Hiệu quả từ chương trình dạy tiếng Ê Đê trong trường học

Hiệu quả từ chương trình dạy tiếng Ê Đê trong trường học

Để giúp học sinh biết cách gìn giữ những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, đặc biệt là chữ viết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa việc dạy tiếng Êđê vào dạy ở các trường học như một môn học chính thức. Qua nhiều năm giảng dạy đã phần nào cho thấy được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của môn học này trong việc giáo dục học sinh.

HS trường Tiểu học Y Jút trong giờ học tiếng Ê Đê
HS trường Tiểu học Y Jút trong giờ học tiếng Ê Đê

Tại Trường Tiểu học Y Jút, trong tiết dạy tiếng Êđê, không khí học tập của các em học sinh lớp 5A rất sôi nổi, ai nấy đều trở nên mạnh dạn hơn. Theo cô giáo HĐớk - người đã gắn bó với lớp nhiều năm nay và cũng là người duy nhất đảm nhiệm vai trò dạy tiếng Êđê cho học sinh trong trường thì qua 3 năm học, đến nay các em trong lớp đã biết viết và biết làm những bài tập làm văn bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Điều mà trước đây các em chỉ phát âm được mà không hề biết đến mặt chữ là thế nào. Từ năm 2006, nhà trường đã đưa chương trình dạy tiếng Êđê vào giảng dạy ở 3 khối lớp 3, 4 và khối lớp 5. Bình quân mỗi tuần các em được học một tiết.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên thì môn học này đã thật sự lôi cuốn học sinh và là tiết học mong đợi của các em mỗi tuần. Cô giáo HĐớk cho biết: “Hình thức dạy môn học này cũng tương tự như dạy môn Tiếng Việt cho các em. Nội dung học bao gồm các phần như: học âm vần, luyện từ và câu, viết chính tả, làm văn. Vì các em chỉ biết nói mà không biết viết nên đây cũng có thể coi như một môn “ngoại ngữ”.

Chính vì vậy, việc dạy chữ bước đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em hay lẫn lộn giữa chữ viết tiếng mẹ đẻ với tiếng phổ thông, phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa và giúp các em biết cách phân biệt. Có lẽ do được giao tiếp bằng ngôn ngữ quen thuộc nên các em cảm thấy gần gũi, rất mạnh dạn và chủ động trong giờ học. Tỷ lệ học sinh học môn học này hàng năm đạt loại khá, giỏi tương đối cao”. Không những vậy, việc học tiếng mẹ đẻ đã hỗ trợ đắc lực cho các em trong việc học tập các môn học khác, đặc biệt là môn tiếng Việt.

Thông qua môn học tiếng Êđê, các em có thể hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học của các môn học khác. Nhiều khi giáo viên giảng bài bằng tiếng Việt, nhiều em không kịp hiểu, nhưng nếu giảng bằng tiếng mẹ đẻ thì vấn đề sẽ đơn giản hơn. Đây cũng là cách mà giáo viên dạy tiếng Êđê và các giáo viên bộ môn khác thường hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy.

Để khuyến khích và động viên học sinh, kết thúc mỗi học kỳ, nhà trường luôn có những hình thức khen ngợi và trao phần thưởng cho những em học giỏi môn học này. Vì thế, môn học tiếng Êđê ngày càng thu hút được sự quan tâm của các em.

Cô giáo Hà Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút cho biết: “Việc dạy tiếng mẹ đẻ cho các em không chỉ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy các môn học khác, mà còn hạn chế được tối đa tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò, cũng như hiện tượng bỏ học của nhiều học sinh. Thông qua môn học này còn giúp các em biết quý trọng và có ý thức lưu giữ chữ viết của ông cha mình cũng như những giá trị văn hóa khác của dân tộc”.

Tại Trường Tiểu học Hà Huy Tập, theo cô giáo HGen - người đảm nhiệm dạy bộ môn tiếng Êđê. Theo thì bên cạnh việc dạy chữ viết, giáo viên còn có điều kiện lồng ghép tuyên truyền những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Ê Đê, giúp các em hiểu được đâu là những giá trị cần phải lưu giữ, đâu là những hủ tục cần phải loại bỏ. Việc dạy tiếng mẹ đẻ cũng là một trong những hình thức giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập. Qua mỗi tiết dạy tiếng Êđê, các em đều trở nên mạnh dạn và hăng say phát biểu, bày tỏ ý kiến của mình hơn, dần hình thành thói quen tốt ở các môn học khác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Giáo dụcvà Đào tạo huyện Chư Jút thì việc dạy tiếng Êđê mang lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện chỉ có hai giáo viên được đào tạo chuyên môn nên mới triển khai được ở hai trường tiểu học có đông học sinh dân tộc Êđê nhất là hai trường Hà Huy Tập và Y Jút. Cũng do ít giáo viên nên cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm rất hạn chế. Thực tế cho thấy, việc dạy tiếng Êđê trong trường học đã phần nào phát huy được vai trò, tác dụng trong việc nâng cao chất lượng học tập cũng như quá trình hình thành nhân cách cho học sinh.

Nguyễn Hiền