Hạnh phúc khi được làm công việc mơ ước

Hạnh phúc khi được làm công việc mơ ước

(GD&TĐ) - “Nhiều người cho rằng nghề giáo là nghề nhàn nhã nhưng có mấy ai thấu, sự thật nghề giáo vất vả và trách nhiệm lớn đến như thế nào. Không chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh” – đó là những chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, giáo viên Trường tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội.

Hạnh phúc khi làm công việc mình mơ ước

Như một cơ duyên, đang là sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Hà Nội, một lần tình cờ đưa em họ đi khai giảng, nhìn thấy ai cũng có bố mẹ đưa đến trường, Vân thấy thương em họ quá. Bố mẹ em mất trong một tai nạn giao thông, trở thành người chị thường xuyên chăm sóc, dạy học cho em, Vân hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi khi em vẫn cứ bám riết lấy Vân không muốn vào lớp. 

Như hiểu được tâm lý của các bạn nhỏ, các cô giáo lớp 1 đã đón các em bằng ánh mắt yêu thương, sự chỉ bảo ân cần. Và hình ảnh ấy mãi in đậm trong tâm trí Vân. Thế rồi Vân quyết định theo đuổi ngành sư phạm.

Hạnh phúc khi được làm công việc mơ ước ảnh 1
Cô giáo Phạm Thị Hồng Vân

Năm ấy Vân quyết định thi vào khoa tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Cô trở thành sinh viên xuất sắc nhất của khóa 1998 - 2002. Tốt nghiệp loại ưu, Vân xin vào phụ lớp ở Trường tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội. Được mọi người quý mến cùng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, năm 2008, Vân chính thức vào biên chế của ngành giáo dục.

Cô giáo Vân chia sẻ: Những ngày đầu lên lớp, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác hồi họp. Đứng trên bục giảng nhìn xuống các em, tôi như được sống lại cảm giác thời học sinh, tôi nhận ra được những giá trị của cuộc sống sau mỗi bài giảng, mỗi lần trao đổi cùng các em. Thật hạnh phúc khi được làm công việc mà mình mơ ước. Tôi lấy đó làm động lực để phấn đấu nhiều hơn và quyết định gắn bó với nghề giáo suốt đời.

Trăn trở với những trang vở học sinh

Sau nhiều dạy học cho trẻ lớp 1, điều cô trăn trở nhất là rèn cho học sinh tính cẩn thận, uốn nắn chữ viết, sử dụng tiếng Việt chuẩn xác, trong sáng, cô đã tận tụy, miệt mài rèn luyện, uốn nắn chữ viết cho các em học sinh từ những nét chữ đầu tiên.

Cô tâm sự: Nét chữ đẹp sẽ giúp các em rất nhiều trong quá trình học tập. Và điều quan trọng hơn, trong quá trình rèn viết chữ đẹp sẽ hình thành cho các em thái độ tôn trọng việc học, tính kỷ luật, cẩn thận, nhẫn nại, đó là những tố chất rất cần thiết không chỉ giúp các em học tập tốt mà còn góp phần tạo nên tính nết con người. 

Với trẻ mới vào lớp một,  một môi trường học tập khác hẳn mầm non, cô giáo phải rất sát sao quan tâm tới các em. Để rèn trẻ vào nếp, phải tuân thủ kỷ luật học tập, ngồi yên trong một tư thế gò bó, khó chịu ít nhất là 30 - 35 phút, phải thực hiện các yêu cầu khác như học bài, làm bài tập... nếu cô giáo không tâm lý trẻ sẽ rất chán. Cô thường chuẩn bị rất nhiều quà nho nhỏ để khuyến khích các em.

Thường những tuần đầu tiên, trẻ rất háo hức đến trường vì thay đổi không khí, trường đẹp, cô giáo mới, được ăn mặc đẹp... Nhưng sau đó trẻ bắt đầu cảm thấy khó khăn. Cái khó lớn nhất chính là việc tuân thủ các nề nếp học tập. Đó là bé sẽ phải dậy sớm, đi học đúng giờ, làm bài tập về nhà, chuẩn bị sách vở, đồ dùng cho buổi học sau, phải lắng nghe cô dặn dò, thuộc nội quy của lớp học..., đặc biệt là quá trình tập viết. Phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái nhất khi đến lớp.

Và hạnh phúc bình dị

Nhiều người cho rằng nghề giáo là nghề nhàn nhã nhưng có mấy ai thấu, sự thật nghề giáo vất vả và trách nhiệm lớn đến như thế nào. Không chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn là giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Gian nan nhất phải kể đến những học sinh tự kỉ, chậm phát triển, tăng động... cô giáo rất vất vả. 

Hạnh phúc khi được làm công việc mơ ước ảnh 2
Cô giáo Vân đang dạy học sinh lớp 1 tập viết  Ảnh: Lê Đăng

Những học sinh ấy nếu được gia đình quan tâm thì cô giáo đỡ vất vả. Những trường phụ huynh không thông cảm, còn trách các cô không sát sao thì khi đó phải tìm mọi cách để gia đình phụ huynh hiểu. Luôn là người bạn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những tâm sự, giãi bày những khó khăn vướng mắc của phụ huynh và học sinh.

Tự nhận là nghề làm dâu trăm họ, cô cũng biết không thể nào đòi hỏi tất cả phụ huynh các trẻ hiểu hết cho mình được. Có những lúc thấy buồn, thấy thật mệt mỏi, nhưng cô không vì thế mà chán nghề. Vì trong cô tình yêu thương con trẻ, vì nhiệt huyết, với nghề quá lớn. Đối với người giáo viên, nhân cách là quan trọng nhất, tác động trực tiếp đến đối tượng học sinh”, cô tâm sự.

Hạnh phúc của cô là những món quà học sinh tự làm tặng nhân ngày 20 - 11, những thành tích mà học sinh đạt được. Đôi khi chỉ là những tin nhắn chúc mừng và luôn kèm một lời cảm ơn của những phụ huynh có con đã ra trường cách đây mấy năm. Như vậy thôi đã đủ làm lòng cô cảm thấy lòng ấm áp. 

Cô biết trong sâu thẳm trái tim phụ huynh luôn nhớ về cô và dành những tình cảm đặc biệt cho mái trường này.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A nhận xét: Vân là một cô giáo giàu lòng nhân ái, năng động, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảng dạy cũng như học trò, có năng lực về chuyên môn vững vàng, tinh thần cầu tiến, và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trịnh Huyền