(GD&TĐ) - Ở Sơn La, người ta gọi “cậu bé vàng” Vật lý của mình là Ngô Bảo Long, dù tên thật của em là Ngô Phi Long. Ban đầu tôi tưởng em bị nhầm tên, hoá ra hoàn toàn có ý trong cách gọi ấy: Việt Nam có Ngô Bảo Châu là viên ngọc quý của Toán học, thì Sơn La có Ngô Bảo Long, con rồng quý của Vật lý. Những thành tích quốc tế vô tiền khoáng hậu của Long, thực sự đã đưa tên tuổi Trường THPT Chuyên Sơn La đến với bạn bè quốc tế, làm rạng danh nền GD nước nhà…
“Cậu bé vàng” Vật lý mê học… Toán
Thực tế ấy được minh chứng từ chính lựa chọn của Long khi bắt đầu bước chân vào trường THPT chuyên của tỉnh: Học lớp chuyên Toán. Điều ấy cũng dễ hiểu: Năm lớp 9, Long đoạt giải Nhì học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, giải Nhì kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia. Tấm Huy chương Vàng em dành được tại Trại hè Hùng Vương năm học lớp 10 cũng là từ môn Toán. Thế nhưng, Vật lý mới là niềm đam mê đích thực của con rồng nhỏ trên vùng núi Tây Bắc này.
Thiết nghĩ cũng nên nêu lại chi tiết bảng vàng thành tích có thể coi là kỷ lục quốc gia của Ngô Phi Long: Năm 2012, khi đang học lớp 11, Long giành Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á và Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Đấy là chưa kể giải Nhất tỉnh và giải Nhất quốc gia cũng môn Vật lý em đạt được cùng năm.
Những tưởng đó đã là thành tích khó có ai qua được trong những kỳ “đem chuông đi đánh xứ người”. Thế nhưng, chỉ đúng một năm sau, tự Ngô Phi Long đã vượt qua kỳ tích của chính mình, với tấm Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á (Apho) diễn ra tại Indonesia tháng 5/2013. Chỉ hai tháng sau, tại kỳ thi Olympic Vật lý 2013 diễn ra tại Đan Mạch, Ngô Phi Long là một trong hai em học sinh của đoàn Việt Nam tham dự đoạt Huy chương Vàng, đưa bảng vàng thành tích dự thi Vật lý quốc tế của Việt Nam lên cao nhất từ trước tới nay, được bạn bè quốc tế nể phục.
Niềm đam mê Vật lý có thể nói đã có trong máu của Ngô Phi Long từ… trước khi cậu chào đời. Lẽ đơn giản, bố mẹ Long đều là giáo viên Vật lý của Trường THPT Chuyên Sơn La. Đặc biệt, anh Ngô Quang Tuấn, bố Long, còn là giáo viên dạy đội tuyển kỳ cựu của trường, với hàng trăm học sinh có giải tỉnh, hàng chục học sinh có giải quốc gia từ nhiều năm qua. Thành tích cao nhất mà anh Tuấn được học sinh mang lại, chính là từ cậu con trai cưng của mình, với những tấm Huy chương quốc tế mà ngay nhiều trường THPT chuyên trong nước có bề dày thành tích hơn rất nhiều cũng không đạt được.
Ngô Phi Long lắng nghe lời dặn dò của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân dịp trở lại trường, dự khai giảng năm học 2013 – 2014 và nhận quà tặng của Phó Chủ tịch nước |
Ước mơ thành nhà Vật lý quốc tế
“Khi ôn đội tuyển, tôi cũng coi Long như mọi học sinh khác. Học ra học, chơi ra chơi. Ở nhà thì lại là tình cảm bố con, mình cũng chỉ nhắc nhở cháu tập trung học hành, nếu không phải giai đoạn ôn luyện cho kỳ thi thì đừng quá chú trọng vào một môn mà phải để ý cả những môn học khác. Cũng may, Long không phải là đứa học lệch. Các môn học khác cháu cũng khá, nên cả 12 năm đều là học sinh giỏi”, anh Tuấn nói về cậu con trai của mình một cách giản dị như đối với bất kỳ một đứa trẻ trung bình khá nào chứ không phải là một cậu bé vàng của môn Vật lý nước nhà.
Tôi không thể không hỏi Long: “Vì sao đam mê Vật lý từ bé mà em lại chọn chuyên Toán?”. Long cười hồn nhiên: “Em thích cả hai môn, có điều Toán kém hơn Lý một chút. Hơn nữa, từ lúc còn học cấp 1 em đã được làm quen với Vật lý nhờ sách vở, tài liệu của bố mẹ mang về. Tiếc là không dành được thời gian cho cả hai môn một lúc, không thì em cũng đã thi cả Toán nữa”. Nói rồi Long lại cười: “Em thích nhất nhà bác học Albert Einstein. Ông cũng rất mê học Toán, dù thành tựu đạt được là từ Vật lý. Ông có câu nói mà những người học Vật lý như em ai cũng biết: Tôi học Toán để học Vật lý cho tốt”.
Thời điểm này, khi các bạn học cùng trường THPT Chuyên Sơn La của Long phần lớn đã trở thành tân sinh viên một trường đại học ở các thành phố lớn trong nước, Long lại đang dành thời gian để ôn luyện tiếng Anh ở Hà Nội, song song với việc hoàn thiện các hồ sơ để lên đường du học. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều ngôi trường danh tiếng trên thế giới đã gửi lời mời đến Long với những hỗ trợ khá hấp dẫn. Long cho biết sẽ lựa chọn một trường đại học thích hợp ở Mỹ, để có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê Vật lý.
“Em không dám mơ ước được như anh Ngô Bảo Châu, nhưng em sẽ phấn đấu trở thành nhà nghiên cứu Vật lý. Em thích nhất Vật lý ứng dụng. Cái này thế giới cũng đang cần. Nhưng bây giờ, phải tập trung học tiếng Anh đã. Xem ra, để thông thạo được, tiếng Anh còn khó hơn cả Vật lý anh ạ”, Long nheo mắt tinh nghịch sau đôi kính cận dày cộp. Dáng dấp một nhà khoa học tương lai đã phảng phất trên khuôn mặt đầy vẻ trí thức này…
Khánh Sơn