Người chiến sĩ dấn thân cho giáo dục

Người chiến sĩ dấn thân cho giáo dục

Kỳ 1: Gác bút nghiên theo cách mạng

(GD&TĐ) - Xuất thân trong một gia đình trí thức, đông con, từ thời ấu thơ ông đã có ước mong được trở thành thầy giáo. Ấy thế mà định mệnh đã đưa ông đến với con đường cách mạng. Để rồi sau khi hòa bình lập lại, người chiến sĩ cách mạng ấy lại dấn thân cho sự nghiệp giáo dục, cống hiến trọn vẹn cuộc đời, trí tuệ cho sự phát triển chung của ngành. Ông là Hoàng Xuân Tùy - Nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH&THCN.

c
GS Hoàng Xuân Tùy (người ngồi giữa hàng đầu cùng anh chị em trong gia đình thời thiên thiếu)

Khoác chiến bào

Ra Hà Nội học từ khi còn là cậu thanh niên bằng suất học bổng của Trường CĐ Công chính, tuy nhiên khát vọng được trở thành thầy giáo vẫn luôn cháy bỏng và thôi thúc trong ông. Chính vì thế, ngay từ đầu năm 1941, khi vừa nhập học năm đầu tiên của Trường CĐ Công chính, chàng thanh niên Hoàng Xuân Tùy đã tự học chương trình phổ thông trong 2 năm.  Năm 1943, khi mới hoàn thành năm thứ nhì CĐ, ông đã thi tốt nghiệp xong tú tài 2. Khát vọng trở thành thầy giáo sáng hơn bao giờ hết khi chỉ trong một thời gian ngắn ông đã lấy được nhiều chứng chỉ khoa học và giáo dục (điều kiện đủ để được dạy THPT).

Ngay khi những mục tiêu học hành vừa chạm đích thì phong trào cách mạng tại Hà Nội sục sôi hơn bao giờ hết. Người thanh niên vốn có ước mơ trở thành thầy giáo  đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng sau những hoạt động chống đế quốc cùng với sinh viên cùng trường. Ông đã thật sự chuyển hướng cuộc đời mình khi nhìn thấy mục tiêu: Làm cách mạng, phấn đấu cho độc lập, tự do của tổ quốc, thoát khỏi ách nô lệ còn cao hơn gấp mấy lần mục tiêu học đỗ cử nhân để đi làm thầy giáo. Và cũng chính từ đó, phong trào cách mạng đã cuốn ông vào các hoạt động.

Sau khi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng bằng những hoạt động tuyên truyền, chống phá thực dân Pháp, ông chính thức bước chân vào hàng ngũ của tổ chức cách mạng Việt Minh. Với ông, phong trào cách mạng do Mặt trận Việt Minh khởi xướng hồi đó  là một luồng gió mới, một luồng hy vọng mới cho những ai tâm huyết với vận mệnh của dân tộc. Phong trào cách mạng tại Hà Nội ngày càng sục sôi, sau cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945 cướp chính quyền thắng lợi, ông đã định quay lại trường để học tiếp vì nghĩ rằng “làm cách mạng thế là xong” và chưa được tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, không khí chiến tranh vẫn sục sôi tại Hà Nội trước sự lăm le của quân Tưởng Giới Thạch và sự quay trở lại của thực dân Pháp. Ý thức rõ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sẽ còn dài và lắm chông gai, lý tưởng cách mệnh vẫn ngùn ngụt cháy trong trái tim mình nên ông đã nộp đơn vào học trường quân sự do Bộ Quốc phòng mở. Từ đây, ông chính thức trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, được trường giữ lại làm cán bộ khung.

Ngay sau khi trở thành chiến sĩ quân đội Việt Nam, ông được Ban cán sự Đảng trường Cán bộ Việt Nam kết nạp Đảng (đầu năm 1946) khi đang là chính trị viên trung đội học sinh khóa 7. Ngay sau khi trở thành đảng viên Đảng CSVN, ông được nhà thơ Tố Hữu giới thiệu ra Huế làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, do đồng chí đã có thư ký nên ông đã cùng nhà thơ Tố Hữu ra Thanh Hóa. Hoạt động một thời gian, ông được điều động về làm chính trị viên ở tiểu đoàn Tây Tiến. Tuy nhiên, cũng như lần trước, ông lại phải quay về Hà Nội vì ở đó đã có người. Ông được Ban tổ chức Trung ương điều về quân khu Việt Bắc, về đây ông đảm nhận chức vụ chính trị viên trung đoàn 23 đóng ở Thái Nguyên khi vừa tròn 25 tuổi.

Trọng trách

Hai năm hoạt động tại vùng rừng núi (1947-1949) đã trui rèn bản lĩnh chiến đấu, lý tưởng cách mệnh ngày càng thêm vững vàng cho ông. Trung đoàn 72 của ông (đổi tên lại) không chỉ được điều động lên Bắc Kạn chiến đấu với thực dân Pháp mà còn trở thành đơn vị chủ lực phụ trách mặt trận Bắc Kạn. Sau 2 năm miệt mài chiến đấu, giằng xé nhau từng tấc đất, ngày 24-8-1949, Pháp rút hết quân khỏi Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn. Ông trở thành chủ tịch Ủy ban quân quản tỉnh. Hoàn  thành nhiệm vụ, Trung đoàn 72 tách ra làm 3 bộ phận theo sự điều chuyển của Quân ủy Trung ương. Riêng ông, nhận một nhiệm vụ mà theo ông đó là vinh dự suốt đời - trở thành thư ký riêng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhận nhiệm vụ, ông  tháp tùng đại tướng mọi lúc, mọi nơi, soạn thảo và lập các văn bản trước khi đại tướng hội họp hay tiếp khách. Chỉ công tác ở vị trí thư ký khoảng 6 tháng (từ tháng 9/1949 - 5/1950) ông lại nhớ chiến trường. Hiểu được nguyện vọng của ông, đại tướng đã đồng ý cho ông về đơn vị để thể hiện hết năng lực của mình. Ông về làm chính ủy viên trung đoàn 36, một đơn vị mạnh của đại đoàn 38, đánh đâu thắng đó. Ông tâm sự: Tuy tôi chỉ làm thư ký cho đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian 6 tháng nhưng khoảng thời gian ấy rất quan trọng vì đã giúp tôi trưởng thành, nâng cao trình độ. Tôi học tập được ở đại tướng phương pháp làm việc, phương pháp tư duy rất khoa học, rất khách quan. Khi cần phải quyết định vấn đề gì, Đại tướng không vội vàng nêu ý kiến của mình và thường lắng nghe ý kiến của nhiều người mới đưa ý kiến của mình, thường rất chính xác.

Sau hai năm chiến đấu cùng đại đoàn tiên phong 308 với nhiều chiến công vang đội, ông được điều động về Cục Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị, giữ nhiệm vụ làm công tác chính trị trong quân đội. Sau 3 năm đảm trách trưởng ban tuyên huấn tại 3 chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ, ông kiêm chủ bút (TBT) Báo Quân đội nhân dân… làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động toàn thế giới, ông góp phần đưa  những hình ảnh, thông tin nóng hổi từ chiến trường mà báo Quân đội nhân dân đã truyền tải đến, cộng đồng quốc tế trong 140 ngày đêm đánh chiếm cứ điểm Điện Biên Phủ. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng năm 1954,  ông được Bộ chính trị giao trọng trách quan trọng: Xây dựng và quản lý Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đích thân đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Võ Chí Thanh đã giao nhiệm vụ này cho ông. Cũng bắt đầu từ đây (tháng 2/1956), ông chuyển sang ngành GD, đảm trách nhiều vị trí công tác, cũng như dốc tâm, tận sức xây dựng ngành GD sau hòa bình.

Anh Tú

Kỳ 2: Tiên phong với những triết lý giáo dục mới mẻ