(GD&TĐ) - Thầy Nguyễn Hữu Đôn (THPT Kon Tum), cô Hồ Thị An (THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành), cô Y Bya Klach (Mầm non Nắng Mai –TP Kon Tum) là 3 trong số 152 giáo viên được Sở GD&ĐT Kon Tum tuyên dương giáo viên tiêu biểu trong dịp Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Cho dù mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại ở họ đều có chung một chữ TÂM trong sáng, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Thầy Nguyễn Hữu Đôn
Tốt nghiệp khoa Toán - Đại học Sư phạm Huế, năm 1979, thầy Nguyễn Hữu Đôn đến với vùng đất Kon Tum theo điều động của Bộ GD&ĐT. Nhớ về những năm tháng gian khó ấy, thầy vẫn không hết ngậm ngùi vì trong số những người bạn cùng khóa đến Kon Tum năm ấy hôm nay chỉ còn lại mình thầy trụ lại với nghề.
Trải qua muôn vàn gian khó là vậy nhưng thầy chưa một lần hối tiếc vì đã chọn vùng đất Kon Tum để lập nghiệp, chọn nghề giáo để mưu sinh. 56 tuổi đời thì có 34 năm đứng trên bục giảng (THPT Kon Tum, THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành), 32 năm làm giáo viên chủ nhiệm, 30 năm đảm nhận Tổ trưởng chuyên môn, 22 năm đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, tất cả những gì Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Đôn làm đều mang cái tâm trong sáng của một nhà giáo hết lòng vì học sinh. Thầy tâm sự: Gần gũi thế hệ trẻ là niềm hạnh phúc. Bên các em, tôi như thấy mình trẻ lại, lòng mình cũng trong sáng. Do đó, tôi luôn dạy cho các em phải biết sống nhân ái, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phải biết đam mê và tự tin vào khả năng của chính mình.
Không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả, thầy đã cùng với các thầy cô trong tổ chuyên môn đào tạo được 6 học sinh đạt giải HS giỏi quốc gia môn Toán và nhiều huy chương trong các kỳ thi Olimpic, học sinh lớp thầy chủ nhiệm đỗ Đại học đạt tỷ lệ 100%. Với vai trò là Tổ trưởng tổ chuyên môn, thầy luôn có ý thức xây dựng đội ngũ trưởng thành thông qua việc tăng cường dự giờ thăm lớp để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phân hóa đối tượng... Bởi vậy, hàng năm tổ chuyên môn của thầy đều đạt danh hiệu xuất sắc; trong số 15 giáo viên thì có 6 giáo viên đạt GVG cấp tỉnh, 7 GVG cấp trường... Bản thân thầy cũng “rinh” về hàng loạt danh hiệu: Nhà giáo ưu tú (năm 2008), Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Bộ GD&ĐT (2009), Bằng khen cuả Thủ tướng Chính phủ (2012)...
Làm nghề giáo, sống vì nghề giáo nên thầy luôn giản dị trong lời ăn, nếp nghĩ, đơn giản hóa từng hành động để gần gũi hơn với học trò của mình. Thầy không chỉ tận tình, hướng dẫn học sinh khám phá những điều mới mẻ của chân trời toán học, giúp học sinh hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, giá trị của thành công mà còn là người cha mẫu mực để các em lấy đó làm điểm tựa cho hành trình tương lai của mình.
Cô Hồ Thị An
20.11 năm nay, ngoài việc được Sở GD&ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, cô Hồ Thị An – Tổ trưởng Tổ Anh văn (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) vinh dự được nhận danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú. Để có được danh hiệu ấy, với cô là một hành trình 32 năm nỗ lực không mệt mỏi cho nghiệp trồng người. Cô quan niệm: Đã là nhà giáo thì phải có chữ tâm, có chữ tâm thì mới nảy sinh chữ tài và đặt chữ tài đúng chỗ. Hơn nữa, trước khi giáo dục người khác thì người thầy phải giáo dục chính mình. Bởi vậy, người thầy phải luôn cập nhật kiến thức và đạo đức để trở thành tấm gương sáng cho học trò noi theo. Còn bản thân tôi, khi làm việc không bao giờ nghĩ đến những bằng khen và giải thưởng mà chỉ nghĩ làm sao làm tốt công việc được giao, làm sao để nâng cao được hiệu quả từ mỗi bài giảng...
Trong quá trình giảng dạy bản thân cô luôn áp dụng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, linh hoạt trong xử lý nghiệp vụ sư phạm, vừa nghiêm khắc vừa dịu dàng, khuyên nhủ... nên đã “gỡ rối” cho không biết bao học trò khi gặp chuyện khó khăn. Với kinh nghiệm 32 năm đứng lớp, gần 20 năm công tác ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cô nhận thấy phần lớn học sinh trong quá trình học Anh văn còn hạn chế về kỹ năng nói. Vậy nên, cô luôn chịu khó tìm tòi và có các sáng kiến kiến kinh nghiệm về luyện kỹ năng nói cho học sinh như: Một số phương pháp phát triển kỹ năng nói trong dạy học cho học sinh THPT; Những bài tập thực hành (Drills) áp dụng cho kỹ năng giao tiếp... Trong các tiết dạy, ngoài việc tăng cường cho các em kỹ năng nghe, đọc, viết, cô áp dụng phương pháp phân cặp, nhóm trong luyện nói, giao các bài tập luyện nói cho học sinh... Những phương pháp mà cô áp dụng cộng với sự nhiệt tình, trách nhiệm nên hàng năm, cô và các giáo viên trong tổ chuyên môn bồi dưỡng được nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, đạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi Olimpic...
Lặng lẽ hướng đến những giá trị đẹp nhất, lung linh nhất của đạo làm thầy, cô giáo Hồ Thị An cảm thấy đong đầy hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của lớp lớp thế hệ học trò và sự yêu thương, mến trọng của đồng nghiệp, của học sinh và của phụ huynh.
Cô Y Bya Klach
15 năm trong nghề, cô giáo người dân tộc Ba Na - Y Bya Klach, giáo viên điểm trường Plei Rơ Hai II (Trường MN Lê Lợi, TP Kon Tum) luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn của đời thường hết mình vì các em thơ. Cô tâm sự: Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đối với giáo dục ở vùng DTTS, muốn nâng cao được chất lượng trước hêt phải làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh. Vậy nên cho dù đã chuyển công tác qua nhiều trường khác nhau nhưng việc đầu tiên tôi làm sau khi tiếp nhận lớp là bắt tay vào tìm hiểu đời sống, hoàn cảnh của các cháu. Tôi đến tận nhà già làng, thôn trưởng – nơi có học sinh theo học để nắm bắt tình hình. Cháu nào vắng học, tôi lại đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng và vận động bà con đừng địu con lên rẫy mà cho các cháu đến lớp để vừa đảm bảo sức khoẻ vừa được học chữ. Nhờ vậy nên các lớp học ngày một đông trẻ hơn..
Cùng với việc làm tốt công tác duy trì sĩ số, cô Y Bya Klach đã không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng trực quan sinh động, gần gũi đời sống giúp cho các em học sinh DTTS dễ hiểu, dễ tiếp thu. Từ các vật dụng phế thải, cô đã tận dụng làm đồ chơi cho các cháu như: xâu chuỗi bằng nắp chai, những mảnh gỗ tận dụng làm nhà rông, hộp giấy tận dụng làm xe ô tô…Những đồ chơi dân dã này cộng với phương pháp dạy học gần gũi đã giúp cho các cháu thích đến lớp hơn… Ngay như ở điểm trường Plei Rơ Hai II hiện cô đang phụ trách, năm nào cũng vậy, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%.
15 năm trong nghề, 10 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô cảm thấy hạnh phúc vì đã được đem công sức của mình để giúp cho bà con dân làng nơi mình sinh ra và lớn lên… “Dù còn nhiều khó khăn nhưng được giúp bà con trong làng, được chăm sóc, dạy dỗ cho thế hệ trẻ người Ba Na ngay từ bậc học nền tảng đầu đời là tôi cảm thấy vui lắm rồi” – cô Y Bya Klach chia sẻ.
Bài, ảnh: Nguyên Phúc