Sinh viên tốt nghiệp Khoa Quốc tế được thị trường lao động trong và ngoài nước đánh giá cao |
“Quốc tế hóa giáo dục”, trong đó có hoạt động “liên kết đào tạo”, và những thuật ngữ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, quốc tế hóa giáo dục có lịch sử rất lâu dài. Ở Việt Nam, trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng lịch sử giáo dục cũng là lịch sử quốc tế hóa giáo dục. Không những thế, chính quốc tế hóa gắn kết giáo dục Việt Nam với giáo dục khu vực và thế giới, quyết định dòng chảy học thuật trong và ngoài nước. Mức độ lưu thông của dòng chảy học thuật này là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Mặc dù người Việt có thể đã có những hình thức dạy và học nhất định trước thời Bắc thuộc, trên thực tế, chính những kẻ xâm lăng phương Bắc lại là những kẻ khởi đầu nền giáo dục Việt Nam, dĩ nhiên là theo mô hình Trung Hoa.
Trong thế kỷ thứ hai, Sĩ Nhiếp (137-226), Thái thú Giao Chỉ đã cho xây dựng một số trường học để đào tạo người làm quan phục vụ bộ máy cai trị. Ông được người Việt tôn là Nam Bang học tổ. Sau khi nền độc lập dân tộc được khôi phục vào năm 938, cho đến năm 1919, người Việt vẫn tiếp tục áp dụng mô hình Trung Hoa và sử dụng chữ Hán cho nền giáo dục dân tộc.
Cuộc xâm lăng của người Pháp đã làm thay đổi căn bản nền giáo dục Việt Nam. Cũng nhằm mục đích đào tạo nhân lực phục vụ bộ máy cai trị, người Pháp đưa vào Việt Nam mô hình giáo dục phương Tây. Một dấu mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục Việt Nam là sự thành lập Đại học Đông Dương năm 1906. Trong các trường cao đẳng thành viên của Đại học Đông Dương, chương trình, tài liệu là do người Pháp soạn, tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy và các giáo viên người Pháp sát cánh cùng giáo viên người Việt. Nói cách khác, đây chính là những chương trình “liên kết quốc tế” theo cách gọi của chúng ta ngày nay.
Nhờ tính chất quốc tế sâu sắc như vậy, trong cả thời Bắc thuộc lẫn thời Pháp thuộc, giáo dục Việt Nam gắn bó và là một phần của nền giáo dục thế giới. Tính quốc tế cũng duy trì dòng chảy học thuật giữa Việt Nam và thế giới, và đó chính một nhân tố quan trọng đảm bảo chất lượng giáo dục và giúp giới trí thức Việt không bị lạc hậu so với đời sống học thuật của thế giới.
Quốc tế hóa giáo dục không phải lúc nào cũng đơn thuần là hoạt động do những kẻ thống trị nước ngoài áp đặt. Nhận thấy vai trò quan trọng của quốc tế hóa giáo dục, đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu và một số trí thức Nho học thức thời đã phát động phong trào Đông Du, gửi thanh niên sang học tập tại Nhật Bản. Bằng nhiều con đường khác, nhiều sinh viên Việt Nam cũng tìm cách du học tại các nước phát triển phương Tây. Chính họ và những sinh viên tốt nghiệp các trường Tây tại Việt Nam đã hình thành giới trí thức tinh hoa mới của Việt Nam trước năm 1945.
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng là một cuộc cách mạng trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam. Trong một thời gian rất ngắn, và trong điều kiện vô cùng khó khăn, với nội lực và khát vọng tri thức của cả dân tộc, chúng ta đã lập nên những chiến công vĩ đại: xóa bỏ về cơ bản nạn mù chữ, Việt Nam hóa toàn bộ nền giáo dục và từng bước xây dựng một nền giáo dục hoàn chỉnh, tự chủ, bằng tiếng Việt từ mẫu giáo đến sau đại học, tạo điều kiện tiên quyết cho những bước phát triển về sau.
Trong giai đoạn 1954 - 1975, giáo dục tiếp tục phát triển ở cả miền Bắc và miền Nam. Riêng giáo dục đại học, năm 1975, ở miền Bắc có 30 trường đại học với 56.000 sinh viên (theo tài liệu của UNESCO, 1998). Nếu kể cả cao đẳng, con số này là 41. Ở miền Nam, năm 1975, có 7 đại học công và 7 đại học tư với 166.000 sinh viên (UNESCO, 1998). Năm 2011, số tường đại học và cao đẳng lên đến 419, với hơn 2,2 triệu sinh viên (Tổng cục thống kê).
Tuy vậy, công cuộc nội địa hóa giáo dục này cũng có mặt trái: nó gần cắt đứt phần lớn các mối liên hệ trực tiếp, cũng tức là cắt đứt dòng chảy học thuật, giữa nền giáo dục Việt Nam với nền giáo dục thế giới. Giống như một dòng sông bị chặn dòng có nguy cơ trở thành đầm lầy, thành hồ, và thậm chí thành ao tù, một nền giáo dục tách biệt khỏi thế giới sẽ trở thành khép kín và có nguy cơ trở thành lạc hậu.
Do phần lớn người học và người dạy chỉ có khả năng đọc các tài liệu bằng tiếng Việt, trong khi phần lớn các nguồn tư liệu đều bằng ngoại ngữ, trình độ học thuật của thầy và trò trong các trường đại học của chúng ta ngày càng lạc hậu. Vì thế, mặc dù trong thời gian chiến tranh và sau năm 1975, chúng ta vẫn tiếp tục gửi sinh viên ra nước ngoài học tập, nền giáo dục của chúng ta dần dần trở nên ngày càng biệt lập, ngay cả với các nước xã hội chủ nghĩa. Tình trạng lạc hậu và biệt lập trở nên trầm trọng hơn nữa khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ và tiếng Anh ngày càng thống trị thế giới học thuật.
Công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng không chỉ là một bước ngoặt trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, mà cả đối với nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Sự hiện diện của các tổ chức và công ty nước ngoài đặt ra những đòi hỏi gay gắt về chất lượng và mức độ quốc tế hóa của lực lượng lạo động.
Thành công của những cải cách kinh tế đã nâng cao đáng kể mức sống của người dân, và mức sống cao hơn, đến lượt nó, lại dẫn đến nhu cầu và yêu cầu cao hơn đối với giáo dục mà kết quả là hai quá trình song song: 1) sự bùng nổ về số trường đại học và cao đẳng, trong đó có các trường ngoài công lập, và 2) sự hội nhập và quốc tế hóa ngày càng mạnh mẽ. Quá trình thứ hai này, đặc biệt là dưới hình thức các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thực sự đã góp phần quan trọng vào việc khơi thông trở lại dòng chảy học thuật giữa Việt Nam và thế giới.
Trong những chương trình liên kết đào tạo của Khoa Quốc tế (ĐHQGHN), chẳng hạn, toàn bộ chương trình, học liệu do trường đại học nước ngoài cung cấp. Đề cương bài giảng được soạn theo chuẩn của của đại học nước ngoài. Tất cả các môn học đều được giảng dạy bằng ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp hoặc Trung), với khoảng 25 - 30% giảng viên do trường đối tác cử đến. Các giảng viên Việt Nam được phía đại học nước ngoài thẩm định và theo quy định, phải hợp tác chặt chẽ với giảng viên của đối tác trong quá trình giảng dạy.
Quá trình khảo thí và kiểm soát chất lượng do đại học nước ngoài đảm bảo. Quy trình chặt chẽ này nhằm đảm bảo chất lượng và bằng cấp của chương trình liên kết đào tạo tương đương với các chương trình của đối tác ở nước ngoài.
Tuy nhiên, tác động của các chương trình liên kết to lớn hơn là cung cấp những cơ hội học tập đơn thuần. Tương tự như những Đặc khu kinh tế tự do (Special Free Economic Zones), những ốc đảo kinh tế, những chương trình liên kết đào tạo có thể coi là những Đặc khu học thuật (Special Free Academic Zones).
Khi tham gia vào các chương trình liên kết, các tổ chức và cá nhân của nền giáo dục đại học Việt Nam thu được nhiều lợi ích: công nghệ giáo dục được cập nhật và chuyển giao; các giảng viên và nghiên cứu viên làm quen, tiến tới làm chủ kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực đại học thế giới; các nhà quản lý giáo dục Việt Nam học tập và hoàn thiện kỹ năng quản lý; và hàng hóa của nền giáo dục đại học, tức là những sinh viên tốt nghiệp, được chuẩn hóa và hòa vào dòng lưu thông tự do trên thị trường nhân lực toàn cầu.
Nhưng trên tất cả, những đặc khu học thuật này là cửa ngõ và chất xúc tác để dòng chảy học thuật giữa Việt Nam và thế giới được khai thông trở lại. Và thầy trò Khoa Quốc tế có thể tự hào rằng sứ mệnh của họ là góp phần công sức và trí tuệ, để đại học Việt Nam lại trở thành một phần không thể tách rời của nền giáo dục đại học thế giới.
Ngô Tự Lập