Dạy tiếng Anh theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá, học tích cực

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hồng Minh – giáo viên Trường THPT số 1 Tuy Phước (Bình Định).

Dạy tiếng Anh theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá, học tích cực

Qua tìm hiểu được biết, cô Minh đã có 18 năm kinh nghiệm giảng dạy môn tiếng Anh và là một giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định. 

Đổi mới để kích thích học sinh chủ động học tập hơn

Trong quan điểm đánh giá cũng dần thay đổi. Không chỉ đánh giá kết quả học, tiến trình học, mà đánh giá giờ đây còn được xem là một kênh để kích thích việc học.

Theo cô Minh, trước đây việc đánh giá thi cử là để chứng thực và xác định xem một người học nào đó có xứng đáng qua một khóa học hay được cấp bằng hay không, nhưng ngày nay vai trò của nó đã vuợt xa hơn thế vì việc đánh giá sẽ đóng khung cách học, quyết định cách tổ chức dạy học và tất cả những hành vi ứng xử xung quanh việc học.

Vì thế, việc đánh giá có tác động mạnh mẽ đối với bất kỳ triết lý giáo dục nào khi nó được đem ra thực hành. Đánh giá theo kiểu tổng kết một lần (summative test) hiện nay đang sử dụng rộng rãi ở nhiều truờng học, nhưng rõ ràng cách đánh giá này không kích thích học sinh học tích cực trong suốt học kỳ.

Thậm chí một số học sinh chỉ đợi đến gần kiểm tra hay thi rồi học một lần để thi cho qua. Ngược lại, đánh giá theo kiểu thông tin thuờng xuyên (formative test) sẽ cho học sinh biết được mình đang ở đâu trong một quá trình học, cái gì mình còn yếu kém để khắc phục và thế mạnh của mình nằm ở đâu để khai thác thêm.

Chính vì thế, loại bài kiểm tra đánh giá này nên được vận dụng thường xuyên nếu muốn thực hiện triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm.

Cô Minh dẫn giải: Điển hình của formative test mà giáo viên thực hiện bao gồm cho nhận xét về một hoạt động trên lớp hay bài tập về nhà, thậm chí cho điểm hoạt động để học sinh biết mình làm tốt đến đâu theo chuẩn mực của giáo viên đứng lớp.          

Một dạng khác của việc đánh giá cũng kích thích năng lực tự học của sinh viên là tự đánh giá và đánh giá chéo giữa các học sinh hoặc nhóm học sinh với nhau (self and peer assessment)

Nói chung, mặc dù chưa đầy đủ, chúng ta có thể tạm kết luận hai điểm mấu chốt cần làm trong quá trình thực hiện việc lấy người học làm trung tâm là:

-  Kích thích tính chủ động học tập của học sinh .

- Tăng cường ý thức của học sinh viên về quá trình học của chính mình  để trở nên tự định hướng và chủ động trong việc học của mình. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh trong giờ dạy từ vựng
 Cô Nguyễn Thị Hồng Minh trong giờ dạy từ vựng 

Khuyến khích học sinh học tập tích cực

Cô Minh phân tích: Học tập tích cực là khi người học đóng vai trò tích cực hơn trong lớp so với giáo viên, chẳng hạn như thảo luận lớp, suy nghĩ cặp đôi chia sẻ các hoạt động, các nhóm học tập hợp tác, các cuộc tranh luận của học sinh, và các trò chơi.

Là một người giám sát chứ không phải là một người dạy, giáo viên phải nắm vững các nguyên tắc giảng dạy tích cực để có thể lập kế hoạch một bài học phù hợp cho các học sinh trong một lớp học tích cực.

Có thể so sánh bài học hiện đại (theo đúng cách) và một bài học truyền thống.

Bài học truyền thống

Bài học hiện đại

  • Chuẩn bị các bài kiểm tra
  • Dạy các kỹ năng
  • Học theo kiểu cá nhân (cạnh tranh)
  • Học theo kiểu hợp tác
  • Giáo viên làm trung tâm
  • Học sinh làm trung tâm
  • ‘‘logs and hogs’’
  • Tính công bằng

* Logs – những học sinh thường im lặng hoặc không muốn trả lời, tham gia vào hoạt động

* Hogs – những học sinh quá năng động, thường cố gắng trở thành là người trung tâm, làm cho giáo viên chú ý đến mình.

“Chúng ta không thể trách những học sinh này vì vẫn thường có những học sinh năng động và thông minh chỉ muốn đẩy nhanh tốc độ bài học” – Cô Minh trao đổi.