(GD&TĐ) – Kể từ khi mở cửa nhà hàng nổi tiếng Koto (Know One Teach One – biết một dạy một) ở Hà Nội vào năm 2000, Jimmy Phạm đã giúp được khoảng 400 trẻ em vô gia cư trở thành những đầu bếp siêng năng.
Tại trung tâm dạy nghề phi lợi nhuận của anh, anh đã truyền cho các trẻ em đường phố cả kỹ thuật nấu ăn và kỹ năng sống.
Jimmy Phạm cùng với nhóm đầu bếp của mình tại nhà hàng Koto ở Hà Nội |
“Tôi đến Việt Nam mà chưa bao giờ muốn bắt đầu một trung tâm lớn như Koto, tôi chỉ muốn tạo ra một sự khác biệt” – Jimmy nhớ lại – “Giờ tôi nhìn lại và nhận ra rằng nó đã mang lại cho tôi một niềm vui tuyệt vời”.
Sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh, sau đó Jimmy đã đến sống ở Australia khi lên 8 tuổi trước khi trở về quê hương vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Dự án Koto đã ra đời sau khi anh gặp phải một nhóm trẻ em bán dừa trên đường phố vào năm 1996. “Tôi thấy những đứa trẻ mang dừa và làm việc 16 giờ mỗi ngày nên tôi đã đưa chúng và 60 đứa trẻ khác đi ăn cơm trong vòng 2 tuần tiếp sau đó”.
Nhưng phải mất 3 năm nữa thì ý tưởng về một nhà hàng mới mang lại kết quả.
“Lúc đó tôi nghĩ mình đã biết nhiều hơn. Tôi cho chúng con cá hàng ngày trong thời gian đó nhưng sau này, chúng đã kéo tôi ra và nói: Bọn em tin tưởng anh nhưng anh không thể tiếp tục chăm sóc bọn em thế này. Bọn em cần một công việc. Bọn em cần anh dạy cách tự câu cá cho mình”.
Từ đây, dự án Koto của Jimmy bắt đầu được đưa ra. Bọn trẻ không chỉ học cách nấu ăn mà còn được học những bài học về cuộc sống khác. Jimmy cho chúng chỗ ở, kiểm tra sức khỏe rồi dạy chúng về việc xây dựng nhóm làm việc, các kỹ năng khác và cả tiếng Anh, giúp chúng tự tin khi giao tiếp với người lạ.
Biết về nhà hàng của anh, Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam đã ghé vào nhà hàng của Jimmy cùng với 80 phóng viên khác. Điều này như một sự động viên đối với những nỗ lực của anh cùng các em nhỏ đường phố.
Jimmy, vốn là một nhân viên du lịch ở Melbourne, Australia, không hề có bằng cấp về nấu ăn hay dịch vụ ăn uống. Anh chỉ có những kỹ năng bếp núc anh học được khi làm bánh rán và bán sandwich hồi nhỏ. “Điều thú vị là tôi không hề có bằng cấp gì. Tôi chỉ là người có niềm đam mê với việc mình làm và tôi muốn tạo ra một sự khác biệt”.
Nhìn lại những gì đã trải qua, Jimmy thừa nhận rằng bên cạnh niềm vui với những gì đã đạt dược, dự án Koto của anh đã rất khó khăn khi chứng kiến những vấn đề về tình cảm trong nhiều năm. “Tôi đã chứng kiến những thay đổi diễn ra trước mắt. Tôi thấy 400 đứa trẻ về với gia đình của chúng, thoát được nghèo đói và điều này khiến tôi rất vui. Tuy nhiên, nó cũng khiến tôi rất buồn khi thấy những đau đớn mà một đứa trẻ phải chịu đựng”.
Cẩm Nhung (Theo BBC)