Thầy giáo Trần Minh Đức |
Cuối cùng, điểm trường THCS Chiềng Xuân cũng hiện ra nằm ngay bên suối. Đón chúng tôi, thầy Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Xuân, hồ hởi như đón những người bạn từ xa trở về. Trong câu chuyện bên bếp lửa tại nhà già bản xã Khò Hồng cùng ngày hôm ấy, không nói nhiều về bản thân, thầy Đức đã kể cho chúng tôi nghe về những giáo viên trường mình. Đó là cô giáo Phạm Thị Nga, nhà ngoài thị trấn Mộc Châu đã 25 năm qua, một mình lặn lội đến không biết bao nhiêu bản vùng xa gieo từng con chữ. Chỉ có ngày thứ bảy, chủ nhật cô mới được về nhà. Hai con của cô đã trưởng thành, đều học đại học, vậy mà số tháng sống quây quần cả gia đình chỉ tính lại trên đầu ngón tay.
Đó còn là cô Trần Thị Hương đang dạy ở cơ sở Khò Hồng. Có con mới 3 tuổi đang ở với bà nội. Cô không thể đem con theo vì luân chuyển cơ sở liên tục cũng khó cho việc chăm sóc dạy dỗ. Dù tuổi đời khác nhau nhưng các cô đều giống nhau ở chỗ, thật hiếm hoi được ở trong ngôi nhà ấm áp của mình...
Còn rất trẻ, khá năng động, nhanh nhạy trong công việc nhưng thầy Minh Đức là người đặc biệt hiểu và chia sẻ những khó khăn chung với đồng nghiệp của mình. Bởi hơn ai hết, chặng đường đến với sự nghiệp trồng người của thầy cũng bắt đầu bằng trái tim nhiệt huyết và không ít những gian nan trong hành trình ươm mầm xanh cho Tây Bắc. Ngược theo ký ức của thầy, năm 2001, tốt nghiệp CĐSP ngành Toán, Trường ĐH Tây Bắc, vừa tròn 21 tuổi, thầy lặn lội vào Xuân Nha – một điểm trường thuộc xã vùng sâu. Tài sản lớn nhất trong hành trang khi ấy là trái tim cuồn cuộn nhiệt huyết cùng song hành với những khó khăn: Học trò chủ yếu là dân tộc H’Mông nên nhận thức chậm bởi phần lớn các học trò đi học lớp 1 đồng thời học tiếng phổ thông luôn. Nguyên nhân nữa là cơ sở vật chất và điều kiện về kinh tế còn khó khăn.
Các bạn học sinh nữ trong giờ ra chơi |
Tuy nhiên, nan giải nhất trong việc dạy và học nơi đây phải kể đến phong tục tập quán lấy vợ chồng sớm do dân trí thấp...
“Làm thế nào để học trò yêu quý, tin cậy mình từ đó kéo các trò đến lớp?” Câu hỏi ấy luôn thường trực trong thầy. Thế rồi, một quyết định táo bạo ra đời. Năm học 2002-2003 thầy đã động viên học trò, lao động gây quỹ, sau đó tổ chức đi thăm Thủ đô. Thầy bảo, giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy mình đã quá sức về kinh nghiệm và cả sự hiểu biết. Khi ấy thầy chỉ suy nghĩ rất đơn giản là làm sao cho các em thấy được Thủ đô. Học trò thích lắm vì đó là lần đầu được ngồi ôtô. Đi bộ 26 km ra nhà thầy rồi về Thủ đô viếng Bác là dấu ấn lớn nhất thầy đã viết vào ký ức lấp lánh của những học trò nhỏ ở Xuân Nha.
Được vài năm, đến tháng 9 – 2006, thầy Minh Đức được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hua Păng. Đây cũng là quãng thời gian để lại trong ký ức thầy những kỷ niệm ấm áp. Dưới sự chỉ bảo tận tình như một người anh cả của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hòa, thầy đã miệt mài học tập công tác quản lý. Từ đó đến ngày 1 tháng 9 năm 2007, thầy chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng THCS Chiềng Xuân.
Trường THCS Chiềng Xuân có 5 cơ sở nằm trên 6 bản. Duy nhất một cơ sở Khò Hồng là có 4 phòng kiên cố hoá và còn lại là nhà tạm nhưng thầy vẫn lạc quan nhận nhiệm vụ vì: “Tất cả những khó khăn đó chỉ là khó khăn chung của giáo dục miền núi thôi. Cốt sao những gì mình đã và đang làm phải có chữ tâm của nghề nhà giáo”.
Chỉ thoáng gặp, thật khó để vẽ nên chân dung về một người thầy đã tận tâm với sự nghiệp trồng người như thầy Trần Minh Đức. Nhưng, chỉ cần đến Chiềng Xuân một buổi, ta có thể nhận thấy ở đó một trái tim nhiệt huyết yêu nghề, một trí tuệ mẫn tiệp như ngọn đuốc, đủ sức tiếp lửa thắp sáng cho những tâm hồn trẻ thơ nơi này. Thông minh, nhanh nhẹn, và đặc biệt giản dị, dễ gần là những điều cảm nhận về thầy. Mong ở khắp mọi miền có nhiều những người thầy như thế để mầm xanh đất nước ngày được vươn cao, vươn xa.
Phương Đông