Hai gương mặt thủ khoa gốc Việt tại Mỹ

Hai gương mặt thủ khoa gốc Việt tại Mỹ


Nữ thủ khoa với ước mơ thuốc chữa bệnh cho người nghèo

Gương mặt thứ nhất là Amy Lê. Cô gái 17 tuổi này tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Edison, thành phố Huntington Beach, California, với số điểm 5,2.

Amy Lê
Amy Lê

Amy Lê là người ham thích đọc sách. Từ khi còn bé, cô bé Amy Lê đã luôn được những bạn bè đánh giá cao về thành tích học tập. Trong suốt những năm ở trung học, năm học nào Amy Lê cũng đạt điểm 4,6 trở lên. Em rất thích những môn toán, vật lý và văn học. Ngoài học ở nhà trường, Amy Lê còn tham gia những sinh hoạt cộng đồng.

“Ở thành phố Huntington Beach có Ban dịch vụ cộng đồng (community service department), em làm tình nguyện ở đấy”, Amy Lê cho biết. Rất tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, Amy Lê đã tham gia quyên tiền ủng hộ những nạn nhân của trận bão Katrina, và trận động đất ở Haiti…

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Amy Lê 6 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có cả Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) “mời mọc” đón nhận và cấp học bổng, nhưng Amy Lê đã chọn ghi danh vào học ngành Y khoa và công nghệ Sinh học (Bio Medical) tại Ðại Học UCI gần nhà vì một lý do muốn: “gần mẹ để săn sóc mẹ”.

Tuy sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng vốn tiếng Việt của Amy Lê rất khá. Có được điều này vì em đã theo học các lớp Việt ngữ tại chùa từ nhiều năm nay. Amy Lê cũng biết nhiều về lịch sử của quê nhà.

Cô thủ khoa gốc Việt này “biết chắc” mình sẽ trở thành người làm việc trong ngành Y tế.

Theo Amy Lê, ở Mỹ, hầu như bệnh gì cũng đều có thuốc để chữa. Nhưng vấn đề lớn nhất là người ta chế được các thứ thuốc, nhưng lại quá đắt. Vì vậy, Amy Lê quyết tâm sẽ theo nghề Y-Dược để bào chế ra những thứ thuốc rẻ hơn, giúp cho nhiều người dân ở Việt Nam và những nước nghèo mua được thuốc chữa bệnh.

Thủ khoa được bầu làm Thượng Nghị sĩ Trẻ

Thủ khoa gốc Việt tiếp theo là em Jenny Lê, trường trung học Clear Lake, thành phố Houston, bang Texas. Cũng giống như Amy Lê, từ nhỏ, cô bé Jenny Lê đã rất mê đọc sách, nhất là sách lịch sử. Vì vậy, khi đến trường, Jenny Lê là người có nhiều kiến thức về môn này.

Jenny Lê
Jenny Lê

Những kiến thức về lịch sử không chỉ giúp Jenny Lê trong học tập, mà còn khiến em tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Em thường xuyên được cử làm đại diện trường trung học Clear Lake đi tham dự những cuộc tranh luận hằng tuần với các trường khác.  Đây là những hoạt động do Liên đoàn Tư pháp quốc gia (National Forensic League) tổ chức. Trong những cuộc tranh luận, Jenny Lê vừa là diễn giả một mình phát biểu trước cử tọa, vừa tham gia cuộc tranh luận với những học sinh khác.

Với những khả năng xuất sắc của mình, trong năm học vừa qua, Jenny Lê được bầu là một trong hai Thượng Nghị sĩ Trẻ đại diện cho học sinh của bang Texas tham gia vào Chương trình Thượng Nghị viện Trẻ nước Mỹ (US Senate Youth Program). Chương trình này được thành lập từ năm 1962, được chính Thượng Viện Mỹ đỡ đầu. Để được tham gia chương trình Chương trình Thượng Nghị viện Trẻ này, các học sinh phải trải qua quá trình cạnh tranh rất gay gắt.

Tháng 3/2010, Jenny Lê cùng 104 học sinh đại diện hơn 50 tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã đến thủ đô Washingon tham gia chương trình này. Kể lại một số kinh nghiệm trong một tuần lễ tham gia chương trình, Jenny Lê cho biết: "học sinh chúng em được nói chuyện vói ông Tổng thống Obama và rất nhiều người khác như bà Thẩm phán Sotomayor của Tối Cao Pháp Viện (Supreme Court), nên được học rất nhiều về chính trị”.

Ngoài ra, Jenny Lê còn tham gia vào các hoạt động gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ở Mỹ. Jenny Lê đã theo học tiếng Việt vào cuối tuần trong suốt 11 năm qua. Em cũng đọc nhiều sách lịch sử Việt Nam, chủ yếu là lịch sử dân tộc trong những thời kỳ xa xưa.

Sau khi trở thành thủ khoa của trường trung học Clear Lake năm học 2009 -2010, Jenny Lê đã được nhận học bổng 53 ngàn USD/năm của trường đại học Harvard để theo học cử nhân Luật trong 4 năm tại đại học lừng danh này. Jenny Lê cho biết, ngoài ngành luật, em dự tính sẽ học về kinh tế hoặc chính trị trong 4 năm đầu tại đại học Harvard. Còn về tương lai xa hơn, Jenny Lê muốn làm việc trong ngành ngoại giao cho chính phủ Mỹ.

 Sao Biển (Theo báo chí Mỹ)