(GD&TĐ) - Trong những năm qua, bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đang dần khẳng định vai trò, vị thế của mình trong sự nghiệp “trồng người”.
Có được kết quả đó một phần lớn cũng là nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu từ nhiều phía, trong đó phải kể đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội cùng quan tâm, chăm lo đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.
Sự nhiệt huyết của giáo viên đã chắp cánh ước mơ cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là được thực hiện ước mơ là tiếp tục đến trường |
* Những “người chèo đò thầm lặng”
Sau khi ra trường, thầy giáo Lò Văn Nguyên được phân công vào dạy học ở Trường THCS Buôn Choáh, xã Buôn Choáh (Krông Nô) là một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh. Từ đó đến nay đã trên chục năm, nhưng chưa bao giờ thầy Nguyên thấy nản lòng với sự nghiệp “gieo chữ” của mình. Để đưa được “con chữ” đến với học sinh nơi đây, hàng ngày thầy Nguyên phải vượt qua quảng đường nổi tiếng là sình lầy vào mùa mưa, bụi mù trời vào mùa nắng. Vào mùa mưa, thầy Nguyên và các giáo viên trong trường phải mang ủng cao và lúc nào trong túi xách cũng có một bộ đồ “xơ cua” để thay phòng khi té ngã. Gian nan là vậy, nhưng thầy Nguyên vẫn ngày ngày đến lớp, không để muộn một tiết dạy nào.
Cũng ở xã Buôn Choáh, thầy Nguyễn Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng đã có 34 năm đứng trên bục giảng và làm công tác lãnh đạo. Dù ở cương vị nào, thầy Nhân cũng luôn hướng về mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Khi là một giáo viên, thầy Nhân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi những phương pháp dạy học mới để học sinh tiếp thu bài vở một cách hiệu quả. Còn khi làm công tác quản lý, thầy Nhân chú trọng tìm ra các phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn của nhà trường. Thầy Nhân còn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ giáo viên để mọi người yên tâm công tác, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng sâu.
Em H”Hương tích cực phát biểu trong giờ học |
Còn thầy giáo Nguyễn Văn Trân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cũng đã có gần 12 năm gắn bó với công tác dạy học nơi đây. Mặc dù huyện có chủ trương luân chuyển về trung tâm huyện, nhưng thầy Trân vẫn tự nguyện ở lại để cùng những giáo viên khác tiếp tục “lái những chuyến đò thầm lặng” nơi heo hút của rừng sâu.
Ở Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) có thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bường, dạy môn Văn cũng rất nhiệt huyết với nghề. Với tâm huyết dạy học của mình, thầy Bường đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn. Ngoài việc nắm chắc các kiến thức ở sách giáo khoa, thầy Bường còn đọc thêm nhiều tài liệu khác liên quan để lấy dẫn chứng, làm cho bài giảng luôn mới và sinh động. Với nỗ lực nâng cao tay nghề nên thầy Bường đã nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Mới đây, thầy Bường lại ghi thêm vào “bảng vàng” của mình giải nhất môn Văn trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy Bường xem đây như là một niềm khích lệ, động viên và cũng là lời nhắc nhở bản thân phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa vì học sinh thân yêu.
Có thể nói, để nâng cao chất lượng giáo dục thì đội ngũ giáo viên đóng một vai trò hết sức quan trọng. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, hàng ngàn giáo viên các cấp học từ bậc mầm non cho đến THPT trong toàn tỉnh, nhất là các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã không ngừng học hỏi, nang cao năng lực chuyên môn để có những bài giảng hay, góp phần chắp cánh ước mơ cho các em học sinh thân yêu của mình.
*Cộng đồng trách nhiệm
Trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng đã chủ động đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, thu hút được sự đóng góp của người dân trong việc hiến đất để làm trường học như trường hợp của ông Hồ Tiến Thoại ở xã Đắk Wer (Đắk Rlấp), ông Nguyễn Hoàng Duyên ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)… Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng đã cộng đồng trách nhiệm để phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong đó, với những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, nhiều dòng họ trong tỉnh đã động viên, khuyến khích và hỗ trợ con cháu học tập tốt, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương.
Điển hình có dòng họ Trương Văn ở xã Nam Đà (Krông Nô). Để khuyến khích con cháu trong dòng họ học tập tốt, dòng họ Trương Văn đã huy động các thành viên đóng góp gây quỹ tùy theo điều kiện kinh tế của mình. Với nguồn quỹ này, dòng họ Trương Văn đã dùng để phát thưởng cho những cháu học khá, giỏi và đậu vào các trường đại học, cao đẳng nhằm động viên, khuyến khích con cháu phấn đấu hơn trong học tập. Tính đến nay, dòng họ đã phát thưởng cho gần 400 lượt em là học sinh các cấp và theo học cao đẳng, đại học. Riêng trong năm học 2010-2011, dòng họ Trương Văn đã tổ chức phát thưởng cho 12 sinh viên học đại học, cao đẳng, 45 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến.
Em H’Huệ giúp bạn ôn bài trong giờ ra chơi |
Tương tự, hội đồng hương Thái Bình ở xã Nam Đà (Krông Nô) do ông Đặng Văn Lẫn làm Trưởng hội cũng đã có nhiều hình thức để khuyến khích con cháu vươn lên học tập. Nhờ sự động viên kịp thời của hội nên nhiều gia đình mặc dù có đời sống kinh tế khó khăn, nhưng cũng cố gắng phấn đấu để con cháu được học hành đến nơi đến chốn. Hội đã dùng nguồn quỹ huy động được để cho các hộ gia đình khó khăn vay với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ con cái học hành. Nhờ đó, nhiều em đã không phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, mỗi dịp năm mới đến, hội lại tổ chức phát thưởng cho những em đạt thành tích cao trong học tập, tặng vé xe cho những sinh viên đi học đại học, cao đẳng ở xa… Đối với những em có thành tích nổi bật như đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, đậu thủ khoa… còn được hội thưởng đột xuất để kịp thời khuyến khích, động viên phấn đấu hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh thì toàn tỉnh hiện có trên 100 dòng họ khuyến học và hội đồng hương ở khắp các địa phương, thực sự là những động lực thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài ở cơ sở, góp phần củng cố việc phổ cập vững chắc bậc tiểu học, THCS và THPT. Đồng thời, các dòng họ khuyến học, các hội đồng hương cũng đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó vươn lên, làm tăng số lượng học sinh giỏi cũng như giúp đỡ cho việc quản lý học sinh ngoài nhà trường.
* Vượt khó học giỏi
Em H’Hương Buôn Krông, học lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Krông Nô là một học sinh luôn biết vượt khó, vươn lên trong học tập, được các bạn khác trong trường xem như là một tấm gương để noi theo. H’Hương sinh ra trong một gia đình đông anh em, mẹ lại bị ảnh hưởng chất độc da cam, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa trên đôi vai gầy của bố, nên luôn trong tình trạng thiếu thốn. Chính vì vậy, đã không ít lần H’Hương nghĩ đến chuyện nghỉ học để phụ giúp bố. Thế nhưng, sau khi nghỉ học vài ngày, được sự động viên của gia đình và thầy cô, bạn bè, em đã đi học trở lại. Và cũng chính thầy cô, bạn bè đã hỗ trợ gia đình em trả các chi phí để điều trị bệnh cho mẹ. Vì vậy, H’Hương hiểu ra rằng, việc học tập thật giỏi chính là cách tốt nhất để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, bạn bè và động viên tinh thần cho bố những khi gian nan nhất. Cô Ngô Phương Thảo, chủ nhiệm lớp 8 cho biết: “H’Hương là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của lớp, nhưng lại có tinh thần ham học rất cao. Em học đều ở tất cả các môn và có rất nhiều sáng tạo trong việc giải bài tập. Nhờ vậy, nhiều năm liền em đã được công nhận là học sinh giỏi, xuất sắc của trường. Đặc biệt, năm học 2010-2011, em đã được công nhận là học sinh giỏi môn Hóa cấp huyện”.
* Và có sự hỗ trợ của Nhà nước
Tương tự, em H’Huệ, học sinh lớp 8A, Trường THCS Phan Bội Châu (Gia Nghĩa) là con thứ 4 trong gia đình có năm anh em. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vào những ngày cuối tuần, nhất là trong dịp nghỉ hè, em thường đi lấy củi, hái măng để kiếm thêm thu nhập. H’Huệ tâm sự: “Nhiều lúc em cũng muốn nghỉ học để bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng rất may cho em và em gái là đi học không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ thêm tiền hàng tháng. Vào đầu mỗi năm học, em còn được cấp phát sách, vở, bút, mực, giảm các khoản đóng góp ở trường và nhận nhiều học bổng khác như: vượt khó học giỏi, ngăn dòng bỏ học… Quả thật, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường, thầy cô, bạn bè, có lẽ em không thể nào có cơ hội được ngồi trên ghế nhà trường đến ngày hôm nay. Vì vậy, em đã tự hứa với lòng mình là sẽ quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng mọi người và có một tương lai tươi sáng hơn”. Không chỉ vươn lên để học tập thật tốt mà H’Huệ còn thường xuyên kèm cho các bạn học yếu hơn mình cùng vươn lên. Thầy Lê Văn Điểu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số như H’Huệ thì nhà trường phân công cho các giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên quan tâm, gần gũi để động viên kịp thời khi các em có ý định bỏ học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng miễn giảm các khoản đóng góp, tổ chức “nuôi heo đất” để hỗ trợ các em mỗi dịp tết đến…Vì vậy, các em rất nỗ lực trong học tập, nhất là H’Huệ luôn là một điển hình được học sinh các lớp noi theo”.
Có thể nói, từ sự nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên, sự hỗ trợ kịp thời về mọi mặt của Nhà nước và các tổ chức xã hội như miễn, giảm học phí, trợ cấp kinh phí hàng tháng, cấp phát dụng cụ học tập, học bổng… đã giúp nhiều học sinh, nhất là những học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực hiện được ước mơ tiếp tục đến trường. Thông qua đó, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã không ngừng nỗ lực vươn lên và đạt được những kết quả cao trong học tập.
Bài, ảnh: Ban Mai