(GD&TĐ) - Ở địa bàn vùng cao đầy khó khăn, trên 80% số học sinh thuộc hộ nghèo; để có cơ sở vật chất khang trang, có được chất lượng giáo dục nằm trong tốp đầu của huyện, cô và trò Trường Tiểu học Châu Hội 1 (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã nỗ lực rất nhiều, trong đó phải kể đến người “đứng mũi chịu sào” Nguyễn Thị Minh Huyền.
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là công nhân Lâm trường Quỳ Châu, từ nhỏ, Nguyễn Thị Minh Huyền đã gắn bó với cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao; thấm thía với những gian nan, vất vả của học sinh người dân tộc ít người. Ước mơ trở thành cô giáo để dạy dỗ, giúp đỡ những học sinh nghèo trong bản, trong làng đã trở thành động lực để Minh Huyền vươn lên trong học tập.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Miền núi Nghệ An. Năm 1989, tốt nghiệp ra trường, cô được điều về dạy học tại Trường Tiểu học Châu Bình 1. Với những đóng góp của mình, chỉ sau hai năm, cô được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng Trường này.
Năm 2003, cô Minh Huyền được chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 4. Làm công tác quản lý một trường vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn, cô xác định việc cần làm ngay là xốc lại tinh thần cho đội ngũ giáo viên, khơi dậy trong họ niềm đam mê, tâm huyết với nghề.
Các phong trào thi đua được phát động, cơ chế kích cầu trong hoạt động giáo dục được xây dựng. Cùng với đó, Hiệu trưởng gương mẫu, đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy để đồng nghiệp học hỏi; tiên phong trong vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các đoàn thể, Ban Đại diện cha mẹ học sinh… Nhờ đó, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Châu Bình 4 ngày được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn.
Năm 2007, theo sự điều động của huyện, cô đến nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội 1. Tiếp quản công tác quản lý trong khi nhà trường còn bộn bề khó khăn: cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên chưa thực sự chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học; học sinh vẫn còn bỏ học nhiều, chất lượng giáo dục chưa cao, nhất là ở các điểm trường lẻ.
Học hỏi các mô hình tiên tiến trên địa bàn huyện, cộng với những kinh nghiệm trong gần 20 năm công tác đã giúp cô Minh Huyền thành công trong việc xây dựng Trường Tiểu học Châu Hội 1 đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2010.
Cô chia sẻ: “Đặc thù của trường là có nhiều điểm lẻ, đời sống người dân còn nghèo nên rất khó khăn trong việc huy động xã hội hóa giáo dục. Vượt qua những trở ngại đó, lãnh đạo nhà trường vận động giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, với trường, với học sinh bằng các hoạt động thiết thực như nhận đỡ đầu học sinh nghèo, tự làm đồ dùng dạy học, tình nguyện dạy phụ đạo học sinh không nhận tiền thù lao…. Không thể huy động xã hội hóa giáo dục bằng tiền, nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp công sức lao động; đóng góp nguyên vật liệu hoặc sản phẩm của gia đình sản xuất được...
Đối với các điểm lẻ, nhà trường cử những giáo viên tâm huyết, giỏi chuyên môn phụ trách; vận động giáo viên đóng góp tiền tổ chức nấu cơm trưa cho học sinh để duy trì sỹ số,…
Không những cố gắng trong quản lý, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền còn tìm tòi, viết sáng kiến kinh nghiệm. Cô đã có 02 sáng kiến kinh nghiệm “Nâng cao chất lượng đội ngũ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia” và “Huy động xã hội hóa giáo dục ở địa phương vùng khó” được các cơ quan quản lý giáo dục xếp hạng. Những sáng kiến kinh nghiệm đó của cô đã trở thành bài học để các trường học thuộc địa bàn vùng khó áp dụng.
Dưới sự chèo lái của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền, Trường Tiểu học Châu Hội 1 không những trở thành điểm sáng của giáo dục huyện Quỳ Châu mà còn là địa chỉ tin cậy của giáo dục Nghệ An. Với những đóng góp đó, năm 2011, cô giáo Minh Huyền vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.
Đức Phúc