Thế giới riêng
Nguyễn Thị Hoài, xóm Ải, thôn Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội, vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với nụ cười và niềm vui thật ý nghĩa: với số điểm 45,5 Hoài đã ghi tên mình vào danh sách học sinh của trường THPT Thanh Cao B.
Hoài miệt mài bên sách vở |
Trong căn nhà thấp, chỉ rộng chừng 8m2, được dựng lên sơ sài trên mảnh đất của các bác, để có chỗ tránh mưa, tránh nắng, Hoài đang miệt mài đèn sách chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp chọn. Thế giới riêng của Hoài dường như chỉ có sách vở làm bạn.
Gần 10 năm nay, Hoài tự bươn chải với cuộc sống để kiếm tiền tự nuôi mình ăn học. Bố bỏ đi từ khi Hoài còn trong bụng mẹ, năm lên 7, mẹ cũng xây dựng gia đình riêng, để Hoài lại với căn nhà này.
Đến thăm Hoài vào những ngày nắng, căn nhà của em giống như “hỏa lò”, còn đến vào những khi trời mưa gió, kiếm được chỗ ngồi để tránh mưa là điều rất khó khăn. Trong nhà chỉ có chiếc giường gỗ ọp ẹp, một chiếc tủ cũ, chiếc bàn học nhỏ và một vài vật dụng cá nhân được những nhà hảo tâm san sẻ. Ngay cả chỗ nấu ăn cũng chỉ đủ cho em trở người với những cành ngô làm củi đun nấu.
Để có tiền tự nuôi mình ăn học, Hoài làm thêm nghề đập giấy, quay sợi, làm nón. Công cho mỗi chiếc nón cũng được khoảng 4 nghìn đồng. Những ngày nghỉ hè, làm cật lực mỗi ngày được khoảng hai chiếc nón.
Cuộc sống vất vả, phải lo từng bữa ăn, có bữa chỉ có cơm canh, sang hơn thì có miếng đậu, quả cà, có khi chỉ là đĩa rau ăn thay cơm,… nên Hoài không khi nào nghĩ đến chuyện vui chơi hay mua sắm. Ai cho tiền, hay tiền công làm được, Hoài đều cất đi để lo cho học tập.
Mỗi khi tới vụ Hoài lại lo công việc đồng áng trên 5 thước ruộng của mình được bác Tiền (bác dâu) cho. Những công việc nặng như gánh lúa, cày ruộng,… không đủ sức làm, Hoài đổi công cấy, công gặt cho bác,… Những gì đã qua khiến Hoài sống thu mình hơn, nhưng cũng tự lập và già dặn hơn so với cái tuổi 16 của em. Mỗi lần kể lại câu chuyện về hoàn cảnh của mình, đôi mắt Hoài lại đỏ hoe, nhưng em cũng nhanh chóng lấy lại nụ cười rồi pha trò với chúng tôi, đó là nghị lực sống ở em mà không gì có thể lấy đi được.
Hoài làm nón để kiếm tiền ăn học trong ngôi nhà tồi tàn |
Cô bé nghị lực
Khó khăn như vậy, nhưng nhắc đến Hoài, mọi người trong thôn ai cũng tấm tắc khen “con bé ấy học giỏi và ngoan lắm. Nếu nó có được điều kiện như người ta chắc sẽ còn học giỏi hơn”. Quả thật, em đã có 7/9 năm là học sinh giỏi, 2 năm là học sinh tiên tiến. Đó chính là sự bù đắp xứng đáng cho những cố gắng không ngừng của em.
Hoài rất thích học Toán, Lý, Hóa. Mỗi khi trao đổi về các môn học đó, đôi mắt em lại sáng lên và em bàn luận rất sôi nổi. Niềm đam mê với những môn học đó đã cho Hoài kết quả học tập khá cao. Năm học lớp 9 vừa qua, em đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm tổng kết là 8,3 và cao nhất vẫn là 3 môn học em yêu thích.
Ngày ngày, trên chiếc xe đạp cũ, Hoài vẫn chăm chỉ tới trường. Hoài cho biết, nếu cho em một sự lựa chọn, cô học sinh của trường THPT Thanh Cao B này vẫn chỉ nhận về mình có đủ điều kiện để theo học lên cao.
Tôi hẹn gặp Hoài khi em đã là sinh viên của một trường đại học nào đó tại Hà Nội. Em cười, vẻ thoáng buồn, vì với rất nhiều những khó khăn trước mắt, em chưa thể hứa hẹn gì trước cho tương lai của mình, Hoài cũng sợ mình sẽ không đạt được những điều như ước mơ em hàng ngày ấp ủ. Nhưng phía sau ánh mắt buồn ấy, tôi vẫn thấy mắt em ánh lên rất nhiều nghị lực, đam mê cũng như những quyết tâm và cố gắng.
Nguyễn Huệ