Để học tốt tiếng Anh, rất cần sự kiên nhẫn

GD&TĐ -Trần Thị Quý Anh – Sinh viên năm cuối Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) là một trong những sinh viên học giỏi tiếng Anh. Cô gái từng tham gia giao lưu Nhật Bản - ASEAN do chính phủ NHật Bản tổ chức chia sẻ kinh nghiệm để học tốt môn Ngoại ngữ này.

Để học tốt tiếng Anh, rất cần sự kiên nhẫn

Kiên nhẫn

Để làm chủ tiếng Anh, đồng nghĩa với việc có thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo, người học tiếng Anh cần phải kiên nhẫn ôn luyện hàng ngày. 

Mỗi ngày cố gắng học tiếng Anh ít nhất 30 phút, đều đặn, liên tục, ngày nào cũng học, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều lần nếu như bạn dành cả cuối tuần ra để “cày cuốc” mà trong khi những ngày trong tuần không học tí nào.

Hiểu được bản chất ngôn ngữ

“Dân” kĩ thuật khi thiết kế 1 mạch điện thường quan tâm đến “đầu vào” (những thứ có thể điều chỉnh được) và “đầu ra” (kết quả mình mong muốn nhận được) thì việc học tiếng Anh cũng có thể chia làm hai lĩnh vực như vậy.

Đó là “tiếp nhận ngôn ngữ” (input) và “sản sinh ngôn ngữ” (output). “Input” bao gồm 2 kĩ năng là đọc và nghe, trong khi đó “output” gồm nói và viết. 

Rõ ràng là để có được output chất lượng tốt thì trước hết chất lượng của input phải tốt. Và khi chúng ta tiếp nhận ngôn ngữ càng nhiều thì chúng ta cũng có thể sản sinh ra ngôn ngữ càng lớn.

Nghe mọi lúc, mọi nơi

Có thể học nghe từ việc nghe đài, xem phim, nghe nhạc… nghe trong lúc đang nấu cơm, lướt web, hay trong lúc luyện tập thể dục thể thao. 

Có thể ngay lúc ấy mình sẽ không hiểu gì (người ta hay gọi là nghe trong vô thức), nhưng việc luyện nghe càng nhiều, tai của mình càng quen với các âm trong tiếng anh, kết hợp với việc học từ mới, dần dần sẽ thấy học nghe không khó chút nào cả.

Đọc 5 từ mới mỗi ngày

Không chỉ trong sách vở, từ vựng xung quanh chúng ta rất đa dạng, chúng ta có thể học từ mới qua các bài hát, các bộ phim…mỗi ngày 5 từ, hôm sau ôn lại 5 từ ấy và học thêm 5 từ mới.

Khi học 5 từ mới mỗi ngày, việc làm thế nào để ghi nhớ 5 từ ấy cũng vô cùng quan trọng. Cách tốt nhất đó là phải thực hành được từ mới ấy, đặt nó vào ngữ cảnh và đặt thành câu hoàn chỉnh. Sau đó cố gắng áp dụng câu ấy trong giao tiếp thì bạn mới không quên được.

Nói

Để đạt được kết quả “đầu ra” như mong muốn thì chúng ta phải thực hành được nó, đó là học nói. Hãy tận dụng mọi cơ hội để được sử dụng tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ, tổ chức các lớp học nhóm…

Khi bắt đầu học nói, hãy nói chậm, nhưng phải chuẩn cách phát âm, có nhịp điệu ngay từ đầu. Bắt chước diễn viên trên phim ảnh hoặc học thuộc lòng 1 đoạn hội thoại cũng là 1 cách học hiệu quả.

Hãy nói theo từng chủ đề, việc nói theo chủ đề giúp bạn vận dụng được nhiều từ mới hơn và dễ nhớ hơn. Bạn có thể luyện ngữ âm bằng cách ghi âm giọng nói của mình vào máy tính hoặc điện thoại, sau đó bật lên nghe lại để phát hiện nhược điểm của bài nói của mình.( cách này là cách em thấy hiệu quả nhất)

Chú ý chính tả khi viết

Thực ra, nhiều sinh viên không chuyên hay mắc lỗi chính tả trong khi viết tiếng Anh.

Điều này cũng làm cản trở việc phát huy tính tích cực và phát triển của bản thân.Ví dụ như một số bạn học chuyên môn rất khá, muốn tham gia viết báo để đăng lên một số tạp trí khoa học quốc tế, nhưng vì tiếng anh viết yếu nên cản trở rất nhiều.

Cố gắng viết tiếng Anh càng nhiều càng tốt, có thể là viết nhật kí, ghi chép lại những hoạt động trong ngày của mình bằng tiếng Anh, cố gắng mỗi ngày viết khoảng 500 từ thì kĩ năng viết sẽ phát triển đáng kể.

Tăng cường vốn tiếng Anh chuyên ngành

Thực ra, tiếng Anh giao tiếp và tiếng anh chuyên ngành kĩ thuật có khá nhiều sự khác biệt, nhưng về cơ bản thì bạn vẫn phải nắm được phương pháp phát triển kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết thì mới có tiền đề để tăng vốn hiểu biết và từ vựng.

Các nước phương Tây có nền công nghiệp rất phát triển, chúng ta có thể học hỏi được từ họ rất nhiều. Nếu kĩ năng nghe, đọc tốt, bạn có thể hiểu được những bài giảng trên Youtube, những trang web về kĩ thuật nổi tiếng.

Nếu kĩ năng nói tốt, khi gặp một người kĩ sư nước ngoài bạn sẽ không còn ngần ngại, mà có thể đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ… 

Chúng ta nên có một quyển sổ “từ vựng kĩ thuật” bên mình, để khi gặp các từ ngữ chuyên ngành có thể ghi chép ngày, lần sau gặp lại không còn bỡ ngỡ.