(GD&TĐ) - Về Trường Tiểu học Quài Cang, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, tôi chăm chú xem các bài thi nét chữ đẹp đạt giải cấp trường, cấp huyện được đặttrang trọng trong tủ kính văn phòng và thật bất ngờ khi cô Đào Thị Khôi, hiệu trưởng nhà trường giới thiệu về bài dự thi của em học sinh đạt giải nhất cấp huyện là một cô bé bị liệt cả hai chân.
Nhìn những nét chữ đẹp như thế này... |
Đó là em Quàng Thị Ngoi, dân tộc Thái, học sinh Lớp 4A1. Ở trường em luôn là tấm gương sáng để cho các bạn học tập và noi theo, cô Phạm Thị Hiền là giáo viên chủ nhiệm của em từ năm lớp 1 tâm sự với tôi: Cô có thật nhiều những kỉ niệm về cô bé ham học và giầu nghị lực này.
...ít ai có thể ngờ rằng người viết lại là một cô bé tật nguyền đầy nghị lực |
Khi cô lên nhà Ngoi vận động lúc đó em đã quá tuổi học lớp 1, 2 tuổi, bố mẹ em nhất định không cho em đi học vì gia đình hoàn cảnh khó khăn đông con, không có điều kiện hàng ngày đưa đi đón về, cho rằng con mình bị tật nguyền như vậy thì học chẳng để làm gì.
Em đã khóc rất nhiều, cô Hiền kể lại 13 năm dạy học cô đã gặp nhiều hoàn cảnh nhưng lần này cô đã không cầm được nước mắt khi em Ngoi vừa khóc vừa hỏi cô: Nếu cô sinh ra người như em cô có nuôi không? Và kể cho cô nghe: khi em sinh ra được 4 ngày, bố mẹ đẻ ra em thấy như vậy đã bỏ bú em muốn em không có trên đời này, người hàng xóm goá bụa thấy vậy đã đón em về nuôi đến khi em lên 4 tuổi thì mẹ nuôi em đi làm nương đã bị rắn độc cắn, bỏ em ra đi mãi mãi. Bố mẹ đẻ lại đưa em về nhưng luôn coi em là một người thừa trong nhà.
Em Ngoi ra chơi với bạn bè |
Cảm phục, thương cho hoàn cảnh của em mà cô Hiền kiên trì thuyết phục, nhờ các tổ chức đoàn thể ở xã. Cô phải hứa với gia đình sẽ nhờ các em học sinh ở trong trường gần nhà em đưa em đi học và gia đình không phải đóng góp một khoản chi phí học tập nào của em, kể cả bữa ăn bán trú tại trường, nhà trường trích quỹ giúp đỡ.
Sau gần một tháng vận động gia đình mới đồng ý để cho em Ngoi đến trường với những điều kiện như vậy. Cô Hiền kể: Ngày được đến trường, em cứ ôm lấy cô khóc vì sung sướng và gọi cô bằng mẹ và từ ngày đi học đến nay dù mưa, gió đường đi khó khăn nhà em lại ở trên quả đồi cao nhưng em không bao giờ nghỉ học, dù có hôm đến trường em cùng bạn học trên 2 lớp chở đi bị ngã bẩn hết mà nhất định không về.
Khi tôi lên lớp gặp em đang là giờ ra chơi tuy không đứng bằng đôi chân của mình được nhưng em vẫn bò ra hành lang vui cùng các bạn, thấy tôi và cô giáo chủ nhiệm lên em thẳng người khoanh tay chào lễ phép. Em vào chỗ bàn học của mình mở cặp cho tôi xem quyển vở toán, tiếng việt hàng chữ đều tăm tắp cả một học kỳ một em chỉ có 2 điểm 8 còn lại là 9 - 10 điểm khi trả lời câu hỏi của chúng tôi em đều thưa giử lễ phép.
Em rưng rưng khi trả lời: “Sau này cháu muốn làm cô giáo như cô chủ nhiệm nhưng cháu không có đôi chân, cháu biết sẽ không làm được chú nhỉ? Đấy là mơ ước của cháu, cháu sẽ mang theo suốt cuộc đời. Các cô ở đây thương cháu như con, lo cho cháu ăn không mất tiền, mỗi buổi học xong cô Hiền lại cõng cháu xuống cầu thang không sợ các bạn cõng bị ngã. Cháu chỉ có niềm mơ ước duy nhất như vậy để trả ơn các cô.”
Em được cô giáo cõng xuống cầu thang |
Cô Đào Thị Khôi - Hiệu trưởng nhà trường cho chúng tôi biết: Em Ngoi là học sinh học giỏi toàn diện có nghị lực, ngoan ngoãn. Nhà trường lấy em là tấm gương phát động phong trào “vượt khó vươn lên”, 4 năm liền em là học sinh giỏi và em đang chuẩn bị đi thi nét chữ đẹp cấp tỉnh, có em lên học sinh trong trường rất ngoan, phong trào viết chữ đẹp của trường đứng đầu ngành Giáo dục trong huyện. Các em học sinh luôn bảo nhau phải học bạn Ngoi.
Phạm Kiên Cường