2 giáo viên Việt Nam được chọn làm chuyên gia cố vấn Microsoft

2 giáo viên Việt Nam được chọn làm chuyên gia cố vấn Microsoft
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số 3 chuyên gia giáo dục vừa được Microsoft Việt Nam lựa chọn là "Chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu" thì có 2 giáo viên đang dạy cấp tiểu học và THPT.

Cụ thể, đó là giáo viên Phạm Đặng Mai Linh (Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Đà Lạt), giáo viên Tô Thụy Diễm Quyên (Trường THCS Đức Trí, TP. Hồ Chí Minh) và bà Nguyễn Thúy Hồng (Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cùng đó, trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cũng được Microsoft vinh danh là trường đạt danh hiệu “Trường học Cố vấn toàn cầu” của hãng năm 2014.

Các chuyên gia của cả hai chương trình sẽ trở thành thành viên tham dự sáng kiến độc quyền trong 1 năm, làm việc cùng Microsoft để thúc đẩy đổi mới trong giảng dạy, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả công nghệ trong giáo dục với đồng nghiệp, các nhà hoạch định chính sách; tư vấn về sử dụng sản phẩm và công cụ Microsoft cho các giáo viên khác.

Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục và trường học được lựa chọn sẽ được tham gia diễn đàn giáo dục Microsoft toàn cầu tổ chức tại Barcelona tháng 3/2014, được tặng một máy tính Surface cho trường học, được quyền truy cập đến thông tin về chiến lược và các công nghệ của Microsoft…

Mỗi năm, chương trình “Chuyên gia Giáo dục toàn cầu” của Microsoft sẽ chọn ra 250 nhà giáo làm thành viên của cộng đồng giáo dục sáng tạo toàn cầu, những người dùng công nghệ để tạo tác động tích cực với học sinh sinh viên, làm chuyển biến tích cực kết quả học tập.

Để được lựa chọn, các nhà giáo cần trải qua một quy trình nghiêm ngặt bao gồm dùng một ứng dụng trực tuyến, tạo ra các hoạt động và video học tập (độ dài 2-3 phút) để mô tả dự án và cách sử dụng công nghệ, sáng tạo trong thực hành giảng dạy, tạo kết quả tốt hơn cho học sinh.

Còn để được lựa chọn là “Trường học Cố vấn toàn cầu” Microsoft, các trường phải có thành tích tốt về giáo dục, về quản lý cộng đồng và môi trường trường học; giảng viên được lựa chọn dựa trên sự đổi mới, kỹ năng dẫn dắt kèm hiệu quả sử dụng công nghệ để tạo kết quả học tập tốt hơn cho học sinh, sinh viên.

Theo ICTnews