Trẻ em làng Công tơ rang hôm nay |
(GD&TĐ) - Chúng tôi lên huyện miền núi vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) trong những ngày đầu tháng 11/2013. Con đường dẫn vào Plây Công tơ rang thật khó đi sau những cơn bão lũ, lụt lội khủng khiếp đã đổ bộ vào miền Trung. Mà chẳng cần mưa bão, đường sá bao đời đã gập ghềnh trắc trở, cảnh leo núi, xuống đèo, băng suối cùng những cánh rừng già âm u đã làm cho cái làng nhỏ bé của người Bhnong dường như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài, ngay cả đối với sự nghiệp GD. Người đưa cái chữ đầu tiên về chốn hẻo lánh này, lại chính là một người con bản làng…
Đem chữ về cho dân mình thôi!
Làng Công tơ rang bắt đầu có tên từ cuối những năm 80, đầu năm 90 của thế kỷ trước. 47 hộ dân hiện nay sinh sống trong làng hình thành do định cư từ núi rừng vùng sâu xuống đây, trong số đó có gia đình anh Hồ Văn Vương.
Cũng như bao hộ dân nghèo trong làng, cảnh đói nghèo, hủ tục lạc hậu cũng không đứng ngoài bậu cửa ngôi nhà nằm cheo leo trên vách núi của gia đình Vương. Áp lực đói nghèo, hủ tục đã bắt người Bhnong ở đây phải mù cái chữ, bắt những người bạn tầm tuổi của Hồ Văn Vương phải bỏ lớp.
Nhưng với Vương là người sáng dạ, hơn nữa sự kỳ diệu của con chữ từ những buổi học trong những căn nhà tạm bợ cách nhà 5 cây số đường đèo vẫn hấp dẫn với Vương. Vượt qua bão lũ, giá rét của mùa đông, vượt qua đói khổ của những bữa cơm một phần gạo ba phần sắn chưa đủ no của nhà, Vương vẫn đến lớp.
Mười năm học của con nhà nghèo dài dằng dặc cũng chóng vánh qua đi. Xuống trường tỉnh (Phổ thông dân tộc Nội trú - Hội An) có thêm những người bạn, với những bữa ăn đầy ngật cơm trắng và thức ăn theo chế độ Nhà nước nhưng vẫn không làm Hồ Văn Vương quên được quê nhà, nhất là cảnh đói khổ của người già và trẻ em. Gần 90% dân trong làng từ già đến trẻ đều mù cái chữ thì khó có một giải pháp nào thoát nghèo được. Vương nghĩ, mình phải đem chữ về cho dân mình thôi! Phải đem nó về bằng mọi cách!.
Thuận lợi cho suy nghĩ của Hồ Văn Vương đã đến ấy là lúc về hè, trường nội trú tỉnh tập trung học sinh phổ biến chương trình tình nguyện với nội dung: Về nhà tùy thời gian, sức lực, hãy giúp các gia đình, các em nhỏ những việc làm có thể.
Ngay sau buổi tập trung, Hồ Văn Vương đã tìm tới thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiệu, lúc bấy giờ để trình bày lý do và xin thầy cho mình một chiếc công văn gửi về xã. Chiếc công văn có dấu đỏ tới tay cũng là lúc mặt trời đã quá núi, Vương thu xếp đồ đạc, bắt chuyến xe cuối ngày để trở về làng Công tơ rang.
"Nói phải dù dài cũng nghe"
Thầy Hồ Văn Vương, thầy giáo người Bhnong đầu tiên của làng Công tơ rang |
Tưởng mọi công việc đơn giản, nhưng chẳng hề đơn giản chút nào. Đến đâu Hồ Văn Vương cũng gặp toàn những cái lắc đầu. Người trẻ thì thờ ơ, người già thì thật thà: Mình đói cái bụng lắm, không đến lớp được đâu! Rồi, lại họ tranh luận rằng, người Bhnong mình từ trước đến nay có chữ đâu, vẫn sống đấy...
Vận động đi, vận động lại, theo triết lý người Bhnong: "Nói phải dù dài cũng nghe", dần đã có người lớn theo Vương đến lớp. Với cuốn giáo án hơn 50 bài tự soạn gồm hai nội dung dạy chữ cái, ghép chữ và viết thành câu văn ngắn, Hồ Văn Vương đến lớp với một vài học viên ở buổi ban đầu.
Bên ánh đèn dầu không đủ sáng, tiếng thước gõ vào bảng nhịp nhàng, những giọng đọc đầy bỡ ngỡ lại vang lên trở thành những điều kỳ diệu, lan truyền khắp bản làng, được con trai, con gái đang tuổi yêu đương kể cho nhau nghe vào lúc lên nương rẫy.
Họ tò mò, rồi đến xem mọi người trong lớp học, được Vương và học viên cho sách, cho bút mời họ vào. Cái lớp học ngày càng đông thêm người. Mùa hè năm ấy đã có hai mươi người tuổi từ 15 - 40 tới học chữ của Vương.
Đến ngày đi học trở lại trường, Hồ Văn Vương phải tạm rời xa lớp học khi đó 100% học viên của lớp đã đọc thông viết thạo. Trong mỗi kỳ nghỉ hè Vương về lại với họ, quà của Vương cho những người trong làng chỉ là những tập sách đã xin được.
Cũng trong những lần về này, rỗi lúc nào, Vương lại tìm đến các học viên của lớp để kiểm tra và giúp đỡ thêm những phần thiếu trong cách đọc và cách viết của họ.
Trái ngọt cuộc đời
Từ ngày tốt nghiệp trường CĐSP tỉnh, chính thức trở thành nhà giáo chuyên nghiệp (trường liên cấp 1 – 2 ở ngay xã nhà), thầy Vương lại càng thuận tiện hơn trong việc dạy cái chữ cho bà con. Lớp dạy phổ cập tự nguyện của thầy có lúc 40 người tham gia, số nữ cũng đã lên đến con số 20 người – một điều chưa từng có trong lịch sử người Bhnong.
Không chỉ các kiến thức thông thường, thầy còn dành thời gian dạy cho học viên các bài hát truyền thống ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu vào các buổi sinh hoạt cuối tuần. Những buổi sinh hoạt cuối tuần này thật cảm động.
Có phê bình, có khiển trách, có tuyên dương cho từng cá nhân trong lớp học. Già, trẻ, lớn bé từng bước bỏ dần mặc cảm bình đẳng đứng lên góp ý cho nhau, về kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi, trồng cây mà họ đã được nghe, được đọc trên báo.
Số lượng người mù chữ trong làng qua những năm tháng làm tình nguyện xóa mù chữ của Vương, rồi Vương lại trở thành thầy giáo bản làng để phổ cập con chữ cho mọi người ở trong làng giờ đây, người trong bản làng mù cái chữ đã giảm nhanh chóng.
Bây giờ, ai có dịp đến với Công tơ rang Phước Công, đều có thể nhìn thấy, thay cho cái cảnh người ta chạy đôn, chạy đáo đi nhờ người biết chữ đọc hộ lá thư, mẫu điện do người thân gửi về, mà khách lạ sẽ ngỡ ngàng trước những hình ảnh những cụ già chong kính, những em bé với những áo váy lành lặn ngồi đọc những tờ báo mà mình có được trên những tảng đá trong vườn hay bậu cửa.
Nói về những đóng góp của Hồ Văn Vương, trưởng làng Hồ Văn Him không giấu nổi sự tự nào: Thằng Vương mang chữ về cho dân, nhờ chữ của nó, người dân Bhnong ở làng Công tơ rang và xã Phước Công nay đã sáng cái đầu lắm rồi. Biết đưa nhà xuống núi định cư, người dân tập trung sống đoàn kết với nhau lắm.
Biết trồng rừng, bỏ phát rẫy, phá rừng già và làm lúa nước nữa đấy, có cái chữ biết lợi ích của việc làm cây lúa nước, đến cuối năm 2012 vừa rồi, dân làng mình khai hoang mở rộng thêm được 30 ha lúa nước 2 vụ nữa. Các ruộng cũ đã thuần được cây lúa giống mới, nó cho hạt nhiều lắm, dân làng mình hôm nay đã no đủ, hết cảnh nghèo đói rồi...
Trần Cao Anh