Giảm áp lực cho GV tiếng Anh khi tham gia thi khảo sát năng lực

GD&TĐ - Không ít giáo viên tiếng Anh khá e ngại tham gia vào chương trình bồi dưỡng để đạt đến trình độ B2 của khung tham chiếu ngôn ngữ Châu Âu. Tuy nhiên với cách làm sáng tạo của Sở GD&ĐT Bình Định, nhiều giáo viên đã giảm bớt được áp lực trong quá trình này.

Một giờ học Ngoại ngữ tại Trường THPT số 1 Phù Mỹ, Bình Định
Một giờ học Ngoại ngữ tại Trường THPT số 1 Phù Mỹ, Bình Định

Theo ông Trần Văn Cơ - Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bình Định), thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, ngay từ năm 2008, ngành GD-ĐT Bình Định đã tập trung triển khai công tác đào tạo cho đội ngũ giáo viên.

Trong các năm qua Sở GD&ĐT Bình Định đã cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tổ chức. Đồng thời cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở GD&ĐT phối hợp với trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Nhờ công tác bồi dưỡng giáo viên được thực hiện quyết liệt, số giáo viên đạt chuẩn năng lực ở Bình Định không ngừng tăng.

Năm 2013, theo kết quả thi khảo sát năng lực và kết quả khảo sát năng lực cuối khóa bồi dưỡng tại Bình Định, toàn tỉnh có 588/1169 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đạt tỷ lệ 49,16%.

Trong năm 2014, theo kết quả thi khảo sát năng lực và kết quả khảo sát năng lực cuối khóa, kết quả thi tự do của giáo viên tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế, toàn tỉnh có 816/1266 giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ông Trần Văn Cơ cho biết: Để đạt được kết quả trên đây, nhiều giáo viên đã phải tự ôn luyện và thi lại nhiều lần. Sở GD&ĐT Bình Định chỉ đạo các trường không được kiểm điểm, phê bình, cắt các danh hiệu thi đua của giáo viên nếu giáo viên tham gia thi khảo sát năng lực chưa đạt yêu cầu, mà phải tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự ôn luyện để thi lại lần sau.

“Khi triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, trước tiên, chúng tôi đã chú trọng vào nguồn nhân lực. Nhờ đó, Sở GD&ĐT đã có đủ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực theo quy định để triển khai Đề án đồng thời ở 3 cấp học và có thể hoàn thành việc triển khai Đề án đúng tiến độ vào năm 2020”, ông Cơ cho hay.

Theo ông Cơ, việc bồi dưỡng giáo viên trong quá trình triển khai đề án có vị trí hết sức quan trọng.

Qua việc khảo sát thực trạng giảng dạy ngoại ngữ và trình độ giáo viên trong tỉnh, Phòng GD Trung học đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai Đề án với cách làm riêng, phù hợp với điều kiện trong tỉnh.

Nội dung các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo Sở GD&ĐT ban hành các quyết định, công văn chỉ đạo là các giải pháp căn cứ trên kinh nghiệm đã đạt được khi tiến hành các công việc có liên quan hoặc tương tự trước đây Sở GD&ĐT đã thực hiện.

Việc tham mưu căn cứ trên năng lực thực thi của bản thân, đảm bảo tính hiệu quả của nội dung công tác mình tham mưu và khi đã được lãnh đạo Sở phê duyệt thì ra sức tác nghiệp để đảm bảo kết quả, hiệu quả công việc.

Giải pháp mà Phòng GD Trung học tham mưu cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Định phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo nguồn giáo viên đạt chuẩn năng lực theo quy định của Bộ GD&ĐT để triển khai thực hiện Đề án NNQG 2020.

“Tác dụng của giải pháp này nằm ở chỗ nó đã làm giảm áp lực của giáo viên tiếng Anh trong quá trình tham gia thi khảo sát năng lực, phấn đấu học tập và tự học để nâng chuẩn, tạo cho giáo viên có cảm giác tự tin, ý thức được trách nhiệm của mình để phấn đấu đạt yêu cầu đặt ra”- ông Cơ cho biết thêm.