Năm học 2009 - 2010, toàn huyện có 909 lớp học ở các bậc học: mầm non, tiểu học và THCS, với trên 16 nghìn học sinh; trong đó gần 4.700 học sinh tiểu học và THCS ở nội trú dân nuôi. Đây là số lượng học sinh nội trú đông nhất từ trước đến nay ở một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, điều đó khẳng định ý thức, tư tưởng tiến bộ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc cho con học cái chữ mang về với bản với làng, nhiều trường THCS, số học sinh nội trú vượt trên 400 học sinh, như trường THCS Nà Khoa 495 học sinh, trường trung học cơ sở Nậm Kè 427 học sinh; trường trung học cơ sở Nà Bủng 424 học sinh...những năm gần đây nhu cầu học nội trú tăng, việc giải quyết chỗ ăn chỗ ở cho học sinh của huyện gặp nhiều khó khăn, thông qua các tổ chức từ thiện và nguồn vốn địa phương, năm học 2009 - 2010 toàn huyện có 70 phòng nội trú kiên cố; 16 phòng bán kiên cố và 470 phòng ở tạm bằng gianh, tre nứa lá.
Nhà nội trú dân nuôi của HS tiểu học Nà Khoa - Mường Nhé |
Đến thăm Trường Tiểu học xã Nậm Vì nhà trường có 14 phòng học chủ yếu là phòng học tạm bằng tre, nứa hiện hữu giữ núi non trùng điệp, đơn sơ, đón khách, thầy hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy trường mới được chia tách từ trường tiểu học Mường Nhé nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm, ở đây bà con dân bản ai cũng quý cái chữ, mong muốn cho con mình được đi học. năm học này, trường có 24 lớp ở 5 điểm bản, với 419 học sinh. Các điểm bản: Vang Hổ, Cây Sổ, Huổi Hạ cách trường gần 10 km, có 52 học sinh nội trú dân nuôi, hầu hết học sinh nội trú đều có hoàn cảnh khó khăn, việc chuẩn bị đủ gạo cho con lúc đến trường vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Trong khu nội trú, nhiều gia đình có 2 - 3 anh em cùng học nội trú, đứa lớn trông đứa bé, bảo ban học tập và tắm giặt, nấu ăn. Xa gia đình, thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ nhưng em nào cũng có ý thức tu dưỡng đạo đức và rèn luyện vươn lên, chúng tôi thực sự cảm động khi chứng kiến cuộc sống nội trú của hàng trăm học sinh là con em đồng bào các dân tộc, chụm đầu bên nhau trong căn phòng tạm, vách nứa đơn sơ, với những chiếc giường đan bằng các tấm nứa bên nhau học tập, Nhiều em nhỏ mới bước vào lớp 1, lớp 2 đã phải xa bố, mẹ theo các anh, chị đi học nội trú. Cuộc sống nội trú ở trường rèn luyện nên tính tự lập ở các em cũng cao, mới 6 - 7 tuổi, các em đã tự nấu cơm, tự tắm giặt tự đảm bảo công việc học hành.
Để đảm bảo cho học sinh nội trú, Đảng bộ, Chinh quyền huyện, đặc biệt quan tâm chú trọng, chỉ đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện đảm bảo sĩ số học sinh, có kế hoạch phân công các trường luân phiên giáo viên, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các em việc ăn, ngủ, sinh hoạt và học tập; động viên khích lệ tinh thần vượt khó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chi trả kịp thời chế độ, theo Quyết định 112/2007 của Thủ tướng Chính phủ, giảm bớt những khó khăn, tạo tâm lý phấn khởi cho học sinh nội trú dân nuôi được đến trường và duy trì số buổi học trên lớp.
Mô hình nội trú dân nuôi ở huyện Mường nhé đang được phát huy hiệu quả không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn có tác động xã hội to lớn trong việc làm thay đổi nhận thức đồng bào các dân tộc thiểu số về công tác Giáo dục - Đào tạo ở miền núi vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, mô hình này cũng gặp không ít khó khăn như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, việc tổ chức quản trú chăm sóc đời sống cho con em học sinh gặp không ít khó khăn, nhân viên phục vụ thiếu, không có biên chế, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm...trong thời gian tới để mô hình nội trú dân nuôi phát huy hiệu quả hơn cần sự quan tâm của chính quyền và nhân dân trong huyện, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các điểm trường nội trú dân nuôi tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đến trường yên tâm học tập.
Xin trích lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị về trường PTDT nội trú dân nuôi được tổ chức tại Điện Biên ngày 11/ 7/2009 “Mô hình học sinh nội trú dân nuôi là một trong những sáng tạo rất có ý nghĩa, cần nhân rộng và tập trung làm tốt để nuôi dưỡng những ước mơ tri thức cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn”./.
Đinh Văn Hưng (VP Đoàn ĐBQH&HĐND Điện Biên)