(GD&TĐ) - 14 năm đứng trên bục giảng, cô Hoàng Thị Tuyến, giáo viên Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến. Bao nhiêu năm dạy học là bấy nhiêu năm chị luôn tìm tòi để môn giáo dục công dân cuốn hút học sinh. Bằng tình yêu nghề, hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh chị đã biến những bài giảng lý thuyết trong SGK thành những câu chuyện có thật trong cuộc sống khiến HS hứng thú. Vừa qua chị đoạt giải Nhất GV dạy giỏi cấp cụm Hà Đông, Hoài Đức, đoạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi TP Hà Nội với chuyên đề: "Giáo dục đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" cấp THPT năm 2011-2012.
Cô Hoàng Thị Tuyến |
Mỗi ngày lên lớp là một niềm vui
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là bộ đội phục viên nhưng ngay từ nhỏ Hoàng Thị Tuyến đã yêu thích nghề dạy học. Tốt nghiệp THPT chị thi vào Trường ĐH sư phạm Hà Nội. Năm 1998 tốt nghiệp ĐHSP khoa Giáo dục chính trị, chị xin về dạy hợp đồng tại Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội. Những bước chân đầu tiên đứng trên bục giảng tuy bỡ ngỡ nhưng đã thắp sáng dần ngọn lửa ước mơ hôm nào của cô giáo trẻ. Một năm sau chị thi đỗ công chức được phân công về Mỹ Đức C, Hà Nội.
Năm 2001, để được gần gia đình chị xin về dạy tại Trường THPT Hoài Đức A. Mỗi ngôi trường mà chị công tác dù thời gian nhiều hay ít nhưng đến nay vẫn là những ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời chị. Ở đó không chỉ có trang giáo án mà còn có bạn bè, đồng nghiệp và nhất là những gương mặt thân quen của nhiều thế hệ học trò.
Hàng ngày tiếp xúc với các em, chị thấy mùa xuân như ở mãi trong tuổi của mình, mọi lo toan vướng bận của cuộc sống cũng dần vứt bỏ hết. Lắng nghe giọng nói trong trẻo, nhìn ánh mắt thơ ngây của học trò chị muốn truyền cho các em những tình cảm thân thương nhất, cho các em biết những điều hay lẽ phải. Tuổi học trò hồn nhiên, vô tư, trong sáng, mỗi ngày lên lớp có một niềm vui riêng, chị thấy như tuổi học trò của mình như sống lại ngày nào.
Chị tâm sự môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường chỉ được học sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên coi là môn phụ, mỗi tuần một tiết. Đến tiết, học sinh rất uể oải và chỉ tìm cách học chống đối, thậm chí tự ý nghỉ tiết. Với học sinh đó là giờ “xả hơi”, đặc biệt là học sinh lớp 12, khi bận rộn bài vở để ôn thi tốt nghiệp thì chuyện học GDCD được coi là một việc làm “xa xỉ”. Còn với giáo viên đó là giờ ngậm ngùi khi biết rằng giảng nhưng sẽ chẳng có ai nghe.Thực tế, bài giảng GDCD hiện nay đang đơn thuần đưa ra những khái niệm và rao giảng đạo đức bằng lý thuyết suông. Trong khi học sinh cần những giờ thảo luận thực tế. Để khắc phục những hạn chế đó, giáo viên giảng dạy môn này không chỉ là một giáo viên dạy về đạo đức mà còn phải được đào tạo để trở thành một "bác sĩ tâm lý” cơ bản giúp học sinh giải đáp những thắc mắc thông thường của lứa tuổi. Nắm được tâm lý của Hs nên những bài giảng của chị bao giờ cũng cuốn hút HS, khiến các em hứng thú.
Ở trường chị phân luồng HS giữa các lớp khá giỏi và chậm tiến, chị áp dụng 2 cách dạy khác nhau: Với những HS ngoan thì bao giờ cũng thích khám phá những kiến thức KH, việc truyền thụ cho các em những kiến thức thì các em dễ nắm hơn. Còn những HS chưa ngoan do hỗng kiến thức nên không thể nhồi nhét vào đầu các em những lý thuyết KH mà bằng những câu chuyện cụ thể đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày để đề cập đến vấn đề lý thuyết trong SGK. đặc thù môn GDCD dạy về đạo đức, về pháp luật nếu cứ đưa ra lý thuyết khuôn mẫu thì rất khô khan, làm sao phải có những câu chuyện thực tế diễn ra trong cuộc sống để Hs tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng nhất. VD dạy bài về tình yêu, tình bạn, hôn nhân gia đình... trong giờ học chị kể cho HS nghe rất nhiều câu chuyện về tình bạn tình yêu khiến HS rất say mê, buổi học kết thúc nhưng các em vẫn muốn được nghe cô giảng tiếp.Cách dạy áp dụng vào thực tiễn của cô giúp học trò thêm yêu môn GDCD và sáng tạo hơn trong việc học.
Dạy đạo đức, pháp luật bằng những câu chuyện thực tế
Hết lòng với công tác giảng dạy và quan tâm chăm lo đến HS đã giúp chị thành công trong suốt thời gian đứng trên bục giảng. Vừa qua chị vừa đoạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp TP với chuyên đề: "Giáo dục đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" cấp THPT năm 2011-2012.
Chia sẻ về công việc giảng dạy, đặc biệt là môn GDCD, chị tâm sự: Thực tế, sách giáo khoa GDCD đơn thuần đưa ra những khái niệm về đạo đức, pháp luật...Nếu giáo viên lên lớp chỉ bắt HS thuộc lòng những khái niệm, lý thuyết suông thì sẽ khiến HS chán, không muốn học. Để cuốn hút HS hứng thú với môn học này chị luôn tìm tòi rất nhiều tư liệu, những câu chuyện có thật trong cuộc sống rồi mới đúc rút thành những khái niệm, vì thế những giờ học GDCD của chị bao giờ cũng cuốn hút các em.
Hiện nay vấn đề đạo đức của học trò đang được xã hội lên án rất nhiều. Một mặt do cơ chế thị trường tác động đến lối sống, suy nghĩ của các em. Gốc dễ phải bắt đầu từ gia đình, nếu trong gia đình bố mẹ ông bà có thể hiểu uốn nắm suy nghĩ để định hướng làm cho các em làm theo những chuẩn mực đạo đức thì rất tốt. Đến trường thời gian thì nhiều nhưng thời gian dạy đạo đức rất ít vì các em còn học nhiều môn, giờ dạy môn GDCD trong trường một tuần chỉ có một tiết nên để định hướng cho các em vẫn là việc làm rất khó khắn đối với thầy cô giáo dạy môn học này.
Những thành tích đạt được: Công đoàn ngành GD Hà Nội tặng bằng khen "Gia đình nhà giáo tiêu biểu năm 2011"; Giấy khen là một trong 29 vận động viên tiêu biểu của ngành GD năm 2011; Giải nhất cấp cụm Hà Đông, Hoài Đức với chuyên đề "Giáo dục đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" ; đoạt giải Nhì giáo viên dạy giỏi TP Hà Nội với chuyên đề: "Giáo dục đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" cấp THPT năm 2011-2012. |
Nói về thực trạng dạy giáo dục công dân hiện nay, chị chia sẻ: ở Lớp 10 SGK đề cập rất nhiều đến thế giới quan, phương pháp luận, có một phần rất nhỏ đề cập đến truyền thống đạo đức dân tộc, đó là yêu nước, lá lành đùm lá rách...Về vấn đề này không chỉ giáo dục cho các em qua môn GDCD mà còn qua văn học, qua lịch sử...Môn GDCD là môn học đề cập trực tiếp nhưng thời lượng để dạy thì quá ít, để liên hệ thực tiễn cho HS nắm được thì không có thời gian; Lớp 11 ngoài vấn đề về kinh tế, chính trị còn những bài về đạo đức. Khi dạy chị dạy kiến thức về lý thuyết rất ít. VD khi dạy bài về lương tâm là gì? Nhân phẩm là gì? Danh dự là gì? Định nghĩa thì rất khó. Khi dạy chị đề cập lý thuyết rất ít, rất ngắn gọn mà bằng những câu chuyện thực tế. Chị đưa ra ví dụ trên đường làng đi học về, một số bạn trai nhìn thấy rơm rạ phơi rất nhiều thì các bạn lấy rơm phủ lên nắp cống để bẫy những người đi đường. Có người nào đi qua không may bị ngã xuống hố thì các ban rất vui. Có bạn nghĩ việc làm của mình nếu bố mẹ biết thì chắc sẽ đánh đòn mình, hay mình có nên xin lỗi người bị nạn hay không,cuối cùng chị cũng đưa ra được khái niệm thế nào là người có lương tâm để HS hiểu.
Thực tế hiện nay HS vi phạm luật giao thông rất nhiều, hậu quả xảy ra có khi các em chưa lường hết được nên trong bài giảng về pháp luật là gì chị cũng đưa ra cho HS bàn luận, vì thế HS rất hứng thú với những giờ giảng của chị. Với chị giáo dục đạo đức bằng những tấm gương, câu chuyện cụ thể, có thật trong cuộc sống hiện đại chứ không phải là tình huống giả dụ như trong SGK hiện nay. Mỗi bài giảng bao giờ chị cũng tìm tòi tư liệu, sáng tạo trong những tiết dạy để đạt hiệu quả cao nhất.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị còn tích cực tham gia Ban chấp hành Công đoàn trường cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của ngành GD. Năm 2011 chị là một trong 29 vận động viên tiêu biểu của ngành GD; được Công đoàn ngành GD Hà Nội tặng bằng khen "Gia đình nhà giáo tiêu biểu năm 2011". Với tình yêu nghề giáo tha thiết là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ đoàn viên, thanh niên thời hiện đại.
Tâm sự về nghề chị đã trải lòng mình: “Nghề dạy học cho mình nhiều thứ nhưng đáng quý nhất là nghề đã cho mình một trái tim biết thương yêu trẻ, một nhân cách với những phẩm chất cao quý để sống và làm việc tốt hơn”.
Lê Đăng