GS. Nguyễn Đình Tứ - Nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ

GS. Nguyễn Đình Tứ - Nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ

(GD&TĐ) - GS.TS. Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1/10/1932, trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Nguyên Xá, xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Truyền thống gia đình, truyền thống quê hương đã hun đúc nên nhân cách Nguyễn Đình Tứ - một nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị tài năng, đức độ của nước ta.

> Như một áng sao bay!

>Nguyễn Đình Tứ: Một trí thức gương mẫu

>Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (phần 1)

>Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)

Từ một học sinh xuất sắc

Là con trai thứ 2 trong gia đình 9 người con, từ nhỏ giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã bộc lộ những thiên tư bẩm sinh, nổi tiếng là một học trò giỏi. Khi còn là học sinh, ông đã tự tạo ra kính viễn vọng để quan sát các ngôi sao, thỏa mãn niềm đam mê khoa học. Khi học năm thứ nhất tại Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Đức Thọ-Hà Tĩnh), Nguyễn Đình Tứ đã tự học hết chương trình năm thứ hai và được nhà trường cho lên thẳng năm thứ 3, rồi trở thành thủ khoa. Kết thúc năm học, ông được chi bộ nhà trường kết nạp vào Đảng khi mới 17 tuổi.

Những ngày tháng học tập tại Trường dự bị đại học Khoa học cơ bản ở Tâm Hư- Nam Ninh (Trung Quốc), Nguyễn Đình Tứ luôn là học sinh xuất sắc. Sau khi được phân công vào học trường Đại học Thủy Lợi ở Vũ Hán, Nguyễn Đình Tứ đã hoàn thành 4 năm học chỉ trong 2 năm.

Ngay sau khi tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Vũ Hán- Trung Quốc, Nguyễn Đình Tứ được Chính phủ cử làm trưởng đoàn, cùng giáo sư Dương Trọng Bái, giáo sư Hoàng Phương làm cộng tác viên tại Viện Liên Hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna (Liên Xô). Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động khoa học của giáo sư Nguyễn Đình Tứ.

Đến nhà khoa học có uy tín quốc tế

GS Nguyễn Đình Tứ
GS Nguyễn Đình Tứ

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ là một trong nhóm các nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam tham gia nghiên cứu lĩnh vực Vật lý hạt nhân ở Viện Liên Hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna. Chính thời gian làm việc ở đây đã khẳng định tên tuổi nhà vật lý Việt Nam tài năng, có uy tín khoa học tầm cỡ quốc tế.

Từ tháng 8/1957, giáo sư Nguyễn Đình Tứ trở thành cộng tác viên khoa học trẻ của Phòng thí nghiệm năng lượng cao. Tại đây, dưới sự hướng dẫn và lãnh đạo của Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Tứ đã cùng với các nhà khoa học của các nước XHCN khác tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị về vật lý hạt cơ bản.

Ở tuổi 28, nhà vật lý Nguyễn Đình Tứ đã thay mặt nhóm phát minh, trực tiếp báo cáo tại diễn đàn Hội nghị khoa học quốc tế ở các nước Tây Âu các kết quả phát minh “Phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây về sự tạo thành phản hạt hyperon sigma âm. Năm 1961, ngay sau khi công bố công trình, giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Viện Liên Hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna.

Năm 1962, tập hợp các công trình nghiên cứu trong 5 năm ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đúpna (Liên Xô) Nguyễn Đình Tứ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý và tiến sĩ ngành Vật Lý hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1968, giáo sư Nguyễn Đình Tứ được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế.  Năm 2000, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng phần thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh cho giáo sư Nguyễn Đình Tứ về: "Cụm công trình  phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao".

Tháng 7/1971, giáo sư Nguyễn Đình Tứ trở về nước. Với bề dày kinh nghiệm và một kho tàng kiến thức phong phú trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, giáo sư trở thành một trong những nhà lãnh đạo khoa học hàng đầu của nước ta và được Chính phủ giao trọng trách là Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên Tử Quốc gia.

...và nhà quản lý  tài ba

Tháng 7/1971, giáo sư Nguyễn Đình Tứ về nước và được cử đảm nhận trách nhiệm Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Bí thư đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông đã đặc biệt quan tâm phát triển cơ cấu ngành học, chương trình, giáo trình cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng điều kiện cơ sở vật chất để phát triển nhà trường. Ông cũng là người chủ trì đề án trình Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp mở thêm một số ngành học mới, thành lập một số khoa mới đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội.

Từ năm 1976 đến năm 1986, giáo sư Nguyễn Đình Tứ lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên cương vị của mình, giáo sư Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự đã đưa ngành giáo dục đào tạo đi những bước táo bạo như: sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất trong cả nước; mở 3 trường dự bị đại học để tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các đối tượng chính sách, dân tộc miền núi; thành lập tại các tỉnh trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp (nông nghiệp, công nghiệp, y tế, sư phạm, văn hoá) để đào tạo lực lượng  lao động tại chỗ cho địa phương; hệ thống đào tạo tại chức - tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên ra đời.

Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng
Vợ chồng GS.Nguyễn Đình Tứ với cái Tết cuối cùng

Bằng việc triển khai hàng loạt các chủ trương lớn, ngành đào tạo đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam đã có một diện mạo mới như tiến hành đào tạo sau đại học, phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ở trong nước; áp dụng công nghệ thông tin và công cụ hiện đại để tổ chức tuyển sinh; cử chuyên gia Việt Nam ra nước ngoài làm việc; chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống... Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng đến chất lượng đào tạo với việc phát động các phong trào dạy tốt - học tốt; cải tiến chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy; thi đua xây dựng mô hình trường tiên tiến...

Cùng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, giáo sư Nguyễn Đình Tứ còn là một nhà chính trị có uy tín, một cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1976, ông được bầu vào Quốc hội; vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; được bầu vào  Ban Bí thư Trung ương, Bộ Chính trị. Trên các cương vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục-đào tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.