"Nguồn sáng" của học sinh khiếm thị

"Nguồn sáng" của học sinh khiếm thị

Vùng tối kí ức

Đến giờ, kí ức tuổi thơ vẫn hiện về trong tâm trí cô Thuý Nga. Cô nhớ như in sắc xanh của vườn rau sau nhà, mái tranh bạc phếch vì nắng mưa, những nếp nhăn lam lũ trên vầng trán cha mẹ… Nhưng, kí ức ngày mất đi đôi mắt mãi mãi là nỗi ám ảnh không dứt.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Nga chuẩn bị giáo án trước giờ lên lớp
Cô giáo Nguyễn Thị Thuý Nga chuẩn bị giáo án trước giờ lên lớp

Chuỗi ngày đối diện với bóng tối tật nguyền bắt đầu từ năm cô 12 tuổi. Một quả bom nằm dưới nền bếp phát nổ trong khi cô đang bận rộn với bữa cơm chiều. Tai nạn khiến mắt cô mờ dần rồi tối hẳn. Từ đó, những gì cô từng nhìn thấy đều trở thành kí ức quý giá.

Sau tai nạn, bóng tối bủa vây cuộc đời cô Thuý Nga. Niềm hạnh phúc đến trường đặt dấu chấm. Hàng ngày, nghe chúng bạn í ới gọi nhau đi học, hai hàng nước mắt lại thi nhau chảy trên gương mặt đứa trẻ mới 12 tuổi.

Cô ngậm ngùi hiểu rằng: “Ước mơ trở thành giáo viên của mình có lẽ chẳng bao giờ là sự thật nữa rồi”. Nỗi lòng thêm quặn thắt khi người con hiếu thảo chẳng thể san sẻ vất vả cùng cha mẹ. Những đêm không ngủ, nghe tiếng thở dài của hai đấng sinh thành, lòng cô xót xa như bị xát muối. Nhớ lại ngày ấy cô Thuý Nga tâm sự: “Lúc ấy, mình gục ngã thực sự. Bao mong mỏi, dự định từ bé bỗng chốc tan thành mây khói. Mình cứ ao ước nỗi đau này chỉ là một giấc mơ mà thôi”. 

Con đường ánh sáng

Tưởng chừng cuộc sống mãi mãi chìm trong bóng tối như thế, nhưng niềm hạnh phúc nhỏ bé đã mỉm cười với cô. Năm 1980, cô Thuý Nga được Hội Người mù tỉnh Quảng Trị gửi ra Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng (thuộc Hội Người mù Việt Nam) học chữ Braille.

Cô bắt đầu làm quen với chiếc bảng, cái dùi, con cắm… Theo thời gian, những chấm chữ Braille trở nên thân thuộc với cô như bè bạn. Một thế giới mới như mở ra trước mắt cô bé thiệt thòi. Từ đây, cô lại được học chữ, được gặp gỡ những người bạn đồng cảnh ngộ khắp mọi miền đất nước.

Cô Thuý Nga tâm sự: “Học chữ Braille chẳng hề đơn giản. Nó đòi hỏi nhiều sự say mê và kiên trì cao độ. Ban đầu, mình lo lắm. Mình sợ phụ lòng những người đã tin tưởng, sợ cái chữ bỏ rơi mình lần thứ hai”. Nỗi trăn trở ấy cùng sự đam mê con chữ thúc giục cô chăm chỉ học tập. Các thầy cô giáo phải trầm trồ ngạc nhiên trước sự tiến bộ nhanh chóng của cô bé nhỏ thó đến từ Quảng Trị.

Từ ngày học chữ Braille, ước mơ thời thơ bé lại trỗi dậy trong lòng cô Thuý Nga. Cô bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh: mình trở thành người đưa những chấm chữ Braille đến với học sinh khiếm thị. Cô Thuý Nga bộc bạch: “Từ ngày mất đi đôi mắt, mình không bao giờ dám nghĩ đến ước mơ trở thành giáo viên nữa. Nhưng, chữ Braille đã mở ra cánh cửa vốn đóng kín ấy”.

Trong quá trình học tập, cô Thuý Nga làm quen với nhiều người bạn đồng cảnh ngộ. Những cái bắt tay chia sẻ, tâm sự sâu kín… kết nối cô với bạn bè. Cô dần hiểu ra: “Tuy mất đi đôi mắt, nhưng mình hạnh phúc hơn rất nhiều người”. Đó là lí do giúp cô mở rộng lòng mình hơn và nụ cười lại trở về trên đôi môi.
Sau những năm tháng miệt mài học tập, cô Thuý Nga đem ngọn lửa nhiệt huyết và lòng say mê chữ Braille về quê hương. Cô trở thành giáo viên dạy xoá mù chữ cho học sinh khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Không những thế, người giáo viên tận tụy còn “cõng chữ Braille” về các Hội Người mù cơ sở. Từ năm 2001, cô chính thức gắn bó với các học sinh khiếm thị nhỏ tuổi ở lớp Tiền hoà nhập. Một cánh cửa mới lại mở ra trước mắt người giáo viên khiếm thị.

Em Hồ Thị Cúc (học sinh của cô Nguyễn Thị Thuý Nga) đạt giải nhì cuộc thi viết chữ Braille Onkyo lần thứ VI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương .
Em Hồ Thị Cúc (học sinh của cô Nguyễn Thị Thuý Nga) đạt giải nhì cuộc thi viết chữ Braille Onkyo lần thứ VI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương .

Nguồn sáng của học sinh khiếm thị

Tiếp xúc với học sinh khiếm thị, kí ức thơ bé lại trỗi dậy trong lòng cô Thuý Nga. Cô hiểu nỗi đau mất đi đôi mắt, thấm thía cảm giác tê nhói khi nghĩ mình là “người thừa của xã hội”... Sự đồng cảm giúp cô gần gũi với từng học sinh khiếm thị hơn. Cô không chỉ là giáo viên mà còn là mẹ, là chị, bè bạn… của các em. Đó chính là lí do học sinh thường gọi cô bằng cái tên âu yếm: “Cô tiên”  

Hầu hết học sinh khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh Quảng Trị đều nhỏ tuổi. Thế nên, cô Thuý Nga không chỉ dạy chữ mà còn rèn nết cho các em. Công việc ấy không đơn giản. Nhiều khi cô mất hàng giờ, “cầm tay, chỉ chữ” cho các em. Người giáo viên khiếm thị luôn nhắc nhủ bản thân: “Các em đã mang nỗi đau mất đi đôi mắt, mình không được để các em mù văn hoá nữa”. Đặc biệt, cô Thuý Nga chưa bao giờ hé miệng quát nạt hay tỏ vẻ khó chịu trước học sinh chậm tiến. Hơn ai hết, cô hiểu: “Nếu làm thế, mình sẽ đẩy các em vào nỗi mặc cảm, sự chán nản sâu hơn”.

Nỗi âu lo lớn nhất trong lòng người giáo viên yêu nghề là điều kiện học tập của học sinh khiếm thị vẫn chưa đầy đủ. Có khi cô phải chép tay nguyên bộ sách chữ Braille cho học sinh, bởi giá thành của mỗi bộ lên đến năm, sáu triệu đồng. Không những thế, dụng cụ học tập của các em còn khá thiếu thốn. Nhiều khi học sinh của cô phải thay phiên nhau sử dụng từng chiếc bảng, cái dùi, con cắm… Thương học sinh đến quặn lòng, nhưng cô chỉ còn cách động viên các em vượt qua khó khăn ấy.

Ngoài nhiệm vụ truyền chữ, cô Thuý Nga còn là người mẹ của học sinh khiếm thị. Cô thường xuyên lo việc tắm rửa, giặt giũ, ăn uống… cho các em nhỏ tuổi. Đặc biệt, phần lớn học sinh ở lớp Tiền hoà nhập là người Vân Kiều, Pa Kô, nên “người mẹ của học sinh khiếm thị” đảm nhiệm luôn “trọng trách” dạy tiếng Kinh. Cô thường bế các học sinh nhỏ tuổi, chỉ tay vào từng đồ vật, nói tiếng Kinh để các em hiểu và nhớ dần.

Những tháng ngày đồng hành cùng học sinh khiếm thị “trên con đường ánh sáng” để lại khá nhiều kỉ niệm trong lòng cô Thuý Nga. Cô nhớ bài văn đạt giải nhì cuộc thi viết chữ Braille Onkyo lần thứ VI khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của học sinh Hồ Thị Cúc, nhớ giọt nước mắt của em Phạm Văn Chiến khi học chữ Braille chậm hơn các bạn bởi em cụt mất một tay, nhớ bài hát mà các học sinh dành tặng cô vào ngày 20 – 11… Những kỷ niệm ấy trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống cô Thuý Nga. Nó thúc giục cô cố gắng hơn để đưa học sinh đến với chân trời kiến thức qua những chấm chữ Braille, chắp cánh ước mơ trong lòng “các con” của mình…

“Học sinh khiếm thị luôn lấy giáo viên là gương” - Hiểu điều đó, cô Thuý Nga luôn cố gắng hoàn thiện mình. Người giáo viên khiếm thị này tích cực học bổ túc, tham gia các khoá tập huấn do Hội Người mù tổ chức, phấn đấu đứng vào hàng ngũ Đảng… Đặc biệt, cô còn là một vận động viên thể thao người khuyết tật từng đạt nhiều huy chương ở các giải đấu.

“Nghề giáo đã chọn và đưa mình đến với học sinh khiếm thị. Đó là hạnh phúc lớn nhất đối với cuộc đời mình. Mình sẽ truyền tất cả nhiệt huyết để học sinh tự tin đi trên con đường ánh sáng” - Lời bộc bạch tự đáy lòng “Cô tiên” khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Trương Quang Hiệp