Nữ PGS trẻ nhất 2012: Đa tài và đam mê khoa học

Nữ PGS trẻ nhất 2012: Đa tài và đam mê khoa học

(GD&TĐ)-Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; được học bổng và chuyển tiếp NCS (không qua thạc sỹ) tại Trường ĐH University College London danh tiếng trên thế giới; hoàn thành bằng tiến sỹ tuổi 26; là người Việt đầu tiên được nhận vào Viện Nghiên cứu Hoàng Gia Anh... Khó có thể hình dung, nữ PGS trẻ nhất của năm 2012 - Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981) còn là một cô gái cá tính, trẻ trung, xinh đẹp và rất đa tài.

Nữ PGS trẻ tuổi trong phòng thí nghiệm
Nữ PGS trẻ tuổi trong phòng thí nghiệm


Phải kiên trì theo hướng nghiên cứu mình theo đuổi


PV.Cảm xúc của Hồng như thế nào khi biết tin mình trở thành PGS trẻ nhất năm nay?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Việc chính thức trở thành PGS là một kết quả rất quan trọng đối với tôi, một tin rất rất vui không chỉ với tôi mà cả gia đình.

PV. Theo đuổi con đường NCKH và có được thành công sớm như Hồng không hề dễ dàng. Hồng có lời nào động viên giới trẻ đang mong muốn đi theo con đường này?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Một nhà khoa học muốn thành công phải có hướng nghiên cứu cho riêng mình và đứng vững, rất kiên trì trên hướng nghiên cứu đó. Đối với tôi, thành công ngoài vấn đề kinh phí, sự hỗ trợ từ phía nhà trường, các thầy, sự ủng hộ của gia đình, quan trọng là phải có sự tích lũy kiến thức nghiêm túc. Nhưng, quan trọng nhất chính là mình phải có được một đội ngũ khoa học, một nhóm nghiên cứu có cùng niềm đam mê. Tôi có thể khẳng định, không có một đề tài khoa học nào chỉ do một người làm cả.

PV. Vậy hiện tại Hồng đang kiên trì với hướng nghiên cứu nào?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng:
Hướng nghiên cứu của tôi và nhóm nghiên cứu liên quan đến nguyên liệu sạch thân thiện với môi trường, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường. Đã có một số sản phẩm cụ thể như chất tẩy rửa sinh học, dung môi tẩy mực in, dung môi sinh học pha sơn, chất tẩy rửa sử dụng trong dệy may...

Bức tranh sông Thames - tác phẩm được Hồng vẽ trong thời gian du học tại Anh
Bức tranh sông Thames - tác phẩm được Hồng vẽ trong thời gian du học tại Anh

PV. Vì sao Hồng lựa chọn theo đuổi hướng nghiên cứu này?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Khi tôi ra nước ngoài thấy họ sử dụng nhiên liệu sinh học rất nhiều, điều đó làm tôi thực sự thấy thích thú. Khi về nước thấy nước mình cũng chuẩn bị áp dụng nên càng thấy hứng khởi hơn. Có thể nói, Việt Nam hiện cũng quan tâm nhiều đến nhiên liệu sinh học và các sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để tạo ra được những sản phẩm ứng dụng trong thực tế phải có rất nhiều nghiên cứu liên quan, từ nghiên cứu cơ bản cho đến áp dụng quy mô nhỏ, quy mô lớn, rồi phải xem nguồn nhiên liệu nào phù hợp với nước mình...

PV.Hồng nhận định như thế nào về môi trường nghiên cứu tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Nói chung, Trường ĐH Bách khoa nơi tôi làm việc có môi trường NCKH tốt, nhiều thiết bị. Nhà trường cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp cho các nhà khoa học thực hiện chuyển giao công nghệ.

Là nhà khoa học nhưng nữ PGS trẻ tuổi có phong cáh trẻ trung, năng động
Là nhà khoa học nhưng nữ PGS trẻ tuổi có phong cách trẻ trung, năng động

Ở Việt Nam rất sung sướng

PV. Có điều kiện thuận lợi ở Anh sao Hồng không ở lại đó làm việc, nghiên cứu mà lại quay về nước?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Nhiều người nghĩ ở nước ngoài là sung sướng lắm, nhưng không hoàn toàn như vậy. Bản thân tôi thấy ở Việt Nam cực kỳ sung sướng. Ở đây, tôi có gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp, những  người sẵn sàng ở bên tôi bất cứ lúc nào. Nhiều bạn bè tôi học rất giỏi và họ cũng đang ở nước ngoài nhưng tôi thấy họ rất muốn trở về. Sau khi trau dồi kiến thức và phát triển họ sẽ lại trở về Việt Nam.

PV. Hỏi riêng tư một chút, một ngày làm việc của Hồng với bộn bề công việc giảng dạy, nghiên cứu, lại có con nhỏ, có quá sức không?

Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Từ khi có con tôi thấy rất vui, cháu ngoan và đáng yêu. Vì vậy, ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu trên trường, vì nhà gần nên ngày 3 bữa tôi vẫn tranh thủ về nhà để tự tay chăm sóc con. Ngoài ra, cuối tuần tôi vẫn có thể giành thời gian để nấu những món ăn ngon mà cả nhà thích. Nhưng hơn hết là gia đình nội ngoại hai bên giúp đỡ tôi rất nhiều, giúp tôi chăm sóc em bé, nội trợ tôi mới có thể yên tâm công tác được và công việc mới đỡ vất vả hơn.

PV. Hồng có cảm thấy mình là người may mắn không?


Nguyễn Khánh Diệu Hồng: Thực ra, bản thân tôi đã từng gặp phải rất nhiều khó khăn. Mỗi khi gặp bất kỳ một khó khăn gì, tôi nghĩ “mình sẽ qua được”. Nhưng nói chung, tôi vượt qua được những khó khăn đó, ngoài nỗ lực bản thân cũng có những yếu tố may mắn, trong đó, may mắn nhất là tôi gặp được nhiều người tốt.

Lấu mẫu Hàu biển trên đá để kiểm tra mức độ ô nhiễm dầu – Viện Nghiên cứu biển Hàn Quốc KORDI
Diệu Hồng lấy mẫu Hàu biển trên đá để kiểm tra mức độ ô nhiễm dầu – Viện Nghiên cứu biển Hàn Quốc KORDI

Một số thông tin về nữ PGS 31 tuổi

Là học sinh Trường THPT Thăng Long – Hà Nội; học lớp chọn Hóa nhưng từng thi học sinh giỏi Văn, Lý cấp thành phố, giải Anh văn trong một cuộc thi cấp quốc tế; yêu thích và có năng khiếu hội họa; giỏi nấu ăn; hiện là giảng viên Hữu cơ hóa dầu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và có cô con gái đầu lòng 10 tháng tuổi vô cùng đáng yêu. 

Năm 2011: Giải thưởng bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học Châu Á về Công nghệ sinh học và Năng lượng tái tạo tại Bangkok, 12/2010.

Năm 2010: Giải nhất  “Sáng tạo trẻ” của thủ đô Hà Nội lần thứ 7 năm 11/2010. Giải nhì sáng tạo trẻ toàn quốc 11/2010.

Năm 2009: Bằng khen của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho thanh niên tiêu biểu thủ đô Hà Nội năm 2009
 
Năm 2005-2007:
Huy Chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Award of World Interllectual Property Organization) dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award) 2004. Bằng khen gương “Người tốt việc tốt” của thành ủy Hà Nội. Được Huy Chương “Vì Tuổi trẻ Sáng tạo” do Trung Ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng 2005. Huy chương vàng Chợ công nghệ Việt Nam năm 2005

Năm 2004: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Năm 2003: Huy chương vàng Chợ Công nghệ Việt Nam TECHMART năm 2003. Giải nhất “Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTECH năm 2003”.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)