Làng bánh dân gian trong trường học

GD&TĐ - Với ý tưởng phục dựng cách thức làm những món bánh dân gian Nam bộ, đặc biệt là những món bánh đang “thất truyền”, thầy Trần Công Chánh cùng tập thể Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đã thực hiện dự án “Làng bánh dân gian” nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân địa phương, đồng thời thông qua hoạt động này, giúp học sinh, sinh viên tích lũy và thực hành nhiều kỹ năng sống bổ ích.

Mỗi thầy cô đảm nhận một gian hàng bánh khác nhau
Mỗi thầy cô đảm nhận một gian hàng bánh khác nhau

Gìn giữ phong vị ẩm thực dân gian

Là người con của Nam bộ, thầy Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) rất “tâm huyết” với những món bánh dân gian xưa.

Vốn am hiểu ẩm thực, thầy Chánh nhận thấy vùng đất Nam bộ có nguồn nguyên vật liệu phong phú để làm nên những món ăn dân dã đậm đà, tuy nhiên vẫn chưa thực sự ghi dấu ấn sâu đậm như những món ăn của miền Bắc hay miền Trung.

Suy nghĩ một thời gian dài, thầy Chánh chia sẻ ý tưởng thực hiện “Làng bánh dân gian” (mở những gian hàng bán từng loại bánh khác nhau) cùng các thầy cô giáo và một số học viên trong trường.

Thầy Chánh tâm tình: “Qua thời gian, bánh dân gian Nam bộ ít giữ được vị truyền thống, hầu hết chịu ảnh hưởng của công nghiệp hóa trong sản xuất thực phẩm, dùng hương vị hay nguyên vật liệu thay thế chế biến. Nghệ nhân chính tông không còn để truyền đạt bí quyết nấu món ăn chuẩn vị xưa. Hiện nay, những món ăn truyền thống dễ bị hòa lẫn, mất gốc và quên lãng. Việc tái hiện lại làng bánh cũng chính là mong muốn của Đoàn trường: thực hiện những món bánh dân gian chuẩn vị xưa”.

Trải qua thời gian nung nấu ý tưởng, “Làng bánh dân gian Nam bộ” của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu chính thức mở cửa phục vụ thực khách từ đầu tháng 7/2017 với sự tham gia của 8 phòng ban của trường, thu hút khoảng 20% học viên trải nghiệm hoạt động thực tế.

Mỗi phòng ban cùng các em học sinh, sinh viên thực hiện một loại bánh khác nhau, như: bánh bột lọc, bánh chuối, bánh bèo, bánh lá rau mơ nước cốt dừa, bánh củ cải, bánh đúc mặn, bánh tằm bì xíu mại, bánh canh mặn, bánh lọt, sương sa hột lựu, bánh khọt, bún nước lèo, gỏi đu đủ, gỏi cuốn… Giá của các loại, từ vị ngọt đến mặn, khá bình dân, khoảng từ 5.000 - 15.000 đồng.

Khi ý tưởng thành hiện thực, thầy cô giáo “nhập vai” vào vị trí mới, vừa để giữ gìn chất dân gian trong từng loại bánh vừa để nhân rộng tinh thần hướng về ẩm thực nguồn cội. Học viên tập tành làm thủ công những món bánh để hiểu sâu hơn lịch sử ẩm thực Nam bộ, đặc biệt là những món bánh dân gian gần gũi đời thường, hình thành tầng lớp kế thừa giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa làng bánh, thầy Chánh chú trọng nhấn mạnh đến yếu tố kỹ năng sống cho những học viên bắt đầu tiếp cận thị trường thực tế và dịch vụ; rèn luyện ý thức khởi nghiệp từ những việc nhỏ; có nhận thức học đi đôi với hành; hiểu biết giá trị món ăn truyền thống trong thời kỳ “ăn vội sống nhanh”.

Cô trò cùng làm bánh

Cô trò cùng làm bánh

 Mô hình giáo dục mở

Thầy Trần Công Chánh cho rằng, dự án “Làng bánh dân gian” cũng là điểm mới marketing trong giáo dục, tạo điều kiện để người học quan tâm hơn đến mục tiêu đào tạo tại địa phương, nâng cao cơ hội việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Thông qua việc marketing giúp phụ huynh định hướng tương lai cho con em, đặc biệt đối với đối tượng học sinh kết thúc bậc THCS có nhu cầu theo học nghề. Qua dự án trên, trường học đã thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống mà mang tính mở, gắn bó với cộng đồng, nơi mọi thành viên cùng chung tay hướng đến những giá trị thực tiễn. Công cụ marketing mới đầy tiềm năng này cùng lúc có thể giải quyết nhiều vấn đề về giá trị kinh tế và văn hóa, giáo dục.

Ông Phạm Phương Tâm - Giám đốc Trung tâm đào tạo thuộc Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Trong dịp ghé tham quan các gian hàng và thưởng thức các món bánh dân gian của những người bạn ở đây tôi cảm nhận được vị ngon đậm đà của những sản phẩm được chế biến công phu.

Làng ẩm thực là nét hay trong văn hóa ẩm thực Nam bộ, nhà trường tái hiện (sản xuất) những món bánh ngon đặc sệt hương vị quê hương khiến gợi nhớ kỷ niệm về ông bà, cha mẹ, bản quán. Qua đây thức tỉnh nhiều bạn trẻ yêu thích, biết quý trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa miền Nam. Hoạt động này cần được lan tỏa trong môi trường giáo dục”.

Tái hiện ẩm thực dân gian Nam bộ là cầu nối gắn kết chặt chẽ giáo dục với cộng đồng thông qua khai thác khách hàng cũng chính là người địa phương, đặc biệt là tầng lớp cán bộ công chức trên địa bàn TP Bạc Liêu mong muốn thưởng thức lại nhiều món ăn nói chung, và các loại bánh nói riêng đã có từ lâu đời.

Nếu đạt được những yêu cầu của khách hàng, làng bánh sẽ tồn tại trên cơ sở sản xuất khép kín: chăn nuôi, trồng trọt tại trại thực nghiệm của trường, cung ứng trực tiếp nguyên vật liệu sạch cho những bếp bánh.

Hình ảnh vui thường thấy là các thầy cô giáo vừa bán bánh vừa thoải mái trao đổi với khách hàng về bí quyết làm bánh. Một bên với tinh thần cầu thị, một bên không giấu nghề, đã sẵn sàng chia sẻ cho nhau hệt như những bà nội trợ muốn hoàn thiện việc nữ công gia chánh trong gia đình.

Đó cũng là một trong những mục tiêu mà làng bánh dân gian của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu hướng đến: Đề cao giá trị nền tảng hạnh phúc gia đình và vai trò người phụ nữ Nam bộ hiện đại với nề nếp truyền thống.

Thầy cô cũng tận dụng các kênh mạng xã hội như Facebook cá nhân, Facebook nhóm hay Zalo để tương tác các món bánh đến người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh phụ cận. Làng bánh cũng triển khai giao hàng nhanh dành cho khách có nhu cầu mà học viên chính là “shipper”.

Cô Tô Thị Thanh Thúy - Trưởng ban Nữ công của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, phấn khởi: “Ban nữ công đóng vai trò định hướng cho những thầy cô cách thức làm những món bánh chuẩn, từ quy trình đến kết hợp hợp lý các nguyên liệu.

Thầy cô và học sinh phối hợp với nhau từ cách làm bánh đến bán bánh. Mọi người cùng nhau trải nghiệm khá nhịp nhàng. Làng bánh mang thương hiệu giáo dục có chất lượng, giá cả hợp túi tiền đã được cộng đồng đón nhận, ủng hộ. Chính hoạt động tập thể này đã gắn kết tình đồng nghiệp, tình thầy trò và giáo dục kỹ năng sống tốt hơn cho học viên trong trường”.