(GD&TĐ) - Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 đợt 1 đã kết thúc tốt đẹp. Chỉ 2 ngày thi ngắn ngủi nhưng đọng lại bao câu chuyện cảm động về nghị lực, khát khao tri thức. Có thể, qua đây tiếp thêm quyết tâm cho nhiều sỹ tử trong 2 đợt thi ĐH, CĐ tới đây.
Bố già tiếp sức cho con
Ông Lê Văn Sỏi năm nay gần 75 tuổi, vẫn cùng con là Lê Hoài An vượt hơn 100 km từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường đại học Sư phạm Huế.
Tiễn con vào cổng ông lén hôn nhẹ lên trán, rồi nép mình bên cây phượng nhấp nha, nhấp nhổm nhìn qua khe nhỏ của bức tường, rồi lại cúi mặt xuống đất. Khuôn mặt già nua và nước da ngăm đen của ông như căng ra vì lo cho đứa con út, niềm hi vọng duy nhất của cuộc đời ông. “Định không cho cháu đi thi vì gia đình nghèo, nhưng nó là thằng học giỏi lắm, cả thôn ai cũng tiếc và bàn tôi cho nó đi... thế là tôi cũng quyết một phen. Ban đầu muốn cho nó đi một mình, vì sức khỏe tôi yếu quá, nhưng ở nhà lại càng lo. Giờ chỉ mong sao nó vượt qua kỳ thì này, cả đời tôi làm nông khổ cực chỉ mong sao con cái được mở mày mở mặt với làng xóm... Dù sát ngày thi nhưng 3 giờ sáng nó vẫn còn thức để tranh thủ ôn bài. Ở ngoài kia tôi bắt nó làm đồng suốt, có khi nào rảnh đâu...”.
Lúc trống đánh báo hiệu bắt đầu giờ thi hai bàn tay ông chắp lại trước mặt, người ông rung lẩy bẩy, đôi mắt sâu hoắm nhìn về phía cổng trường. “Người ta thi không đậu năm nay còn có năm khác, nó chỉ có một cơ hội cuối cùng này thôi. Năm nay đã bán hết gà vịt ở nhà rồi, năm sau còn gì đâu mà bán...”. Đón con trước cổng trường bước ra ông Sỏi vui sướng khi biết đứa con mình làm được bài, nước mắt ông rưng rưng... dường như cả cuộc đời ông lần đầu tiên đón nhận niềm hạnh phúc đó. Và nó sẽ nhân lên gấp bội khi hai bố con đón được niềm vui ở ngày thi tiếp theo.
Cõng gạo vượt đại ngàn đi thi
Em Lê Văn Mim, người dân tộc Cơ Tu lặn lội từ Đông Giang (Quảng Nam) đến 4 giờ sáng (ngày 3-7) Mim mới ra tới Huế để làm thủ tục dự thi vào Trường đại học Sư phạm Huế. Ngày đi cả bản tiễn Mim ra đến đường quốc lộ 1A, người thì xách cơm đùm, người mang nước suối đi theo với hi vọng Mim sẽ là người đầu tiên của làng mang vinh quang về. Lúc chiếc xe rời bến mẹ của em kịp nhét vào trong túi xách một bọc giấy. Lúc mở ra em mới biết đó là khoản tiền mẹ đã giành giụm hơn một năm cho em đi thi. Nhìn bọc tiền nhàu nát và bạc màu là những dòng chữ nghệch ngoạc mẹ viết: “Cố lên con nhé, hãy gắng ăn no vào để có sức mà thi, mẹ ở nhà có đói mà con vào được đại học mẹ cũng an lòng, cả làng chờ tin vui con đó...!”. Đọc xong em cầm nắm cơm mẹ vắt trộn với đậu và lạc. “Miềng đã khóc và tự hứa với lòng miềng phải quyết tâm đậu cho bằng được, để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, bản làng quê miềng...!”. Mim nói.
Em Lê Văn Mim (áo sọc) và em Nguyễn Văn Nai tranh thủ ôn bài trước giờ G. |
Còn Em Nguyễn Văn Nai dân tộc Tà Ôi (A Lưới, Thừa Thiên-Huế) sau khi làm thủ tục dự thi vào Trường đại học Sư phạm Huế, Nai nhanh chóng chạy về KTX Sư phạm Huế để ôn bài. Vì cả tuần nay ngày nào Nai cũng phải lên rẫy cùng với bố mẹ gom từng bắp ngô bán để xuống phố dự thì. “Trước đó bố miềng không cho đi vì không có tiền, nhưng miềng vẫn quyết tâm đi bằng được. Miềng nói với bố mẹ chỉ cần cho miềng tiền đi thôi, còn gạo miềng mang theo cũng được. Thấy vậy nên bố bảo mẹ bán luôn hai con gà giống cộng thêm tiền của làng xóm cho miềng đi thi. “Mặc dù không có điều kiện được như các bạn khác, nhưng miềng sẽ cố gắng hết sức mong sao đậu được vào đại học Sư phạm Huế để sau này về giúp bản làng, như họ đã từng giúp miềng...!”.
Hai sĩ tử khuyết tật vượt vũ môn
Đó hai sĩ tử Trương Đảnh (Phường An Cựu, TP Huế) và Dương Ngọc Cương quê ở tỉnh Quảng bình đều dự thi vào nghành Tin học viễn thông, Trường đại học Khoa học Huế.
Hai em Trương Đảnh (trái) và Dương Ngọc Cương (phải) |
Đảnh bị tật từ nhỏ với đôi chân teo tóp, suất 12 năm học trên đôi nạng sắt cùng những cơn đau dọc sống lưng khi trái gió trở trời nhưng Đảnh vẫn quyết tâm đi học để mai này có việc làm tự nuôi sống được bản thân. Nhà ở phường An Cựu (TP.Huế) nhưng do không tự đi được xe, Đảnh phải nhờ bố chở xe máy đến điểm thi Khoa Du lịch (Đại học Huế).
Nhiều thí sinh cùng thi với Đảnh và Cương không khỏi khâm phục nghị lực của hai chàng trai chống nạng đến phòng thi. Cũng như Đảnh, em Dương Ngọc Cương tham dự kỳ thi với mong muốn sẽ tìm kiếm cho mình một công việc để không làm phiền gia đình.
Hai thí sinh đau ruột thừa phải ngừng thi
Nghệ An), một mình vào Huế dự thi đại học. Nhưng tối ngày 3-7, Hà bị đau bụng phải nhập viện tại Trường đại học Y dược Huế. Sáng ngày 4-7 trong lúc nhiều bạn tham gia kỳ thi Hà phải thực hiện ca mổ.
Em Nguyễn Thị Hà bỏ lỡ một cơ hội vào ĐH SP Huế. |
Cũng tương tự trường hợp của Hà, em Lê Văn Toàn ở xã Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị), phải rời phòng thi trước khi bóc đề thi môn toán 10 phút, vì vết thương tái phát. Toàn cho biết trước đó ngày 30-6 em đã thực hiện ca mổ ruột thừa tại BV Triệu Hải (Quảng Trị). Chiều ngày 3-7 Toàn bắt xe vào Huế nhưng do vết thương tái phát nên Toàn phải rời phòng thi.
Bài, ảnh: Cẩm Minh