Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)

Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)

(GD&TĐ)-"Ngày 28/6/1996, sau một tai biến bất thường, anh Tứ đã đột ngột từ trần. 16 năm là một thời gian quá dài….nhưng sao mà lại quá ngắn đối với tôi. Những hồi ức này xin gửi đến hương hồn anh, một nơi xa xăm nào đó trong vũ trụ bao la mà anh rất say mê!"- GS.Nguyễn Thu Nhạn bộc bạch.

Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ - Nguyễn Thu Nhạn thời trẻ
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ - Nguyễn Thu Nhạn thời trẻ

>>Nguyễn Đình Tứ: Một trí thức gương mẫu

>Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (phần 1)

Đầu năm 1962 tôi về Hà Nội sau gần 9 năm học tập ở nước ngoài, trong khi đã có cháu Mạc Hà. Tôi được Bộ phân công về công tác tại Bệnh viện B Hà Nội (Bệnh viện chuyên khoa Nhi) làm trưởng khoa các bệnh mãn tính về thận, tim mạch, viêm não ở trẻ em. Thời gian này tôi vừa nuôi con, vừa làm việc nhưng anh Tứ thì chưa về.
Khi anh Tứ về nước, cháu Hà đã 11 tháng. Từ đầu năm 1963 đến 1966, anh công tác ở Ban toán lý của ủy ban khoa học Nhà nước 36 Trần Hưng Đạo. Năm 1964 tôi sinh cháu thứ 2, Nguyễn Việt Hùng. Gia đình chúng tôi hồi ấy rất đông vui, thầy mẹ anh và em út Nguyễn Tự Cường cũng từ Vinh ra Hà Nội ở với chúng tôi. Trong gian phòng 17m2 (tiêu chuẩn của tôi) trên tầng 4 nhà B1, có 8 người chung sống, đó là tình hình chung của cán bộ công nhân viên chức thời bấy giờ nên không ai phàn nàn gì. Sau 1 năm anh Tứ được chia thêm 5 mét vuông, chúng tôi được dọn sang nhà B8 có 24 mét vuông. Đó là khu nhà tập thể đầu tiên của thủ đô Hà Nội do Triều Tiên thiết kế và xây dựng theo kiểu lắp ráp mà trước đây ta chưa làm bao giờ.

Hè năm 1966, anh Tứ có quyết định đi làm cộng tác viên lần thứ 2 ở Đupna Liên Xô, lần này tôi được chính phủ cho đi theo anh với tiêu chuẩn phu nhân. Nhưng tôi đã từ chối và xin phép Bộ cho đi học tiếp nghiên cứu sinh và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã đồng ý.

Anh Tứ là người rất thương vợ, chiều vợ. Trong thời gian 4 năm tôi đi làm nghiên cứu sinh, anh và tôi cũng chỉ sống với nhau những ngày thứ 7, chủ nhật. Từ thứ 2 hàng tuần, tôi thì đi học ở Mạc Tư Khoa, các con thì sống ở nhà trẻ suốt tuần. anh sống một mình, làm việc, ăn trưa ở phòng thí nghiệm, tối đến tự thổi nấu lấy ăn, thương anh vất vả, tôi thường chuẩn bị sẵn các món ăn cho anh. Nhưng tôi cũng biết anh buồn, nhà vắng vẻ. Có lẽ vì thế nhiều hôm ăn xong anh không  rửa bát, mỗi tối thứ 6 về tôi lại phải rửa một đống bát rồi cho lên giá cho anh. Còn anh, ăn cơm tối xong, lại đi vào phòng thí nghiệm, anh thích máy tính, hồi đó máy tính không nhỏ bé như bây giờ mà là một dàn máy đồ sộ như một cái tủ, ban ngày giờ làm việc thì máy phải sử dụng cho công việc, chỉ có đêm mới rỗi, thế là anh vào ban đêm ngồi mày mò đến 1-2h sáng để tự học máy tính, trong nhiều ngày như vậy, anh đã trở thành người biết sử dụng máy tính thành thạo đầu tiên của nước ta trong những năm 60 ngoài nghề nguyên tử của anh.

Trong 5 năm công tác của anh tại Đupna, tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ về bệnh nội tiết nhi, con trai đầu của chúng tôi là Mạc Hà đã học hết lớp 2 tiểu học, và cháu Hùng cũng kết thúc lớp mẫu giáo. Cả 2 đều nói sõi tiếng Nga như trẻ con Nga.
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng

Anh Tứ có thói quen hay đọc, cứ thế, hễ ngồi vào bàn ăn anh lại chúi vào tờ báo, có lần bực quá vì thấy thói quen ấy có hại không hấp thu tốt thức ăn nên tôi lấy tờ báo cất đi, thế là anh lại cúi xuống đọc mấy dòng chữ ở tờ báo tôi đang lót trên bàn. Có lần cá không được tươi anh vẫn ăn không nói gì, các con tôi đều nói ba thực bất tri kỳ vị! Đối với anh ăn uống cực kỳ đơn giản, anh ghét các món rán, xào. Tôi làm nem rán, Anh bảo phí thế, cứ bầy các thứ lên bàn rồi mọi người tự cuốn lấy mà ăn, không cần rán cũng ngon. Anh thích nhất là món cà chấm mắm tôm. Anh bảo hồi nhỏ đi ở nhà trọ, trong mâm có nhiều món ngon, nhưng có đĩa cà với mắm là để gần nhất nên anh ăn nhiều thành quen. Tôi không muốn cho anh ăn thế, nên nói: “ Một chén cà bằng ba chén thuốc” anh cười to: “ Cà quí thế còn gì”.

Anh có thói quen hay ghi chép, đến những năm 80 sau này chúng tôi mới được UNICEP( quỹ nhi đồng thế giới) phổ biến cho cách làm biểu đồ cân nặng cho trẻ em để theo dõi phát triển của trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng. Nhưng anh Tứ thì đã làm việc đó cho các con từ những năm 60. Anh cân nặng, đo chiều cao của các con đều đặn hàng tháng rồi vẽ thành biểu đồ, để quan sát sự phát triển của chúng. Đến khi có cháu nội là Việt Khánh, anh cũng làm như vậy.

Cuối năm 1971, anh Tứ có lệnh ở nhà về công tác tại trường Đại học Tổng hợp – Hà nội. Anh được phân công làm phó hiệu trưởng và phó bí thư Đảng uỷ của trường. Công việc phòng thí nghiệm còn dở dang, đồng chí Xoloviop. Chef của anh muốn anh ở lại ít lâu để bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Nhưng anh từ chối để về ngay theo sự phân công ở nhà.

Năm 1974, anh được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Sau 3 tháng, anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng. Năm 1976 , anh Tứ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kiêm nhiệm thêm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt. Viện Hạt nhân ở Đà Lạt chưa có tầm vóc lớn và hiện đại nhưng thỏa mãn phần nào mong ước của nhà vật lý hạt nhân thực nghiệm: Có cơ sở để nghiên cứu. Suốt hai mươi năm gắn bó với ngành Vật lý nguyên tử, anh Tứ luôn mơ về một nhà máy điện nguyên tử để có thể giải quyết được vấn đề thiếu điện ở Việt Nam.

Anh Tứ còn rất mê thiên văn. Hồi nhỏ, có lần anh dùng ống nứa và mấy cái thấu kính, mắt kính cũ làm thành cái kính thiên văn. Ngày các con còn nhỏ, anh thường chỉ cho các con xem. Hè năm 1972, Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, anh cùng Mạc Hà đi sơ tán ở Hà Bắc. Anh mượn được của trường chiếc kính thiên văn, đêm đêm anh lại ra sau vườn ngắm sao. Có một điều anh ấp ủ từ lâu là chụp được hình ảnh của sao chổi Haley, một sao chổi định kỳ rất nổi tiếng. Năm 1996, mặc dù rất bận với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VIII, nhiều đêm, anh Tứ vẫn ngồi vẽ, tính toán cho một sự kiện: Sao chổi Halle-Bopp. Sắp tới, sao chổi này sẽ có thể dễ dàng quan sát được ở Hà Nội. Nhưng chưa kịp thực hiện, anh đã ra đi.
   
GS.Nguyễn Thu Nhân khi là sinh viên Bắc Kinh y học viện
GS.Nguyễn Thu Nhạn khi là sinh viên Bắc Kinh y học viện

Sau ngày giải phóng Miền Nam, đất nước lập lại hoà bình, gia đình tôi sống yên vui trong 2 căn phòng tầng 4 nhà 18 Kim Liên. Cho đến năm 1978, tôi đón ba má ra thăm miền Bắc, thăm Hà Nội, viếng lăng Bác, đồng bào vô cùng sung sướng và hãnh diện, có điều ông cứ băn khoăn, nói chưa thấy một Bộ trưởng nào trên thế giới như vậy! Nhà chúng tôi có 2 buồng, 1 phòng khách với bộ bàn ghế và 2 giá sách, 1 buồng ngủ có 1 giường đôi cho chúng tôi và 2 giường con cho 2 cháu. Khi ông bà ra, chúng tôi để giường đón ông bà nằm, vợ chồng tôi trải chiếu nằm dưới sàn nhà. Hằng ngày ăn sáng xong, anh đi làm và mang theo 1 cặp lồng cơm để ăn trưa, buổi trưa nghỉ tại cơ quan, anh nằm ngay trên bàn làm việc để chiều làm việc luôn. Thực ra hồi đó hầu hết cán bộ cơ quan đều sinh hoạt thế cả. Nhưng ông cụ là một quan chức từ thời Pháp thuộc, một mình làm nuôi cả nhà, có cơm bưng nước rót đàng hoàng, tuy ông chỉ là một thầy thông sở bưu diện. Thế mà anh Tứ, Bộ trưởng nhà tôi lại có cuộc sống quá đơn giản
Mãi 5 năm sau, một ngày tết, bác Phạm Văn Đồng đến thăm chúng tôi, nhà tôi lúc đó đun than tổ ong, bếp lại bố trí ngay trước khi vào nhà, bà cụ giúp việc thổi mãi lửa không đỏ mà chỉ thấy khói bay mù mịt, bác không thể vào nhà được. Từ đó TW có quyết định xây nhà cho một số cán bộ cao cấp của Đảng. Nhà xây xong với 400 mét vuông có vườn rào chung quanh rất đẹp, nhưng anh không dám đến ở. Chiều nào cứ đến giờ cơm tối thì đồng chí Đống của Ban TCTW lại đến nhắc chúng tôi, giục chúng tôi dọn nhà! Anh nhất định không đi, cứ xin thêm 2 phòng nữa ở cạnh tầng 4 cũng được. Cuối cùng anh nói hãy bố trí cho đồng chí nào lão thành trước anh rồi anh mới nhận, vì thấy mình còn trẻ chưa xứng đáng. Nhưng các đồng chí tổ chức nói, đây là ý kiến Bác Tô, phải có nhà cho anh Tứ ở.

Chúng tôi đến ở ngôi nhà có tên là biệt thự A2-khu Trung Tự - Đống Đa – Hà Nội cho đến khi anh ra đi vĩnh viễn không trở về. Trong ngôi nhà A2 khu biệt Trung Tự này, chúng tôi đã có những ngày sum vầy, hạnh phúc vô cùng. Anh Tứ rất yêu thích khu vườn ở sau nhà, đi đâu anh cũng mang về đủ thứ cây, đủ loại hoa. Cái vườn thì nhỏ bé mà cây thì trồng chi chít nên anh gọi đùa là "rừng nhiệt đới". Anh hết sức chăm chút vườn cây tuy công việc bộn bề, anh lúc đó là Bộ truởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Làm sao để thống nhất được nền giáo dục của 2 miền Nam Bắc nước ta là trung tâm suy tư của anh. Anh đề xướng ra đào tạo trên đại học, phong học hàm, học vị, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở trong nước, từ đó ngày nay ta đã có hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam mà không phải đi ra nước ngoài như trước đây. Tất nhiên hệ thống giáo dục của nước ta còn khá nhiều việc cần phải làm, những công việc này đang còn dở dang thì anh đã ra đi.    
Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ
Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ

Tôi còn nhớ có lần đi công tác nước ngoài anh Tứ mua về mấy cái đĩa và cho tôi cái gối. Mỗi lần gia đình tổ chức giỗ chạp, liên hoan thì bảo các cháu, các em nhớ mang theo bát ăn và nhà tôi không có đủ bát cho chừng ấy người. Chúng tôi tuy là những cán bộ cao cấp của nhà nước, nhưng trong sinh hoạt gia đình thì rất giản dị, như những cán bộ bình thường, cơm cá rau dưa là những món ăn thường ngày của gia đình.

Năm 1991 chúng tôi cưới vợ cho Hùng, con thứ 2 của chúng tôi. Một năm sau cháu nội là Việt Khánh ra đời. Anh Tứ vui mừng khôn xiết, ngày cháu càng lớn lên hai ông cháu càng thân thiết nhau hơn. Ông hàng ngày đi làm về lại dắt cháu ra vườn tưới cây, xem hoa, ông là nhà khoa học, quan sát cả những lá cây, quy luật mọc của chúng rồi vẽ ra cho cháu Khánh xem, ông vừa giải trí, vừa chơi, nhưng cũng tập cho cháu thói quen quan sát sự vật và quy luật phát triển của chúng. Cháu vô cùng yêu thích ông, hôm ông ốm, các Bác sĩ đưa ông đi bệnh viện cháu chạy theo hỏi ông đi đâu? Ông trả lời ông đi một lát rồi ông về, nào ngờ đâu đó là lời chào lần cuối cùng của ông với cháu Khánh!

Ngày 28/6/1996, sau một tai biến bất thường, anh Tứ đã đột ngột từ trần. 16 năm là một thời gian quá dài….nhưng sao mà lại quá ngắn đối với tôi. Những hồi ức này xin gửi đến hương hồn anh, một nơi xa xăm nào đó trong vũ trụ bao la mà anh rất say mê!
Hiếu Nguyễn (ghi)