Những thí sinh giàu nghị lực

Những thí sinh giàu nghị lực

(GD&TĐ) - Quy chế mới của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay tuyển thẳng đặc cách thí sinh khuyết tật không có khả năng tự phục vụ đã mở ra tương lai tươi sáng cho những người kém may mắn. Nghị lực và tinh thần vượt khó vươn lên, chiến thắng số phận của họ khiến mọi người nể phục.

Về xã Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội) hỏi thăm Dương Thị Xuân dường như ai cũng biết và mừng cho em năm nay được tuyển thẳng vào đại học. Xuân không may mắc bệnh đục thủy tinh thể từ nhỏ. Bố mẹ xót thương, đưa em đi chạy chữa, thuốc thang khắp nơi cũng chỉ giúp em không phải học chữ nổi, còn muốn đọc hay viết phải cúi thật sát xuống trang giấy. Hồi nhỏ, Xuân học ở quê, từ năm lớp 3 được bố mẹ gửi lên học trường Nguyễn Đình Chiểu.

Ở đây, Xuân gặp bạn Cao Thị Yến và Phạm Thị Huế, cả hai đều hoàn toàn không nhìn thấy gì. Cùng chung cảnh ngộ, chẳng mấy chốc Xuân, Yến và Huế thân nhau như ba chị em ruột. Ba bạn ở chung một phòng, mọi sinh hoạt các em phải tự lo liệu. Ngày ngày Xuân nắm tay Yến và Huế cùng đến lớp. Lên học tại trường THPT Trần Nhân Tông, các em nỗ lực học tập và rèn luyện không ngừng, luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Thí sinh Lê Đình Thành hàng ngày được bố cõng đến trường.
Thí sinh Lê Đình Thành hàng ngày được bố cõng đến trường.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng ĐH Công đoàn: Nhà trường rất ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT bởi việc tuyển thẳng các thí sinh khuyết tật thể hiện tính nhân văn trong chế độ xã hội ta. Các trường đã ủng hộ “đầu vào”,  mong rằng xã hội sẽ tạo điều kiện “đầu ra” để khi các em tốt nghiệp sẽ có ngay được việc làm.

Mùa hè này, tin vui được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội đến với cả ba em. Vào đầu năm học mới, các em vẫn lại được ở bên nhau, giúp nhau vượt qua những vui buồn lứa tuổi sinh viên với ước mơ sau này ra trường giúp ích nhiều hơn cho đất nước. Xuân tâm sự: “Em đăng ký Khoa Quản trị kinh doanh, hi vọng ra trường có thể tự kinh doanh, hoặc xin việc ở đâu đó để có thể hòa nhập”. Bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ Xuân bày tỏ: “Tôi cũng đỡ một phần lo lắng bởi vì bây giờ chúng tôi còn khỏe còn lo được cho con cái. Mắt em Xuân bị như thế, sau này sẽ khổ. Thật may mắn khi năm nay Nhà nước ra quy chế mới”.

Được nghỉ mấy tháng trước khi nhập học, Xuân dành thời gian để ôn tập cho cậu em trai năm sau cũng thi đại học. Giống như chị Xuân, Sơn cũng bị khiếm thị bẩm sinh. Em đang cố gắng học tập để có được kết quả tốt cho năm học lớp 12, với hi vọng thành tích đó giúp em được tuyển thẳng vào trường đại học mà em mơ ước.

Dẫu căn bệnh quái ác teo cơ chân luôn hành hạ từ khi mới chào đời nhưng Hắc Thị Tâm, SN 1993, ở thôn 6, Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chưa bao giờ nguôi khát vọng trở thành sinh viên đại học. Kỳ thi tuyển sinh năm nay, Tâm đăng ký dự thi ngành kế toán, Đại học Công đoàn. Nhà gần trường mẫu giáo, nhìn đám bạn cùng lứa ríu rít đi học, khát khao đến trường trỗi dậy, Tâm dò dẫm tự bò đến trường. Từ khi lên lớp một, hằng ngày, anh trai Tâm cõng em đi học. Biết phận mình thiệt thòi, Tâm hết sức cố gắng, luôn ngồi bàn đầu, chăm chỉ học bài và hăng hái phát biểu.

Suốt chín năm học phổ thông, Tâm luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Nhiều người khuyên Tâm, học hết lớp chín là cố gắng lắm rồi, nhưng Tâm vẫn quyết tâm thi cấp ba để có cái chữ cho bằng bạn bè. Bà con thôn 6, xã Hoằng Ngọc từ lâu đã quen thuộc hình ảnh một cô gái chống nạng đến trường. Những lúc trái gió trở trời, bị căn bệnh quái ác hành hạ nhưng Tâm vẫn cắn răng chịu đựng, chong đèn học bài đến khuya. Cảm mến nghị lực của cô bạn gái tật nguyền, các bạn Tâm và thầy cô luôn giúp đỡ em có điều kiện học tập tốt nhất. Mỗi lần nghe bài hát “Gọi tên tôi nhé, bạn thân hỡi”, mắt em lại rơm rớm. Những ký ức bên thầy cô ở trường làng lại ùa về.

Bố làm thợ mộc, mẹ làm ruộng, hoàn cảnh gia đình chẳng dư dả gì, từ nhỏ, Tâm luôn tự nhủ phải luôn nỗ lực vượt khó. Tâm chia sẻ, mọi người đã rất quan tâm lo lắng nên em không thể phụ lòng. Trước hôm ra Hà Nội thi đại học; thầy cô, bạn bè và đông đảo bà con lối xóm đến chơi động viên em cố gắng thi tốt. Cả đời tần tảo bên đồng ruộng, thương con gái bất hạnh đến buốt lòng, mẹ ôm chầm lấy Tâm thủ thỉ “Con hãy bình tĩnh, tự tin để xứng đáng là con gái ngoan của mẹ”. Được Ban giám hiệu trường Đại học Công đoàn tiếp xúc, xem xét chấp nhận đặc cách, Tâm mừng vui khôn xiết, gọi điện ngay về cho bố mẹ và thầy giáo chủ nhiệm báo tin. Tâm chia sẻ, ra Hà Nội học hành, chi tiêu tốn kém nhưng em sẽ cố gắng hơn nữa để học giỏi, chỉ có thế sau tốt nghiệp mới có thể làm tốt chuyên môn của mình.

Cũng như biết bao thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc, năm 1974, chàng trai Lê Đình Mão xung phong lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Những năm tháng ác liệt ở chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế không chỉ lấy đi máu xương của một chiến sĩ kiên trung mà đau đớn hơn, di chứng chất độc da cam đã để lại trên hình hài đứa con trai bé bỏng. Lê Đình Thành mới sinh ra nhưng yếu ớt, lại có nhiều chỗ trên cơ thể bị dị tật bẩm sinh… Càng lớn, sức khỏe em ngày càng xuống dốc. Thương con đến thắt ruột, hai vợ chồng anh Mão tần tảo chăm bẵm, mong con vơi bớt phần nào thiệt thòi. Thấu hiểu ước mơ rất đỗi bình dị của cậu con trai hiếu học, bất kể mưa nắng, hằng ngày anh Mão đưa con đến trường. Mặc dù cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, cả nhà chỉ trông vào đồng lương eo hẹp, nhưng bố mẹ Thành cũng cố gắng tằn tiện lo toan chạy chữa cho con.

Thành tâm sự, công lao dưỡng dục, chăm sóc của cha mẹ bằng trời, bằng bể. Mọi sinh hoạt của bản thân em đều tại chỗ nên việc chăm nom càng vất vả. Là thương bệnh binh mới nghỉ hưu, tuổi đã cao nhưng lưng anh Mão còng hơn bởi suốt 12 năm cõng con đến trường. Thương bố mẹ vất vả, Thành chăm ngoan, cố gắng học tốt. Hôm nào có nhiều bài tập, em chong đèn học bài đến tận khuya. Bài nào không hiểu, Thành hỏi thầy cô và các bạn, quyết tìm ra đến cùng lời giải.

Hôm nghe tin con trai được tuyển thẳng vào khoa Kinh tế, Đại học Vinh, mẹ Thành mừng rơi nước mắt. Mừng đấy nhưng chị lo nhiều, học đại học bận rộn hơn, kiến thức lại nâng cao, không biết đứa con trai tội nghiệp có đủ sức theo học trong khi sức khỏe đang ngày càng tuột dốc. Còn cậu học sinh can trường luôn chỉ duy nhất một ước mơ rất bình dị là có đủ sức khỏe để bốn năm sau trở thành tân cử nhân, dẫu biết rằng con đường phía trước không kém phần chông gai, gập ghềnh.

Ngọc Thiện