(GD&TĐ) - Vàng Thị Ghếnh dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Mán Thẩn, Si Ma Cai, huyện vùng cao và xa nhất tỉnh Lào Cai. Vượt qua bao khó khăn của gia đình và những trở lực của phong tục tập quán địa phương, Ghếnh quyết chí học hết THCS. Có lớp Sư phạm Mẫu giáo hệ 9 + 3 mở tại huyện, Ghếnh mạnh dạn xin học. Năm 2006, Ghếnh tốt nghiệp và trở về làm cô giáo mầm non tại điểm trường Xẻo Mán Thẩn, cách nhà hơn 2 km đường dốc.
Những năm đầu vào nghề, cô giáo Ghếnh gặp bao khó khăn. Vận động các nhà cho con đến lớp thật chẳng dễ dàng. Các nhà đồng ý cho con đi rồi, các cháu chưa thể tự đến lớp, bố mẹ bận việc đi làm sớm, thế là cô phải đến từng nhà đón. Có hôm trời mưa rét, cô giáo Ghếnh lưng cõng một cháu, tay dắt cháu khác, bấm chân trên đường trơn về lớp. Có tối phải vào thôn bản họp với dân để bàn việc học của các cháu, đến hơn 10 giờ đêm mới xong, Ghếnh một mình về nhà trong đêm.
Mấy năm đầu, cô giáo Ghếnh phải xách bao đến từng nhà nhận gạo để về nấu ăn trưa cho các cháu, để các cháu được học hai buổi mỗi ngày. Bây giờ đã thành nền nếp, dân đã cùng cô giáo chăm lo cho các cháu, thỉnh thoảng mới phải đi gọi, đi cõng các cháu đến lớp.
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao xa xôi, lại chỉ được học hệ Sư phạm 9 + 3 tại huyện nên cô giáo Ghếnh gặp nhiều khó khăn so với các cô giáo khác. Ghếnh lo phát âm không chuẩn, lo thiếu vốn từ để kể chuyện, giảng giải cho các cháu. Nhiều nội dung bài học chính cô giáo cũng thấy lạ, huống chi các cháu ở thôn Xéo Mán Thẩn này. Vậy nên Ghếnh phải cố học, cố luyện. Đồ chơi, đồ dùng dạy học chưa đủ, Ghếnh tự làm thêm bằng các vật liệu sẵn có. Rơm rạ, râu ngô, lõi ngô, bẹ ngô làm thành những con búp bê ngộ nghĩnh. Những khúc gỗ, khúc tre làm thành ô tô, tàu hỏa. Ban đầu thấy vợ tha lôi các thứ về thì chồng Ghếnh phàn nàn, nhưng rồi thấy vợ hí hoáy cưa cắt vất vả, anh lại ghé vào làm giúp. Giờ Ghếnh đang theo học lớp Cao đẳng tại chức để nâng cao trình độ kiến thức và nghiệp vụ.
Gia đình cô giáo Ghếnh có nhiều khó khăn. Chồng Ghếnh làm ruộng, làm nương ở nhà. Đứa con đầu 7 tuổi bị hở hàm ếch, phải đi phẫu thuật, chưa hoàn chỉnh, có thể phải phẫu thuật tiếp. Cháu thứ hai 4 tuổi, bị liệt não bẩm sinh. Hàng ngày, chồng Ghếnh vừa lo việc nhà, vừa chăm con, hết giờ ở lớp, Ghếnh mới trở về phụ giúp chồng.
Điểm trường Xéo Mán Thẩn với các cháu xinh xắn, sạch sẽ, múa dẻo hát hay và hồn nhiên hoạt bát là niềm vui lớn của cô. Đi họp, đi bồi dưỡng vài ngày, cô cháu nhớ nhau. Trở về, các cháu bi bô: “Cô đi đâu lâu quá!”. Và lần nào đi xa về cô cũng có kẹo chia cho các cháu.
Vượt lên những khó khăn nói trên, Ghếnh đã trở thành cô giáo mầm non có nghiệp vụ vững vàng. Ghếnh đạt danh hiệu giáo viên giỏi của huyện Si Ma Cai. Vừa qua, Ghếnh cùng 6 đồng nghiệp của huyện đi dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Ghếnh hoàn thành tốt bài thi kiến thức, thi chuyên đề và các tiết dạy. Cô giáo Ghếnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc học mầm non năm học 2012 – 2013.
Cao Văn Tư