Mô hình bán trú dân nuôi "giữ" HS trở lại trường lớp

Mô hình bán trú dân nuôi "giữ" HS trở lại trường lớp

(GD&TĐ) - Đối với những học sinh ở miền núi như tỉnh Lai Châu, đa số các em đều phải phải đi học xa nhà trong địa hình phức tạp, núi non cách trở. Vì vậy, việc thực hiện nhà bán trú cho học sinh ăn, ở, học tập tại trường là vô cùng có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình bán trú dân nuôi được xem là điển hình và có hiệu quả nhất phải nói đến trường THCS xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên. 

Nậm Cần là xã có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Toàn xã có 8 thôn bản thì có đến 6 bản nằm cách xa trường học đến hơn chục cây số, hơn nữa trình độ dân trí của toàn xã không đồng đều, hầu hết học sinh nữ học hết tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy. Vì vậy từ năm 2005 trở về trước tình trạng học sinh bỏ học giữa trừng diễn ra thường xuyên, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp tiểu học ra lớp 6 chỉ đạt khoảng 60%... Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của toàn xã.

Đến năm học 2004 – 2005, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước cùng với những đổi thay của bộ mặt nông thôn miền núi. Trường THCS xã Nậm Cần đã được tách ra từ trường THCS xã Nậm Cần liên cấp I,II trước đây.

Với số vốn hơn 3 tỷ đồng, trường đã có cơ sở vật chất khang trang hơn trước, hệ thống trường lớp kiên cố đã thay thế những lớp học tạm bợ, đảm bảo cho 100% con em trong toàn xã đến trường học tập. Đặc biệt là trường đã xây được 2 căn nhà cấp bốn gồm 13 phòng cho học sinh và giáo viên ở lại tại trường. “ Ban đầu theo học trường bán trú, các em phải tự lập như kiếm củi, nấu cơm, giặt giũ…

Đến năm 2009 nhà trường mới tổ chức nấu ăn cho các em. Còn thầy cô giáo thì phải làm công tác kiêm nhịêm vừa giảng dạy, vừa quản lý bán trú”. Thầy giáo Nguyễn Văn Hà, hiệu trưởng trường THCS Nậm Cần cho biết.

Các em học sinh trồng rau để tăng khẩu phần ăn
Các em học sinh sinh hoạt tại trường

Hiện nay trường đã giải quyết chỗ ăn, ở cho 33 em học sinh và 20 cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Ngay từ đầu năm, trường đã họp và  Xây dựng kế hoạch, thành lập ban quản lý bán trú, lên lịch và phân công giáo viên, nhân viên nấu ăn, kiểm tra, hướng dẫn học sinh thực hiện theo nội quy bán trú nhà trường đề ra như: 5giờ sáng dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân để chuẩn bị lên lớp, còn buổi chiều, tối các em tự lên lớp học dưới sự quản lý của thầy cô giáo trong trường, trồng và chăm sóc rau hàng ngày theo khu vực được phân công, thực hiện lấy củi vào mỗi buổi chiều thứ 2 hàng tuần...

Ngoài số tiền được trợ cấp cho học sinh bán trú 240 ngìn đồng/ tháng theo Quyết định 101/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân theo Chương trình 135 giai đoạn II, hàng tháng các em còn nộp thêm10kg gạo để nấu ăn vào mỗi bữa. Đối với những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có gạo để nộp, hay thiếu quần áo, chăn màn nhà trường đã huy động sự ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, ban nghành đoàn thể trong địa phương để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em sinh hoạt và học tập, các bậc phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em mình cho nhà trường nuôi dạy.

Giờ đây có nhà bán trú, các em không còn phải quốc bộ đến mấy quả đồi trong cái bụng đói meo để về nhà, mà đã được ngồi vào thưởng thức những bát cơm nóng hổi do chính bàn tay của các thầy, cô giáo nấu. Sau bữa ăn lại được nghỉ ngơi thoải mái và như vậy các em có nhiều thời gian hơn dành cho học tập.

Được ở lại học tập và sinh hoạt tại trường đã tạo điều kiện cho các em được tham gia đầy đủ các buổi học, không còn tình trạng học sinh bỏ học và đi học muộn, thu hút, vận động được học sinh đã nghỉ học quay trở lại trường lớp.

uy
Các em trồng rau cải thiện bữa ăn

Em Vì Thị Tưởng, học sinh lớp 8A tâm sự: “ Nhà em nghèo lắm, nhà lại cách xa trường học hơn chục cây số. Đã mấy lần em định nghỉ học rồi, nhưng nhờ sự vận động, giúp đỡ của bạn bè, thầy cô. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho em được ở bán trú. Có được chỗ ăn, ở thuận tiện rồi nên em sẽ cố gắng học tập để sau này làm Bác sỹ về chữa bệnh cho dân bản”.

Nhờ thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, đến nay toàn bộ con em của xã Nậm Cần trong độ tuổi đến trường đã đi học đầy đủ, giữ vững tỷ lệ chuyên cần hàng năm luôn đạt trên 90%. Huy động được 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học ra lớp 6, chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng dạy và học của nhà trường cũng từng bứơc được nâng lên. Đó là những hiệu quả đem lại từ việc thực hiện mô hình bán trú dân nuôi mà nhiều địa phương khác ở các tỉnh miền núi cần học tập và nhân rộng mô hình này.

Tòng Ngơi