Những "cánh tay mềm" của giáo dục Thủ đô

Những "cánh tay mềm" của giáo dục Thủ đô

Những bông hoa trí tuệ và sáng tạo

Lực lượng nữ CBGV của Thủ đô có những đóng góp vô cùng quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong mỗi nhà trường. Việc say sưa nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhằm cải tiến, đối mới phương pháp dạy học, thiết kế xây dựng các phần mềm dạy học, soạn giáo án điện tử,…  của những "người mẹ ở trường" đã mang lại hiệu quả cao trong các giờ dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Đông – Trường tiểu học thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm là một điển hình với 10 SKKN đạt giải B và C cấp thành phố trong 5 năm. Hai bộ ĐDDH do cô sáng tạo: "Bộ ghép chữ hoa" đạt giải B trong Hội thi của Bộ GD-ĐT và "34 mẫu chữ hoa" đã được nhân bản đưa vào dạy học trong các trường của huyện. Cô giáo Vũ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông, trong 5 năm cũng có 10 SKKN được xếp loại B và C cấp thành phố, trong đó có SKKN "Sử dụng phương pháp thảo luận trong dạy học Địa lý Kinh tế - Xã hội thế giới" được phổ biến tại Hội thảo toàn ngành. Cô giáo Hà Thị Thanh Bình – Hiệu phó Trường mầm non Hoa Mai, quận Cầu Giấy đã sáng tạo ra bộ đĩa video clip "Dạy học mầm non theo một số chủ điểm"  đoạt giải xuất sắc Hội thi ĐDDH cấp ngành, được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT và LĐLĐ thành phố…

Cô Hà Thị Thanh Bình trong một hội thi làm đồ dùng dạy học
Cô Hà Thị Thanh Bình trong một hội thi làm đồ dùng dạy học

Không chỉ là ngôi sao tỏa sáng trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp hàng năm với con số 80 – 85% tham gia dự thi và đoạt giải, những nữ giáo viên còn là mũi nhọn, đầu tầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng "Phát huy tính tích cực của học sinh", sử dụng hiệu quả CNTT và thiết bị dạy học hiện đại trong giảng dạy, trở thành lực lượng nòng cốt, giáo viên giỏi ở các bộ môn. Nhiều tấm gương liên tục các năm có học sinh giỏi và đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Điển hình có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, đạt giải xuất sắc Hội thi tiếng Anh năm học 2004 – 2005 và được Language – Link trao tặng học bổng trị giá 1.800 USD. Cô Lê Thị Dung – giáo viên môn Sinh học Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, trong 5 năm có 14 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và 4 học sinh đoạt giải quốc tế. Cô giáo Phạm Kim Dung, giáo viên Trường THPT Kim Liên liên tục là giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp thành phố; giải Nhất Hội thi giáo viên giỏi thành phố môn Vật lý năm 2006, đồng thời có nhiều học sinh đoạt giải thành phố và đỗ thủ khoa các trường đại học. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Đông, trường tiểu học thị trấn Yên Viên (Gia Lâm), trong 2 năm học 2005 – 2006 và 2006 – 2007 đã có 1 học sinh đoạt giải Nhất Quốc gia; 3 học sinh giải Nhất và 1 học sinh giải Nhì cấp thành phố…

Không chỉ khẳng định mình trong công tác giảng dạy, những bông hoa của giáo dục Thủ đô còn thể hiện khả năng lãnh đạo góp phần xây dựng các tập thể nhà trường tiên tiến xuất sắc, trở thành lá cờ đầu các ngành học, bậc học và được nhận các danh hiệu cao quý. Tính đến tháng 10-2008, đã có 12 nữ CBGV Thủ đô vinh dự được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Trong đó, không thể kể đến những điển hình như cô Đào Nguyệt Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, người có nhiều SKKN nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới công tác thi đua, đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích chung của giáo dục Hoàn Kiếm. Bốn năm liên tục cô Thu được thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì… Gia đình hạnh phúc, các con chăm ngoan cũng là hậu thuẫn quan trọng giúp cô dồn nhiều tâm sức hơn cho công việc, xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú do ngành đề nghị. Cô Hoàng Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt Triều liên tục là chiến sĩ thi đua. Năm 2006, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2008, được ngành đề nghị phong tặng Nhà giáo ưu tú. Cô Hoàng Thị Thanh thực sự có vai trò quan trọng cùng tập thể giáo viên nhà trường đưa Việt Triều trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành học mầm non ở thành phố. Còn phải kể đến Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây, cô Nguyễn Thị Thanh, một cán bộ quản lý giỏi. Năm 2006, cô Thanh được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT; năm 2008, được đề nghị Nhà nước phong tặng Nhà giáo ưu tú. Cô là người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng Trường THPT Sơn Tây trở thành lá cờ đầu khối THPT của tỉnh …

Ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp cô Vũ Thị Hậu (Trường THPT Trần Nhân Tông) nâng cao hiệu quả dạy học
Ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp cô Vũ Thị Hậu (Trường THPT Trần Nhân Tông) nâng cao hiệu quả dạy học

Những bông hoa của nghị lực và tình yêu

Nhiều gương mặt nữ giáo viên của Thủ đô đã khiến chúng ta cảm phục bởi tinh thần và ý chí vượt lên hoàn cảnh éo le, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người thầy và người mẹ. Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga, giáo viên Trường tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên) trong khi chăm sóc chồng bệnh hiểm nghèo vẫn miệt mài sáng tạo ĐDDH để dự thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cô là người duy nhất giành 3 giải của Hội thi: Giải xuất sắc; giải có ĐDDH hiệu quả và giải vượt khó đạt thành tích cao do Sở GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Hà Nội trao tặng. Bộ đồ dùng mỹ thuật sử dụng trong các bài trang trí cơ bản do cô thiết kế đã đạt giải A1 Hội thi của Bộ GD-ĐT, được nhận Bằng khen "Sáng kiến – Sáng tạo năm 2007". Hai con của cô đều ngoan ngoãn và đạt những thành tích cao trong học tập, được nhận học bổng của UBND thành phố cùng năm đó.

 Ý chí và nghị lực phi thường, yêu nghề đến tận tâm tận lực là trường hợp cô giáo Trần Thị Kim Dung, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Mang trong mình căn bệnh ung thư đã di căn lần 2, nằm trên giường bệnh nhưng cô vẫn nghiên cứu tài liệu, tìm những biện pháp đổi mới dạy học môn Văn để trở thành giáo viên dạy giỏi. Nhiều SKKN của cô đã được đồng nghiệp trong trường ứng dụng vào bài giảng. Bệnh nặng, nhưng có thể đến trường ngày nào cô vẫn miệt mài với từng giờ dạy, tận tụy với lớp chủ nhiệm, quan tâm đến đồng nghiệp và tham gia nhiệt tình các buổi hội thảo của trường.

Cô giáo Lê Tố Oanh, Trường THCS Phan Đình Giót dù vừa phải đảm đương công việc ở trường vừa nuôi dạy con cái và chăm sóc bố bị bệnh nặng từ năm 2001 nhưng cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là đại biểu Hội đồng nhân dân phường, là cộng tác viên Đài truyền hình Việt Nam, tham gia xây dựng ngân hàng đề Ngữ văn cho Sở GD-ĐT, là cộng tác viên thẩm định đề kiểm tra cho Viện chiến lược của Bộ GD-ĐT…

Để đạt hiệu quả cao trong giáo dục, người giáo viên không chỉ đơn thuần là lên lớp, giảng bài mà phải thực sự là người hiểu được tâm tư, tình cảm học sinh, là người để các em tin tưởng và chia sẻ vui buồn, là người dạy bảo các em điều hay, lẽ phải, chỉ bảo, hướng dẫn các em và hành vi, đạo đức, lối sống, về tình yêu thương, đoàn kết, về tính nhân hậu, vị tha…. Chỉ có tấm lòng người mẹ mới làm được điều đó. Với những gì mà tập thể nữ CBGV ngành giáo dục Thủ đô luôn cần mẫn, chắt chiu và cống hiến, họ thực sự xứng đáng là "những bông hồng vàng", là lực lượng trọng yếu làm nên thành tích đáng tự hào của sự nghiệp GD-ĐT Thủ đô hôm nay và mai sau. 

N.N