Chàng trai "vàng" Olympic tin học quốc tế

Chàng trai "vàng" Olympic tin học quốc tế

(GD&TĐ) - Sau 7 năm vắng bóng HCV trên trường quốc tế ở bộ môn Tin học, Việt Nam đã ghi dấu ấn cho sự quay trở lại đầy ánh hào quang của mình bằng tấm HCV Olympic tin học quốc tế lần thứ 23 tổ chức tại Thái Lan. Người mang về niềm tự hào cho nền giáo dục nước nhà là bạn Nguyễn Vương Linh, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên KHTN – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cú sốc trở thành bước ngoặt lớn trong đời

Linh được coi như một “hiện tượng” không chỉ của Hà Nội mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Khi tôi tìm tới nhà Linh, cả gia đình, người thân, thầy cô, họ hàng, làng xóm,… vẫn chưa hết phấn khởi khi con em mình vừa làm nên một kì tích. Góc học tập của em cũng thật đơn giản, ngoài máy tính phục vụ cho học tập và sách vở, em không đòi hỏi gì thêm cho mình.

Linh theo học chuyên toán của trường. Em không bao giờ quên được cú sốc và cũng là bước ngoặt đã đưa em tới với môn Tin. Trong kì thi chọn đội tuyển toán quốc gia năm lớp 10, qua 3 vòng thi em đứng thứ 11 trong khi danh sách đi thi chỉ có 10 bạn. Ước mơ được cống hiến cho môn học mình đam mê bỗng chốc như bọt bong bóng xà phòng, Linh thấy buồn nhiều. Nhưng Linh đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và có bước “chuyển mình” đáng nể phục sang môn Tin. Ban đầu Linh cũng gặp phải sự phản đối của gia đình, nhưng sự cương quyết của bản thân đã giúp Linh thuyết phục được mọi người và em đã có được sự ủng hộ của tất cả.

 Nguyễn Vương Linh bên tấm HCV Olympic tin học quốc tế lần thứ 23 tổ chức tại Thái Lan.
Nguyễn Vương Linh bên tấm HCV Olympic tin học quốc tế lần thứ 23 tổ chức tại Thái Lan.

Thời gian đầu khi mới chuyển sang chuyên sâu về Tin, Linh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của thầy cô, sự động viên của gia đình, sự nỗ lực của bản thân và đặc biệt là lượng kiến thức toán mà em đã có được trước đó thì sau kì thi quốc gia năm 2010, Linh cảm thấy mình đã thực sự bắt kịp các bạn ở top trên.

Một ngày của Linh cũng bình thường như các bạn học sinh khác: lên lớp, về nhà học bài, lúc rảnh rỗi xem tivi, đọc sách, chơi cờ vua,… Với riêng Linh cờ vua là môn thể thao em đam mê vì nó không chỉ cho em những phút giây thư thái mà còn rèn cho em có được trí nhớ tốt.

Với những thành tích đã đạt được: 12 năm là học sinh giỏi, giải nhất Tin học quốc gia năm 2011, HCV Olympic tin học quốc tế,… Nhưng Linh chưa bao giờ nhận mình là người thông minh hay có trí nhớ siêu phàm mà có lẽ “em là người may mắn hơn các bạn khi luôn chọn được cho mình con đường đi đúng. Bản thân em đã được trang bị một lượng kiến thức toán học rất lớn cũng như khả năng suy luận tương đối tốt, nhưng em lại thiếu sự kiên trì trong việc giải quyết một vấn đề nào đó cũng như khả năng nhận diện những vấn đề xẩy ra trong một bài toán” – Linh chia sẻ.

Càng nói chuyện với Linh tôi càng nhận được ở em sự khiêm tốn vì trong mỗi câu trả lời của em đều toát lên cái “tầm” mà không phải ở bất kì ai cũng có được. “Cháu nó là một thần đồng. Lúc Linh mới được 3 tuổi, khi bố đi vắng, có người tới mua nguyên vật liệu, Linh đã tự kiểm tra cân. Cả tỉnh Hà Tây chưa bao giờ có được người đạt thành tích cao như thế này” – Bác Lê Duyên (hàng xóm của Linh) không giấu nổi niểm tự hào khi nhắc đến Linh. Còn bố Linh, chú Nguyễn Văn Khuê dù rất bận rộn với công việc buôn bán nhưng mỗi khi có ai muốn được gặp Linh, chú đều tiếp đón rất chú đáo: “Năm cháu lên 5 tuổi, chưa biết chữ, chưa biết số nhưng từ tên cầu thủ, tới số áo của 32 đội bóng tham dự Worlcup 98 tại Pháp, cháu đều nhớ hết. Đội nào lọt vào vòng nào, ghi bao nhiêu bàn thắng Linh đều nắm được. Giây phút cháu nó đạt HCV, tôi vui lắm, lúc đó tôi và Hạnh (em gái Linh) đã hô rất to: HCV rồi, HCV rồi,… Mặc dù trước đó tôi không gây áp lực cho cháu là phải đạt huy chương này huy chương kia mà cháu được đi thi quốc tế là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Luôn biết mình biết người

Đạt được HCV, đó là một niềm vinh dự, Linh cảm thấy khá thoải mái nhưng vẫn có phần nuối tiếc. Linh nghĩ mình có thể đạt được HCV mà không khiến mọi người ở nhà phải trải qua những giờ phút căng thẳng, hồi hộp khi theo dõi kết quả thi đấu của em. Đây là điều bất ngờ đã nằm trong dự tính. Trước ngày đi thi, thầy cô luôn ở bên động viên các học trò cưng của mình, không bao giờ tạo ra áp lực huy chương hay điểm thi mà chỉ cần các em cố gắng hết mức. Chính điều đó đã góp phần củng cố thêm sự tự tin trong mỗi người trước những giờ phút quyết định.

Linh thi trong 2 ngày, mỗi ngày 5 tiếng với 3 bài thi. Ban đầu em rất lạc quan nhưng sau cũng thấy run. Trong ngày đầu Linh được 269/300 điểm. Ngày thứ 2, khi đạt được 207 điểm, Linh biết đó là ngưỡng mà ai cũng có thể đạt được. 8 phút cuối Linh đã lấy lại bình tĩnh ghi thêm 12 điểm nữa để giành ngôi quán quân. Nếu không có 12 điểm đó em sẽ thua bạn đạt HCB 2 điểm.

Linh không có nhiều kinh nghiệm nhưng theo em cần nhất để làm nên thành công đó là sự nghiêm túc trong công việc và luôn biết mình, biết người. Học không chỉ là học ngày học đêm mà còn là học để nhận biết được điểm mạnh điểm yếu của mình mà biết cách khắc phục. Đồng thời phải biết cách đào sâu các bài tập và luyện tập móc xích chúng lại với nhau. Chính vì “biết mình biết người” nên sau mỗi kì thi, Linh luôn tự đi tìm cho mình những câu hỏi từ những bạn đứng đầu: Tại sao các bạn lại có thể làm được những điều như thế? Tại sao các bạn lại có được lượng kiến thức cực kì phong phú đó?,… và tự đi tìm câu trả lời. Nhưng càng đi tìm Linh lại càng thấy ở họ có nhiều điều bí mật mà sẽ không khi nào được bật mí hết. Với các bạn học sinh quốc tế cũng thế, Linh cũng học được ở họ rất nhiều, đặc biệt là cách làm việc của họ chỉ trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả cao.

Linh tự viết cẩm nang cho mình. Cẩm nang đó khá nhiều và cũng rất lộn xộn nhưng tựu chung lại đó là những điều nuôi dưỡng giấc mơ của Linh và dạy em bài học không được gục ngã trước mọi khó khăn.
Trong cuộc sống cũng như học tập của mình, Linh có cho mình rất nhiều những người mà em thấy cần học tập. Đó là bố mẹ, thầy cô, bạn bè,... Nhưng những bản nhạc không lời của Yanni đã thực sự có tác động lớn tới em. Nhạc của ông làm cho cuộc sống trở nên kì diệu. Có những câu chuyện có thật trong đời sống, có nhiều người khi nghe nhạc của ông mà cảm thấy yêu đời hơn. Linh chỉ đơn giản là nghe nhạc và cảm nhận âm nhạc nhưng em thấy điều đó là đúng.

Tính cách của Linh cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây Linh là người khá bộp chộp và rất bướng bỉnh, hay mất bình tĩnh nhưng càng tới gần ngày thi Olympic em càng thấy mình tự tin và bình tĩnh hơn. Linh thích được trở thành người tự lập, được đi trên đôi chân của mình và làm những gì mình đam mê. Linh luôn tự cho mình là người bướng bỉnh, nhưng với bố mẹ Linh, em lại là người hiền lành, không so bì, không cãi lại ai bao giờ, không đòi hỏi thiệt hơn với bạn bè. Từ những ngày Linh mới bước chân ra nội thành, bố mẹ rất lo cho em, nhưng với bản lĩnh của mình, với tính cách không thích thụ hưởng hay chơi bời cùng với niềm đam mê học dần dần Linh đã xóa đi những lo lắng của bố mẹ về cuộc sống xa nhà của mình.

Hỏi về những dự định sau này, Linh chỉ cười “Em chưa xác định gì cho mình. Điều quan trọng nhất với em bây giờ là nghỉ ngơi để chuẩn bị trở thành tân sinh viên của đại học Công nghệ và sau này được cống hiến hết mình cho công nghệ”.
 

Nguyễn Huệ