Sinh năm 1989, Nguyễn Bích Ngọc trở thành người mang quốc tịch Việt Nam hiếm hoi tiếp theo đã đỗ vào ĐH Harvard.
Sáng 16/12/2008 trong căn nhà nhỏ ở phố Vũ Ngọc Phan (Hà Nội), Nguyễn Bích Ngọc check email như thường lệ…và gần như không tin vào mắt mình khi nhận được thư mời học bổng của ĐH Yale (Hoa Kỳ) danh tiếng.
Giây phút ấy "Em đã bật khóc vì sung sướng. Con đường đến với giảng đường ĐH mơ ước đã trở thành hiện thực, dường như đơn giản đến không ngờ" như sau này Ngọc kể lại. Nhưng cơn sóng hạnh phúc chưa dừng lại, tháng 3/2009 Ngọc tiếp tục nhận được thư mời nhập học với học bổng ưu đãi của ĐH Princeton, rồi ĐH Columbia , ĐH Dartmouth , ĐH Georgetown …
|
Bích Ngọc |
Hình ảnh động của "Michelle Nguyen"
…4h sáng ngày 1/4/2009, Ngọc hồi hộp check mail, vì cô biết ở bên kia bán cầu những ngày tháng Tư là thời điểm để các giáo sư hàng đầu của Mỹ sẽ ra quyết định tiếp nhận những sinh viên ưu tú. Và cũng như ĐH Yale, giấy mời nhập học ĐH Harvard, Hoa Kỳ cùng học bổng hơn 50.000 USD/năm đến với Ngọc chỉ nhẹ nhàng qua lần click mở email cuối cùng. Lần này đánh thức cả nhà dậy.
4 năm trước, đoạt học bổng du học bậc phổ thông, tháng 9/2004, cô bé Ngọc, nữ sinh trường Hà Nội - Amsterdam tóc tết 2 bím, quần ngố, áo phông màu hồng lần đầu tiên bỡ ngỡ đặt chân xuống sân trường National Junior College (Singapore). Lớp chỉ có 2 học sinh là người Việt và 2 học sinh Trung Quốc, cô bé Việt Nam nhỏ nhắn lọt thỏm giữa đám học sinh người bản địa.
Môn học "kinh khủng" với cô học sinh giỏi trường "Am" là thể dục, một tuần thường xuyên có 2 tiết học thể dục. Đó thực sự là một cửa ải nặng nề với Ngọc, là chạy ngắn 100m tốc độ, là chạy bền 8 vòng sân vận động… Các bạn Singapore cao lớn lại thường đi bộ nhiều nên vượt qua môn chạy ngon lành, nhưng với Ngọc đó là một thách thức lớn.
Không còn lựa chọn nào khác, cô bé nghiến răng kiên cường gồng đôi chân nhỏ bé hoàn thành bước chạy 1 vòng sân vận động đầu tiên và về đích suýt lả đi trong tay bạn đồng môn. Cả đến khi phải thi kết thúc môn chạy cự ly dài "Em đã cố gắng chạy và về đích với 17 phút 19’, trong khi điểm mốc tối đa cho phép để vượt qua môn là 17 phút 20’. Nhìn em về đích, thầy Thể dục phải phì cười và mừng rỡ chúc mừng cô học trò yếu đuối của ông đã vượt qua cửa ải…", Ngọc kể lại. Từ đó, cô bé đã dần cứng cáp.
Ngọc mê môn Lịch sử và kể rằng ở Sing hầu hết các môn học đều mở, giáo viên đưa ra các kiến thức, đồng thời tạo điều kiện để học sinh tự mình bày tỏ ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình.
Cô gái nhỏ nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của giới trẻ ở Sing và từng giành nhiều giải thưởng cao ở những kỳ thi trí tuệ, sáng tạo, văn nghệ cấp quốc gia trong nhiều môn học khác nhau. Xuất sắc trong môn tiếng Anh, Ngọc vượt qua hàng nghìn thí sinh quốc tế đến từ các nước nói tiếng Anh để đoạt giải Nhất cuộc thi viết luận tiếng Anh "The royal commonwealth essay writing competition".
Ngọc còn đứng ra gây quỹ và tổ chức trại Hè miễn phí cho học sinh cấp II tại Sing, xây nhà tình thương giúp nạn nhân bão lụt trong các dịp nghỉ Hè, thu gom đồ cũ và quyên góp tiền cho người nghèo, làm phiên dịch miễn phí ở các bệnh viện…
Ngọc cũng trực tiếp tham gia vào khâu tổ chức cho những hội thảo quốc tế, Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN và đăng ký thực tập tại Bộ Ngoại giao Singapore theo giới thiệu của nhà trường. Michelle Nguyen - (tên quốc tế của Ngọc) đã tạo nên hình ảnh một cô gái luôn nhiệt tình với cuộc sống để "thuyết phục được mọi người rằng tôi là một người mà bạn sẽ muốn nói chuyện vào 4 năm sau!".
Đường tới Harvard
Càng đến gần ngày tốt nghiệp bậc phổ thông, đảo quốc Singapore dường như càng trở nên chật hẹp trong ước mơ của cô gái ham học hỏi. Ghi nhớ những cái tên như anh Tiến Anh, chị Thêu, chị Vân…(những SV Việt Nam từng đỗ và đang theo học tại ĐH Harvard), Ngọc âm thầm lập kế hoạch gửi đơn chinh phục các ĐH danh tiếng ở Mỹ.
Cô cũng nghiên cứu kỹ các bài luận (essay) và "Tôi tin không có gì là không thể đạt được. Điều cần là bạn phải biết marketing bản thân, hãy tìm và tạo nên điểm nhấn về mình. Đó là luật chơi cho những ai muốn nhập cuộc và giành chiến thắng tại các trường ĐH danh tiếng của Mỹ …." .
Ngọc tâm sự như vậy vào một chiều trung tuần tháng 6 Hà Nội đầy nắng, khi đã thực sự trở thành tân sinh viên của ĐH Harvard. Điểm nhấn ấy, với Ngọc đó chính là những năm tháng hoạt động sôi nổi ở trường phổ thông.
Theo cô, nền giáo dục Mỹ đánh giá cao những trải nghiệm và cảm xúc của cá nhân về cuộc sống. Trong essay hơn 1.000 chữ, Ngọc kể lại kỷ niệm thoáng qua về chiếc ghế cũ sơn xanh vẫn còn đó trong căn nhà nhỏ tại ngôi làng - quê cha Ngọc ở miền Trung Việt Nam , nơi ngày còn thơ bé cô về chơi với ông bà 10 năm về trước.
Chiếc ghế ấy là nơi người chú đã hy sinh trong chiến tranh vẫn thường ngồi. 4 năm sau, khi đã lớn lên, hiểu biết nhiều hơn, cô gái nhỏ mới cảm thấy một sự thôi thúc cần phải tìm hiểu về người chú đã hy sinh. Ngọc nhận được từ ông nội một cuốn vở đã cũ với lời dặn dò "hãy giữ gìn nó cẩn thận" và con sẽ hiểu khi đọc nó.
Đó chính là cuốn nhật ký được người chú của Ngọc viết trong 3 năm quân ngũ. Chú hy sinh khi mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, đồng đội đã mang cuốn nhật ký đó về cho ông bà của Ngọc. Cuốn nhật ký thực sự là một kho tàng chứa đựng những hình ảnh chân thực và niềm tin trắng trong.
Và Ngọc viết trong bài luận của mình rằng: “…Tôi là một người yêu sách và đam mê đọc sách, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể tưởng tượng được mình sẽ được gặp một "cuốn sách đặc biệt độc nhất", một "cuốn sách" mà có thể làm thay đổi cách suy nghĩ và cách sống của tôi, trong một góc nhỏ bụi bặm và tồi tàn giữa một ngôi làng Việt Nam nghèo khó.
Người lính 19 tuổi ấy đã kể lại một câu chuyện thật thà về những nỗi đau trải rộng hơn mọi biên giới của trí tưởng tượng con người. Không có chi tiết hư cấu, không một nhân vật thần tiên hay những cảnh tượng hùng vĩ. Chỉ có ký ức của một chàng trai trẻ với tất cả sức mạnh của nó.
Quyển nhật ký là cuốn sách ngắn nhất tôi đã từng đọc. Nó đã in dấu lên trí não tôi từ những trang đầu tiên và làm tôi khóc cho tới những dòng cuối cùng. Tôi đã nghiền ngẫm hơn 200 trang giấy ấy một cách chậm rãi, cẩn thận, với suy ngẫm về giá trị của hòa bình đã giành được.
Xã hội như cần, và sẽ tiến lên, bỏ lại đằng sau những ký ức buồn đau. Tôi cũng lớn lên để hiểu rằng những vết thương vẫn còn đó và nước mắt vẫn tuôn rơi cho những người phụ nữ không bao giờ trở thành người vợ để có cơ hội chơi đùa với đứa con xinh xắn trên bãi cỏ sau nhà.
Cho những người đã mất đi người thân yêu trong chiến trận, ký ức sẽ vẫn là vết thương đau đớn thầm kín trong trái tim họ… Đó là món nợ lớn của loài người...".
Đằng sau vóc dáng nhỏ nhắn, tính cách nhí nhảnh và hay lo lắng theo kiểu tuổi teen cho chút "nhan sắc" của mình, Nguyễn Bích Ngọc đầy tự tin ghi danh mình vào danh sách những cái tên Việt Nam đã bước tới ngôi trường Harvard. Tháng 8 này, Ngọc sẽ lên đường, cô bảo "Tôi tin mình đi rồi sẽ trở về "…
Sinh Viên Việt Nam