Những thay đổi mạnh mẽ làm nên cú "lội ngược dòng" ngoạn mục

Những thay đổi mạnh mẽ làm nên cú "lội ngược dòng" ngoạn mục

(GD&TĐ)- Xếp thứ 31 trong số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52 với 6 huy chương đồng, đoàn Việt Nam năm 2011 đã làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí vì kết quả đạt được thấp nhất trong lịch sử 35 năm tham gia thi Olympic Toán học quốc tế. Nhưng, chỉ năm sau, đội tuyển Olympic Toán Việt Nam đã thực hiện một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, đem về cho đất nước vinh quang và niềm vui khôn xiết với 6 huy chương, trong đó có 1 huy chương Vàng, vươn lên đứng thứ 9 trong 10 đội tuyển có thứ hạng cao nhất thế giới.

Từ trái qua phải: Đậu Hải Đăng (HCV), Nguyễn Tạ Duy (HCB), thầy chủ nhiệm Hà Duy Hưng, và Nguyễn Phương Minh (HCB). Ảnh chụp các cháu sư phạm tại sảnh hội trường sau khi nhận huy chương.
Từ trái qua phải: Đậu Hải Đăng (HCV), Nguyễn Tạ Duy (HCB), thầy chủ nhiệm Hà Duy Hưng, và Nguyễn Phương Minh (HCB) chụp tại sảnh hội trường sau khi nhận huy chương. Ảnh: gdtd.vn

Trong niềm vui này, có lẽ, hân hoan nhất là thầy trò trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội với 3 huy chương, 1 Vàng, 2 Bạc. Hai thầy giáo gắn bó nhất với đội tuyển Toán của trường là thầy Nguyễn Minh Hà – tổ trưởng tổ Toán và thầy Hà Duy Hưng – giáo viên chủ nhiệm đội tuyển đã chia sẻ niềm vui với phóng viên Báo Giáo dục và thời đại điện tử xung quanh kết quả "đẹp" của đội tuyển Olympic năm nay.

PV. Hiện 3 đội tuyển Olympic Việt Nam trở về đều đạt thành tích rất cao. Đặc biệt, với đội tuyển Toán có thể coi là một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục. Theo hai thầy, nguyên nhân gì làm nên thành tích này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả “đẹp” các đội tuyển đạt được năm nay, nhưng có thể nói, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng là năm nay Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách thi chọn đội tuyển. Hình thức thi được thay đổi rất phù hợp, thi trong hai ngày, mỗi ngày 4,5 tiếng, giống với thi quốc tế. Đề thi có nội dung tốt, tính phân loại cao. Đề thi là khâu quan trọng nhất trong cuộc thi chọn đội tuyển quốc gia. Nếu đề thi không tốt thì không thể chọn được những học sinh xuất sắc nhất cho đội tuyển, xin nêu một ví dụ, năm 2009, lứa học sinh năm đó rất xuất sắc nhưng đề thi chọn năm đó có bài quá dễ, lại có bài quá khó, đánh đố, học sinh không thể có khả năng làm được trong thời gian quy định của giờ thi, do đó ảnh hưởng chất lượng của đội tuyển. Đề thi năm nay đảm bảo được nhiều yêu cầu, tính khoa học, tính mới lạ, không có bài nào tầm thường, có bài khó nhưng không quá khó, đủ để phát hiện ra những học sinh thực sự xuất sắc.

Chúng tôi cũng “nghe nói”, trong năm nay, tất cả những gì thuộc về chuyên môn, Bộ đều giao cho các nhà chuyên môn làm, cán bộ cục khảo thí chỉ làm những công việc hành chính liên quan tới kì thi. Đây là một quyết định rất hay góp phần đảm bảo tính chất bí mật của đề thi, góp phần làm cho việc chấm thi khách quan hơn.

PV. Cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đoàn Olympic Toán học Việt Nam khải hoàn là trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội với 3 huy chương (1 Vàng, 3 Bạc trên tổng số 6 huy chương). Trong khi đó, một thực tế là đầu vào của trường không cao như trường Amsterdam hay Chuyên ĐH tự nhiên (ĐHQG HN). Điều gì đã giúp THPT chuyên ĐHSP có được kết quả đáng tự hào này?

Có thể khẳng định là chính nhân tố con người làm nên thành tích của đội tuyển. Cụ thể là Trường có một đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc mà còn rất tâm huyết. Ngay cả thầy hiệu trưởng nhà trường cũng tham gia dạy đội tuyển. Để có được đội ngũ giáo viên như vậy, Trường đã phải phấn đấu nỗ lực trong nhiều năm. Với sự tâm huyết, các thày cô của Trường không chỉ dạy kiến thức mà cố gắng vun đắp cho học sinh tình yêu toán học. Các học sinh có năng lực nhưng thiếu ý chí quyết tâm và niềm say mê có thể vẫn bị loại khỏi đội tuyển.

Thêm nữa, tại trường THPT chuyên ĐHSP, chỉ đến giữa năm học lớp 10 nhà trường đã lập ra nhóm các học sinh có tố chất Toán học nổi trội hơn. Nhóm đó sẽ được bồi dưỡng kiến thức. Sau đó, lên lớp 11, các thành viên trong nhóm sẽ được làm bài thi để lọc ra khoảng 10-15 cá nhân xuất sắc nhất. Sau một thời gian học, 10-15 em này sẽ tham gia thi cùng học sinh lớp 12, từ đó chọn ra đội tuyển. Đó là một quá trình dài, từ đội dự tuyển 1, đến đội dự tuyển 2, sau đó mới chọn ra đội tuyển. Với cách làm đó, kiến thức của các học sinh trong đội tuyển rộng, sâu và có hệ thống. Để làm được điều đó, cần có nhiều giáo viên có thể dạy được đội tuyển, không phải trường chuyên nào cũng có được nhiều giáo viên như vậy.

Trường chuyên ĐHSP có lệ cho các thầy thay phiên làm chủ nhiệm đội tuyển, từ 3-5 năm và thường là 5 năm. Đó là cách để trường tạo cơ hội cho các thầy được thể hiện khả năng, từ đó người giáo viên sẽ cố gắng hết sức để thể hiện được hết năng lực của mình. Năm nay, trường có một cách tân trong đánh giá giáo viên dạy đội tuyển là lập hòm phiếu để lấy ý kiến của học sinh về chất lượng buổi dạy của mỗi giáo viên. Việc đánh giá này được thực hiện sau mỗi buổi dạy. Học sinh trực tiếp đánh giá thầy trong buổi dạy bằng các loại A, B, C, D (không cần kí tên). Đó cũng là một cách buộc mỗi giáo viên phải cố gắng thể hiện năng lực của mình.

Đội tuyển Toán trường THPT chuyên ĐHSP thăm Văn Miếu. Ảnh: gdtd.vn
Đội tuyển Toán trường THPT chuyên ĐHSP thăm Văn Miếu. Ảnh: gdtd.vn

Ngoài những nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố để làm nên thành tích của đội tuyển Toán của trường, như sự quan tâm đầu tư và động viên của lãnh đạo trường ĐHSP Hà Nội, các chế đội đãi ngộ đối với thành viên đội tuyển, cách quản lý con người hiệu quả, việc đánh giá khách quan, công bằng, nghiêm túc....

PV. Một câu chuyện làm nên dấu ấn trong thành tích các đội tuyển năm nay là sự góp mặt của những gương mặt “tỉnh lẻ” ở những tấm huy chương cao nhất. Việc đó nói lên điều gì thưa hai thầy?

Đó là điều đáng mừng, cần phát huy. Còn nguyên nhân cũng có thể nói đến việc, nếu trước kia học sinh giỏi thi nhau vào Chuyên KHTN hay Chuyên SP thì bây giờ, trong thời đại thông tin bùng nổ, nhiều học sinh giỏi “tỉnh lẻ” không cần phải vào hai trường này mà vẫn phát huy được khả năng của mình, bởi lẽ, ai cũng có thể truy cập internet để tìm kiếm nguồn tri thức vô tận trong đó.

Tuy nhiên, cũng phải nói đến một thực tế là, gần đây, cha mẹ học sinh các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội có phần thực dụng, thấy con mình có khả năng là đầu tư cho con học qúa nhiều tiếng Anh để đi du học. Với cách đầu tư đó, học sinh, dù rằng có năng lực, không có thời gian để học giỏi môn chuyên của mình. Đó là nguyên nhân quan trọng làm “phong độ” của học sinh các thành phố lớn giảm sút.

PV. Vậy, theo các thầy, làm thể nào để đội tuyển Việt Nam vẫn giữ nguyên được phong độ như năm nay và phát huy hơn nữa, đem về thành tích cao hơn nữa?

Trước hết, cần tiếp tục phát huy cách tổ chức thi như năm nay. Nội dung đề phải tốt,  chọn được học sinh giỏi, không quá dễ, không quá khó đến mức như một bài nghiên cứu, và tất nhiên phải lạ. Việc ra được một đề lạ không hề dễ dàng, phần sáng tạo của người ra đề phải rất lớn. Để làm được điều đó, Bộ GD&ĐT phải đầu tư rất nhiều về mặt đội ngũ người ra đề.... Bên cạnh những vấn đề trên, có hai vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn cần được nhắc lại. Đó là chính sách ưu tiên vào thẳng đại học cho học sinh giỏi, những học sinh đạt giải ba quốc gia trở lên (môn Toán) cần được vào thẳng đại học, không cần thi để đủ điểm sàn, và được quyền chọn bất kì trường đại học nào thuộc khối A chứ không phải chỉ được chọn các trường chuyên về toán như Khoa toán ĐHSP hay khoa toán ĐHKHTN. Bên cạnh đó, sau khi Bộ GD&DT bỏ hệ chuyên THCS, kiến thức hình học phẳng và số học của học sinh yếu hẳn đi (vì không được học từ THCS), cần phải có biện pháp khác phục tình trạng này.

Xin cảm ơn hai thầy! 

Hiếu Nguyễn (thực hiện)