiều thì 5 - 7 bộ giáo trình tràn vào các cơ sở đào tạo. Những giáo trình này đều là những giáo trình gốc của nước ngoài chủ yếu là của các nhà xuất bản Anh Mỹ.
GS Hùng thẳng thắn phát biểu: Ai cũng tự hào là dùng giáo trình của Tây. Nhiều năm gần đây trên khối liên kết theo yêu cầu của phụ huynh là con mình được học giáo trình Tây chính cống và thầy Tây chính cống.
Nhưng năm tháng qua đi thì nhiều phụ huynh than phiền rằng mình đầu tư cao cho con cái học giáo trình chính thống từ Tây mang về mà sao con mình vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn.
Có lẽ câu trả lời sát sao nhất là những giáo trình đó đáp ứng tham vọng của phụ huynh chứ không đáp ứng được năng lực cảm thụ ngôn ngữ của con cái họ. Điều này lại làm cho chúng ta suy nghĩ nhưng hình như vẫn còn thiếu một điều gì đó.
Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo |
Xây dựng sách theo chuẩn châu Âu với các tiêu chí cụ thể
Mục đích của bộ tiêu chí đánh giá giáo trình là công cụ cung cấp cho các nhà đánh giá SGK một danh sách những đặc thù tạo nên thành công của quy trình dạy tiếng nói chung. Bộ SGK được lựa chọn phải đảm bảo cung cấp chuẩn giảng dạy và được thông qua các loại hình dạy học đa dạng tạo nên một môi trường học tập hấp dẫn và khích lệ người học.
Để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và thẩm định sách giáo khoa ngoại ngữ dùng trong trường phổ thông Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ 2020 đã tập hợp một nhóm chuyên gia nghiên cứu sâu về lý thuyết xây dựng tiêu chí.
Nhóm này đã đưa ra bộ tiêu chí gồm 2 bộ nhỏ: Bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh tiểu học với 72 tiêu chí; Bộ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh trung học với 130 tiêu chí.
Bộ tiêu chí mới này đề cập 8 lĩnh vực (Hình thức; Thiết kế; Công cụ hỗ trợ học qua nghe - nhìn; Phân bổ ngữ liệu một cách có hiệu quả và xác định mục tiêu; Course Components; Teaching Methods; Nội dung dạy - học; Kỹ năng ngôn ngữ).
Các tiêu chí này dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam và Khung tham chiếu chung Châu Âu mà đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đang triển khai. Chuẩn châu Âu nói chung một mặt đánh giá năng lực tiếng Anh, mặt khác đặt cơ sở chung về mục tiêu, nội dung phương pháp tăng cường tính minh bạch của giáo trình và chương trình, kĩ năng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp thông tin: Ngay từ năm 1976, một hội đồng ngôn ngữ học châu Âu đã đưa ra các nội dung giáo trình theo chuẩn châu Âu là cơ sở cho nhiều nước xây dựng chương trình và giáo trình của mình. Đây là cơ sở ban đầu và sau đó được bổ sung rất nhiều nhờ những công trình nghiên cứu về giáo pháp, về thiết kế chương trình.
Khi công nghệ bắt đầu can thiệp vào quy trình giảng dạy trên lớp, những tiêu chí làm giáo trình và đánh giá giáo trình được quy định bởi trường phái thiết kế giáo trình dạy tiếng có media.
Khi đưa media vào lớp học thì nó nảy sinh nhu cầu đưa đời sống thực vào lớp học, hình ảnh ngôn ngữ tình huống, nó làm cho bộ tiêu chí đánh giá dài thêm ra và tạo tạo ra riêng một mục khác mà trước đó chưa đề cập đến, đó là tiêu chí hình thức và các tiêu chí liên quan đến chất lượng.
Cách đánh giá chất lượng học tập của khung chuẩn châu Âu với 13 loại hình đánh giá. Khi ra đời nó đã thay đổi về quan niệm đầu ra của giáo trình và góp thêm vào nhu cầu phát triển đối với những kĩ thuật dạy ở trên lớp và do đó bảng đánh giá lại được cộng thêm một phạm trù quan trọng nữa.
Ngày nay, tư tưởng giáo học pháp thay đổi trên nhiều bình diện nó đòi hỏi một bộ tiêu chí có khả năng vừa đánh giá những nét đặc thù mang tính truyền thống, lại vừa đánh giá đúng những quan điểm tiến bộ.
Mục tiêu của các bộ tiêu chí đánh giá sách là một luồng quan điểm và là một bộ tiêu chí được phát triển trên những đặc thù ngôn ngữ dùng chung nhưng không thoát li lí thuyết và cũng chính vì thế bộ tiêu chí không những đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng khác nhau mà còn đủ mức linh hoạt để có thể sử dụng trên toàn thế giới với những thay đổi nhỏ phù hợp với một cộng đồng cụ thể.
Thực tế là hầu hết các nước khi xây dựng chương trình cũng đều tham khảo nội dung này, ngay cả chương trình tiếng Anh của Việt Nam do Bộ GD&ĐT ban hành cũng tham khảo cái nội dung của chuẩn châu Âu. Cho nên nó tạo ra vùng giao thoa tương đối lớn giữa các chương trình, vì thế mà tính khả thi của một bộ tiêu chí vừa đáp ứng yêu cầu của sử dụng trên toàn thế giới, vừa thỏa mãn yêu cầu của địa phương là rất cao.
Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ của VN dựa trên một số bộ tiêu chí đáng tin cậy trên thế giới và đặc biệt là của tác giả các nước xem tiếng Anh không phải bản ngữ.
Bộ tiêu chí đánh giá SGK khi được ban hành sẽ là công cụ cung cấp cho các chuyên gia đánh giá một danh sách những đặc thù tạo nên sự thành công của quy trình dạy tiếng Anh.