(GD&TĐ) - Vừa qua, Hitachi đã công bố 4 gương mặt sinh viên xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 12 (HYLI). Chương trình sẽ diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ 1-5/7/2013 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ các khu vực nhà nước, tư nhân và các học giả nổi tiếng của châu Á. GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với 4 sinh viên về bí quyết thể hiện mình trong các cuộc thi mang tầm quốc tế.
Nguyễn Ngọc Linh (Sinh viên năm 4 - Học viện Ngoại giao): “Sẽ thể hiện hình ảnh SV Việt Nam năng động, dám nghĩ, dám làm”
- Em đã chuẩn bị hành trang gì để tham dự diễn đàn HYLI lần này?
- Về mặt kiến thức, ngay từ vòng loại ở Việt Nam, em chuẩn bị khá chi tiết những kiến thức liên quan đến chủ đề của chương trình, cụ thể "Vai trò của ASEAN trong nền kinh tế châu Á và thế giới".
Về mặt kỹ năng, theo em điều mà chương trình mong đợi nhất ở sinh viên được lựa chọn là: khả năng giao tiếp, trình bày và thuyết phục người nghe bằng tiếng Anh tốt. Bên cạnh đó, cũng cần phải có một phong cách nhất định để đảm bảo vừa hòa nhập tốt với môi trường sinh viên quốc tế vừa không bị hòa tan, mờ nhạt.
Em cũng định hình trước cho mình một phong cách. Với HYLI, cần phải nghiêm túc, đúng giờ khi nộp hồ sơ, khi phỏng vấn, nắm bắt và thể hiện được tính logic khi bày tỏ quan điểm; tuy nhiên đôi lúc, cũng cần phải biết thả lỏng bản thân khi trao đổi với các bạn cùng tham gia để hòa nhập được tốt hơn, học hỏi được nhiều hơn.
Em có kỳ vọng gì khi tham gia Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ châu Á?
- Ngay từ khi bắt đầu tham gia chương trình, em đặt ra cho bản thân mình hai mục tiêu. Điều đầu tiên, thay vì quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng lời nói hay các phương tiên minh họa (video clip, hình ảnh), em hy vọng sẽ khiến bạn bè quốc tế chú ý tới Việt Nam, thay đổi cách nghĩ về Việt Nam thông qua hình ảnh của chính 4 sinh viên Việt Nam được lựa chọn. Kiến thức, kỹ năng và sự cởi mở hòa đồng của em và các bạn sẽ là điều thuyết phục nhất.
Đã từng tham gia một số chuyến đi giao lưu với sinh viên nước ngoài, em nhận ra rằng, nhiều bạn nước ngoài nghĩ sinh viên Việt Nam thụ động và không có tác phong chuyên nghiệp bằng các bạn nước ngoài. Đây chỉ là ý kiến của số ít, nhưng điều đó khiến em rất suy nghĩ và lần này em hy vọng em cùng 3 bạn sinh viên còn lại sẽ thể hiện bản thân mình là những sinh viên Việt Nam, trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, có thể nói và thuyết phục mọi người bằng một ngôn ngữ quốc tế và trong một diễn đàn quốc tế.
Mục tiêu thứ hai đó là thay vì chỉ nói đến những triển vọng chung chung, em hy vọng mình sẽ đóng góp những ý kiến mang tính chất thực tiễn, từ góc nhìn của Việt Nam, chỉ ra những vấn đề, thách thức đối với ASEAN trong việc khẳng định vị thế trong nền kinh tế thế giới. Vì rất hiếm có cơ hội cho sinh viên trẻ như em được nói lên ý kiến trong các vấn đề mang tầm cỡ khu vực như vậy, nên em kỳ vọng mình sẽ thể hiện thật tốt trong sự kiện HYLI lần này.
Đoàn Phương Thảo (Sinh viên năm 4, Đại học Ngoại thương Hà Nội): “Hãy tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa”
- Em có thể chia sẻ bí quyết để lọt được vào danh sách đại diện SV Việt Nam tham dự Chương trình sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ? Cần phải chuẩn bị, trau dồi những gì?
- Theo em, để trở thành đại diện SV Việt Nam tham dự những diễn đàn lãnh đạo trẻ quốc tế như HYLI, các bạn sinh viên cần chứng minh được với Hội đồng tuyển chọn khả năng lãnh đạo, vốn kinh tế văn hóa chính trị sâu rộng và đặc biệt phải có sự quan tâm yêu thích với chủ đề mà diễn đàn thảo luận.
Bởi vậy em có lời khuyên tới các bạn sinh viên: Hãy bắt tay ngay bằng việc tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa, các hội thảo, diễn đàn sinh viên trong nước để có cơ hội thử thách mình trong vai trò lãnh đạo, học cách thể hiện quan điểm, ý kiến một cách thuyết phục và rèn luyện tư duy phân tích sắc bén.
Hiện các phong trào sinh viên ở các trường ĐH ngày càng mạnh, có nhiều cuộc thi, diễn đàn, câu lạc bộ hay và đa dạng nên em nghĩ có rất nhiều cơ hội cho các bạn nắm lấy. Vì Hội đồng tuyển chọn chỉ gặp bạn qua 2 cuộc phỏng vấn ngắn nên những thành tích, kinh nghiệm bạn đạt được từ những hoạt động này chính là những bằng chứng thuyết phục nhất về khả năng của bạn.
Về việc trau dồi kiến thức, em nghĩ đầu tiên cần có kiến thức nền tảng rộng qua quá trình học tập tại trường ĐH, sau đó thường xuyên cập nhật thông tin qua sách báo, đọc thêm các bài đánh giá nhận định của các chuyên gia để có cái nhìn sâu và nhiều chiều về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Nguyễn Vũ Nhật Anh (SV năm 3, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM): “Nam SV Việt Nam có chút kém năng động hơn các bạn nữ!”
- Là sinh viên nam duy nhất tham dự diễn đàn HYLI lần này, Nhật Anh có nghĩ các bạn SV nam dường như chưa mạnh dạn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình?
- Em cho rằng HYLI chỉ là một trong rất nhiều chương trình hay hoạt động mà trong đó sinh viên Việt Nam có thể thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Như vậy nếu ai đó chỉ dựa vào môi trường này để đánh giá rằng sinh viên nam Việt Nam tỏ ra yếu thế hơn về khả năng lãnh đạo so với nữ giới có lẽ là vội vàng.
Mặt khác, em đoán cũng rất có thể mức độ quan tâm của sinh viên nam về HYLI năm nay là ít hơn so với sinh viên nữ. Dựa vào đây có thể tạm cho là sinh viên nam đang tỏ ra kém "năng động" hơn so với sinh viên nữ!
Nguyễn Thanh Nguyệt Minh (SV năm 4, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM): “Môi trường giáo dục rất quan trọng để phát huy tố chất lãnh đạo”
- Theo em, một nhà lãnh đạo nữ cần có tố chất gì? Và môi trường giáo dục đại học Việt Nam có phải là mảnh đất tốt cho các nữ sinh viên có khả năng lãnh đạo?
- Em cho rằng một nhà lãnh đạo cần phải có những tố chất căn bản như: tham vọng, dám nghĩa dám làm, kiên trì và chịu khó. Tuy phái nam có những tố chất vượt trội để dễ dàng thành công hơn phái nữ, nhưng những nhà lãnh đạo nữ có thể khai thác những đặc điểm riêng để tạo ưu thế hiệu quả như phong cách duyên dáng, kiên nhẫn, mềm dẻo và biết lắng nghe. Tận dụng những ưu thế nào sẽ giúp phái nữ có cách phương riêng để đạt được thành công.
Môi trường giáo dục và sinh hoạt là rất quan trọng để phát huy tố chất lãnh đạo. Nhưng em rất may mắn khi được trưởng thành trong môi trường giáo dục của khoa em, khoa Quan hệ Quốc tế. Khoa đã cho em một môi trường năng động, nhiệt huyết, hiện đại để em học hỏi nhiều kĩ năng mềm, kỹ năng sống và phát huy thế mạnh bản thân. Em nghĩ rằng môi trường giáo dục của Việt Nam đang tốt lên rất nhiều, tạo điều kiện cho tất cả các bạn trẻ mà không hề phân biệt giới tính. Các bạn trẻ nữ nếu biết khai thác và tận dụng tốt các cơ hội thì có thể phát triển rất tốt và có phần suôn sẻ hơn các bạn nam cùng lứa.
- Sáng kiến em tham dự diễn đàn quốc tế có thể áp dụng trong điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam không?
- Tại diễn đàn, chúng em được thảo luận các sáng kiến nhằm giải quyết và cải thiện các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á. Những sáng kiến được đề ra sẽ phải thông qua một quá trình trao đổi rất kỹ lưỡng của các bạn sinh viên đại diện những nước trong khu vực để đảm bảo lợi ích và sự phù hợp cho mọi quốc gia thành viên rồi mới đi đến sự đồng thuần cuối cùng. Đây cũng là cơ chế trao đổi và đồng thuận mà ASEAN và rất nhiều các diễn đàn khu vực áp dụng.
Vì thế, em tin rằng những sáng kiến được đề ra sẽ phù hợp và có thể áp dụng tốt ở Việt Nam cũng như tất cả những nước thành viên khác. Việc áp dụng sáng kiến đồng bộ sẽ tạo ra hiệu quả tích cực cho cả khu vực.
Cảm ơn các em về cuộc trò chuyện!
“Việc lựa chọn các sinh viên xuất sắc là một hành trình gian nan bởi có quá nhiều sinh viên giỏi từ các trường đại học Việt Nam. Các sinh viên tham gia tuyển chọn đều thể hiện năng lực rất tốt về thuyết trình, tiếng Anh, có vốn kiến thức phong phú... Điều này cho thấy chất lượng đào tạo của giáo dục Việt Nam” - Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hitachi kiêm Chủ tịch Hitachi châu Á Kiyoaki Iigaya. |
Gia Hân (Thực hiện)