"Cu Tèo" kể chuyện cứu người

"Cu Tèo" kể chuyện cứu người

(GD&TĐ) - Nghe có tiếng kêu cứu thất thanh dưới lòng sông, từ bờ đê nhìn xuống phát hiện 5 em nhỏ bị đuối nước, Lê Văn Được lập tức lao xuống cố gắng lần lượt dìu từng em vào bờ. Mặc dù rất mệt sau nhiều lần bơi trên dòng sông rộng, nhưng cậu bé vẫn nỗ lực sơ cứu 2 em nhỏ đang ngất lịm…

>>>Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khen thưởng học sinh dũng cảm; Bộ GD&ĐT trao bằng khen cho học sinh Lê Văn Được; Sở GD&ĐT Nghệ An trao thưởng cho em Lê Văn Được

123
Học sinh Lê Văn Được nhận bằng khen của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

 Câu chuyện của cậu bé quả cảm

Nhà em Lê Văn Được (học sinh lớp 9, trường THCS xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nằm trong một ngõ nhỏ ở xóm Ngọc Khánh, xã Thanh Ngọc.

Ông Lê Văn Hải (bố Lê Văn Được) tự hào giới thiệu: Tên thường gọi ở nhà của nó là Tèo. Cu Tèo nhà tôi là con đầu, nó sinh ngày 30/10/1998, sau nó còn có 1 em trai đang học lớp 6, một em gái mới hơn 3 tuổi.

Nói xong, ông Hải bảo vợ sang gọi cu Tèo đang chơi ở bên nhà hàng xóm về kể lại chuyện cứu 5 bạn đuối nước cho chúng tôi nghe.

Bằng nụ cười bẽn lẽn, ngượng ngịu đậm chất trẻ thơ, Lê Văn Được thuật lại: Chiều ngày 17/6/2013 em đi chăn trâu cùng với các bạn trong xóm. Đến khoảng 3h, đàn trâu bơi qua sông Gang sang bên kia nên cả nhóm rủ nhau lội qua sông sang lùa trâu về. Lùa trâu xong em quay về trước, còn 5 bạn nữ ở lại bờ bên kia mò hến.

Một lúc sau em nghe tiếng các bạn kêu cứu, nhìn xuống thấy cả 5 bạn đang đuối nước nên em gọi hai anh lớn tuổi đang ngồi chơi trên cầu cách đó khoảng 500m. Nhưng lúc đó hai anh đang ngồi nghịch điện thoại nên không để ý, gấp quá nên em quyết định một mình lao xuống sông bơi ra cứu các bạn.

Lúc em bơi ra thì 5 bạn nữ đang níu lấy nhau thành 2 nhóm cứ chìm dần. Nhòm thứ nhất có Uyển Nhi và Trang đã bị ngập lút đầu, nhóm thứ hai có Hậu, Phương và Tú đang cố vùng vẫy kêu cứu. Em bơi ra cứu Nhi và Trang trước. Do Nhi và Trang còn nhỏ nên cũng khá nhẹ nên cùng lúc em xốc nách hai bạn lôi vào bờ khá nhanh chóng.

Xong em quay ra cứu ba bạn còn lại là Hậu, Phương và Tú đang co cụm giữa dòng. Thực ra nhờ Hậu cao nên nước chưa ngập lút đầu, nhưng do Phương và Tú bị đuối nên cứ níu lấy Hậu làm bạn ấy cũng không thể nào xoay xở được khiến cả 3 cứ chìm dần.

Khi đưa được cả 5 bạn lên bờ xong, em đã rất mệt, nhưng thấy Nhi và Trang mặt tái xanh không động đậy gì cả, nhớ lại những điều bố dạy về cách cứu người bị đuối nước, em liền bảo Huệ, Phương và Tú hỗ trợ với em sơ cứu cho các bạn. Lúc này hai anh lớn chơi trên cầu cùng xuống giúp sức, một lát sau thì cả hai bạn tỉnh lại.

Phó Bí thư huyện đoàn Thanh Chương trao giấy khen cho em Lê Văn Được
Phó Bí thư huyện đoàn Thanh Chương trao giấy khen cho em Lê Văn Được

Tự hào việc làm cao cả của con trai

Theo ông Lê Văn Hải, sông Gang chảy qua địa bàn xã Thanh Ngọc không rộng, sâu và chảy xiết như sông Lam, nhưng rất lắm vực do thời chiến tranh máy bay Mỹ ném bom xuống rất nhiều vì ở đây gần “điểm nóng” Rú Nguộc. Ở quanh khu vực cu Tèo cứu 5 cháu nhỏ đã từng xảy ra rất nhiều vụ chết đuối, trong đó có người chết đuối cách đây khoảng 2 năm là bác ruột của em nhỏ vừa được cu Tèo cứu sống.

Lúc đầu về cu Tèo không hề kể lại với gia đình chuyện đã cứu người, mãi đến khi có cán bộ Huyện đoàn và cán bộ UBND xã đến nhà hỏi chuyện và khen thưởng, cậu chàng mới chịu nói.

Ông Hải cũng thú nhận khi biết chuyện ông vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình đã làm được một chuyện rất đáng tự hào và vẫn an toàn, lo là vì cu Tèo quá bé nhỏ để làm một việc nguy hiểm như vậy.

Ông tâm sự: Tôi từng ở đơn vị bộ binh F968, E19, C4, B4, 3 năm trong quân đội đã dạy tôi nhiều điều, quân đội đã dạy tôi biết sống thế nào cho có ý nghĩa nên trước việc làm cao cả của con trai mình tôi rất tự hào. Hiện tại tôi đang là dân quân tự vệ của xã. Kinh nghiệm trong quân ngũ đã nhắc nhở tôi phải đào tạo con mình thành thạo kỹ năng bơi lội và sơ cứu bởi nơi tôi ở có rất nhiều sông ngòi.

Em Lê Văn Được và 5 em nhỏ được cứu sống
Em Lê Văn Được và 5 em nhỏ được cứu sống
 

Người cậu ruột của cu Tèo là ông Lê Văn Thành cho biết: “Cu Tèo mê nuôi chim và mê bơi lội lắm, nó có thể lặn hụp cả ngày mò hến. Có những lần mưa lũ, nước sông Gang dâng cao chảy cuồn cuộn, cu Tèo một mình chống thuyền ra giữa dòng vớt củi khiến tôi cũng thót tim lo lắng”.

Trên bàn học của cu Tèo hiện đã có bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giấy khen của Hiệu Trưởng Trường THCS Thanh Ngọc, của Chủ tịch UBND Huyện Thanh Chương, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương… về hành động dũng cảm của em. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gửi thư biểu dương tinh thần dũng cảm và trao tặng phần thưởng 5 triệu đồng cho Lê Văn Được.

Những tấm lòng tri ân

 

5 em gái cùng học tại Trường THCS xã Thanh Chương được em Lê Văn Được cứu sống có tên đầy đủ là: Nguyễn Thị Phương (Lớp 6B), Nguyễn Thị Uyển Nhi (6A), Nguyễn Thị Trang (7B) trú tại xóm Ngọc Khai; em Nguyễn Thị Tú (5A) tại xóm Ngọc Khai và em Trịnh Thị Hậu (7C) trú tại xóm Ngọc Hạ.

Cu Tèo dẫn chúng tôi đến nhà em Trịnh Thị Hậu (sinh ngày 7/11/2000) là một trong 5 em được Cu Tèo cứu sống. Vẫn chưa hết bàng hoàng, bố em Hậu nói: “Tôi đã từng dặn con, nếu trâu lội qua sông thì không được qua để dắt trâu về mà phải về nhà gọi bố hoặc mẹ nhưng con đã không nghe. Rất may là không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nhìn cu Tèo còn thấp hơn cả cháu Hậu mà lại cứu được cả cháu Hậu và 4 bạn đuối nước, chúng tôi càng khâm phục và biết ơn cháu”.

Em Trịnh Thị Hậu kể lại: “Hôm đó cả 5 đứa đang dắt tay nhau lội qua sông để về thì một chiếc thuyền máy chạy qua, do bị sóng đẩy mạnh nên Uyển Nhi bị mất thăng bằng và sa chân xuống vực trước. Quá hoảng sợ nên Uyển Nhi đã túm lấy Trang đang đi bên cạnh khiến cả hai chới với.

Em cùng hai bạn Phương và Tú thấy vậy cố với tay kéo Trang và Uyển Nhi, cuối cùng cả 5 đứa bị sa dần xuống chỗ sâu. Nhi và Trang bị sóng đẩy ra xa dần, em mới bị nước ngập đến ngang cằm nên Tú và Phương cứ bám vào vai và đầu của em khiến em không thể nào xoay xở được nên chỉ biết ra sức kêu cứu. May mà anh Được đã có mặt kịp thời xuống cứu cả 5 đứa vào bờ an toàn”.

Kế đó, chúng tôi ghé qua nhà Uyển Nhi, nhà Uyển Nhi khá nghèo, bố mẹ chia tay, một mình chị Nguyễn Thị Hằng vất vả nuôi 3 con ăn học.

Chị Hằng mừng mừng tủi tủi kể lại: “Bữa đó thấy Uyển Nhi về nhà quần áo ướt sũng và mang theo một mớ hến đưa cho mẹ nấu canh. Thế nhưng khi dọn cơm ăn nó chẳng ăn miếng nào, bát cơm từ đầu đến cuối vẫn nguyên vẹn, hỏi nó vì sao không ăn thì nó chẳng nói gì cả, sau đó lẳng lặng lên giường đi ngủ.

Ngày hôm sau thấy có cán bộ xã đến hỏi chuyện, tôi mới vỡ lẽ nó bị sa xuống vực uống nước nhiều nên trong bụng đang căng và mệt nên không ăn được cơm. Nghe hai em học sinh lớp 12 kể lại chuyện cu Tèo cứu nó tôi rất cảm động. Nếu không có cu Tèo thì tôi đã mất đứa con gái ngoan này rồi”.

Tấm gương hi sinh dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam ở xã Trung Sơn - huyện Đô Lương - Nghệ An cứu 5 em nhỏ thoát khỏi đuối nước cách đây không lâu và bây giờ là hành động dũng cảm cứu người của em Lê Văn Được đã khơi lên ngọn lửa nối tiếp truyền thống của lòng dũng cảm trong các nhà trường trên cả nước.

                                                      Hoàng Hảo - Võ Thị Huyền