Dựng lều tranh… theo đuổi sự học

Dựng lều tranh… theo đuổi sự học
Các bạn học sinh miền núi dựng những ngôi lều tạm để tiếp tục sự học.
Các bạn học sinh miền núi dựng những ngôi lều tạm để tiếp tục sự học.

Lớp anh chị đi trước, lớp thế hệ em đi sau, cho đến nay “làng trọ học” là nơi nuôi con chữ của bao bạn học sinh dân tộc thiểu số nghèo khó. Khi học hết cấp THCS, các bạn dân tộc Ve, Tà riềng muốn học tiếp cấp 3 thì phải xuống thị trấn Thạnh Mỹ xa hằng trăm km để học.

Bạn Zơrâm Tuội dân tộc Ve học sinh lớp 12 trường THPT Nam Giang cho biết: “nhà em xa lắm, tận Đăk P’ree cách đây hơn 100km đường rừng. Muốn học cấp 3 thì phải xuống đây dựng lều trọ để học”.

Đều xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên các bạn không ngần ngại đối đầu với những túng đói. Bữa ăn của những cô cậu học trò vùng cao chủ yếu là cơm muối sả, rau rừng làm canh. Mỗi ngày ăn hai bữa nhưng đối với các bạn được đến lớp để học chữ là niềm vui lớn. Ngày nào cũng như ngày nào, trời nắng cũng như trời mưa, hệ tan học ở trường là các bạn về men theo từng con suối nhặt những cành củi khô, rau rừng chuẩn bị cho bữa ăn đạm bạc.

Đêm đến giữa đại ngàn, những ngôi lều tạm đầy lỗ hổng lại lấp lánh ánh đèn học bài. Em Hiên Thị Xí dân tộc Ve hiện đang là học sinh lớp 12 tâm sự: “ngày lên lớp, tối về mình phải thắp đèn học bài. Không học bài làm sao theo kịp các bạn. Năm nay em thi tốt nghiệp nên phải học thật tốt để đạt điểm cao”.

Mệt mài học tập để ngày mai trở thành những công dân có ích cho xã hội
Mệt mài học tập để ngày mai trở thành những công dân có ích cho xã hội

Làng trọ học của các bạn học sinh dân tộc thiểu số nằm ở tổ 7, khu Vườn Ươm thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ đến nay có khoảng hơn 20 căn lều mới có, cũ có. Có nhiều ngôi lều đã trải qua bao thế hệ học trò, lớp anh đi trước, lớp em đi sau tiếp tục sự học.

Ông Hiên Nao, người dân khu vườn ươm cho biết: “năm 2004, học sinh ở vùng cao Đăk P’ree, Đăk Pring xuống đây học rồi xin đất dựng lều. Thương các em có hoàn cảnh khó khăn lại hiếu học nên nhiều hộ gia đình đã dành phần đất của mình cho các em ăn học”. Ông Nao cho biết thêm, ngay tại phần đất của gia đình ông cũng có đến 8 căn lều của các em học sinh dân tộc Ve, Tà riềng, các em chăm học và học rất giỏi.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng các em đều có ý chí vươn lên, ra sức học tập, theo đuổi ước mơ trở thành nhân tài phục vụ cho đồng bào, đất nước. Để kiếm thêm tiền mua sách vở và trang trải cuộc sống, những ngày được nghỉ học các bạn thường tìm thêm việc để làm. Ai thuê lên nương rẫy làm ngô, làm sắn… các bạn sẵn sàng làm ngay, có khi đi làm để đổi lấy rau, lấy gạo cho từng bữa ăn.

Những bạn học sinh dân tộc Ve theo đuổi sự học ở thị trấn Thạnh Mỹ.
Những bạn học sinh dân tộc Ve theo đuổi sự học ở thị trấn Thạnh Mỹ.

Những túp lều nhỏ giữa đại ngàn trường sơn chiều chiều lại đầy ắp tiếng cười, tiếng gọi nhau và nơi đây đã trở thành mảnh đất cho sự hiếu học. Có nhiều em đã trở thành những cô cậu sinh viên đang tham gia học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng trong tỉnh và trên mọi miền đất nước như bạn Hiên Xưu (sinh viên trường ĐH Y – Dược Cần Thơ), bạn Zơrâm Bành sinh viên trường Đại học Tây Nguyên, bạn Hiên Xứu sinh viên ngành Luật trường Đại học Vinh.

Cũng có những người đã trở thành cán bộ, công nhân viên chức tại các xã vùng cao như anh Hiên Viến (Phó trưởng Công an xã Đăc P’ree, huyện Nam Giang), anh Hiên Hói (cán bộ nhà máy Thuỷ điện Avương), anh Zơrâm Thoát (cán bộ xã Đắc P’ree)…

Cuộc sống khó khăn, nhưng không vì thế mà ước mơ của các bạn học sinh miền núi bị chùng bước. Vượt lên khó khăn, các em mệt mài chăm chỉ tìm tòi kiến thức trên từng trang sách, cuốn vở nuôi ước mơ trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Minh Hậu