Chủ trương này không nhằm giới thiệu một mô hình mới chung cho tất cả các cơ sở giáo dục trên mọi vùng miền. Hay nói cách khác là không có mô hình duy nhất đúng, không có mô hình xuất sắc nhất mà chỉ có mô hình thích hợp nhất” .
Đó là chia sẻ của TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Để xây dựng mô hình thích hợp nhất về dạy - học ngoại ngữ, mới đây, tại Hội thảo tập huấn “Xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ trong trường đại học, cao đẳng”, TS Tú Anh đã đưa ra một số gợi ý cơ bản để những nhà quản lý từ cấp trường đến cấp khoa và bộ môn thực hiện, nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Giảng dạy và tổ chức giảng dạy
Để người học có mục tiêu học tập tiếng Anh cụ thể, có thể đưa vào chương trình chính khóa bố trí một số tiết giảng bộ môn bằng tiếng Anh. Giảng viên các bộ môn khuyến khích các em đọc tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh, sử dụng một số tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh. Đồng thời đưa vào chương trình một số tiết hoặc tín chỉ nghiên cứu độc lập và khuyến khích các em học nhóm và làm bài nộp bằng tiếng Anh.
Theo TS Vũ Thị Tú Anh, không nên giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên từng khoa, từng lớp mà nên dạy tập trung theo trình độ tiếng Anh. Tất cả sinh viên phải tham dự kỳ thi xếp trình độ năng lực tiếng Anh và sẽ được xếp vào học cùng lớp với những sinh viên của các khoa khác cùng trình độ. Nếu thi cuối khóa không đạt, các sinh viên phải học lại lớp trình độ đó.
Nếu điều kiện cho phép dạy tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes) thì tổ chức dạy riêng cho từng khoa, nhưng không theo từng lớp sẵn có. Tất cả sinh viên thuộc mỗi khoa cần được xếp học những lớp tiếng Anh ESP theo trình độ ngoại ngữ.
Giáo viên tham gia giảng dạy các lớp tiếng Anh không chuyên cần được quán triệt để loại bỏ thái độ và tư tưởng xem tiếng Anh không chuyên là việc phụ và là công việc kiêm nhiệm đối phó.
Tổ chức một đơn vị chuyên trách việc dạy và học tiếng Anh không chuyên, tốt nhất là độc lập với Khoa Anh chuyên ngữ.
Ngoài ra, có thể tổ chức bố trí chương trình để sinh viên tập trung học tiếng Anh một học kỳ đầu tiên sau khi nhập học. Sau học kỳ đầu tiên này, các lớp tiếng Anh sẽ được rải đều cho các học kỳ sau cho đến khi đạt được tiêu chí đầu ra.
Tạo môi trường tiếng gắn liền với mục tiêu
Theo TS Vũ Thị Tú Anh, cả giáo viên và sinh viên có thể sử dụng những bộ sách giáo khoa dạy tiếng có nguồn tư liệu bổ trợ dồi dào, cả bản cứng, bản mềm, tài khoản trên mạng để học thêm nhằm tăng cường và hỗ trợ việc học trên lớp cũng như việc tự học thêm ngoài lớp.
Ngoài ra, có thể tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh, xây dựng trang mạng xã hội như: Facebook, Tweeter… thành các diễn đàn tiếng Anh.
Làm bản tin tiếng nước ngoài của khoa, trường. Giao cho Hội sinh viên, Đoàn thanh niên đảm trách với sự hỗ trợ của một hội đồng cố vấn. Các bản tin này lưu hành nội bộ đến toàn thể sinh viên trong khoa, trường dưới dạng bản cứng và bản mềm.
Nâng cao trình độ, năng lực tiếng Anh cho cán bộ, giảng viên
Song song với giải pháp trên, TS Vũ Thị Tú Anh cho rằng, việc nâng cao trình độ, năng lực tiếng Anh cho cán bộ, viên chức, đặc biệt là giảng viên là yếu tố quan trọng.
Theo đó, các trường, các khoa cần xác định và công bố yêu cầu năng lực Ngoại ngữ đối với từng nhóm đối tượng, cho từng giai đoạn. Xây dựng chuẩn đầu ra cụ thể cho từng nhóm đối tượng: Giảng viên, viên chức và sinh viên.
Mỗi cá nhân tự xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ Ngoại ngữ trên quy định và tiêu chí của nhà trường. Có chế độ khích lệ, thưởng phạt rõ ràng về việc hoàn thành hay không hoàn thành kế hoạch.
Kiểm tra năng lực tiếng, có kế hoạch để toàn bộ cán bộ, công nhân viên, giáo viên phải được kiểm tra trình độ Ngoại ngữ. Tổ chức các lớp tiếng Anh cho mọi người theo trình độ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho mọi người đăng ký theo học. Đưa tiêu chí tiếng Anh vào tuyển dụng nhân viên, giảng viên mới.