back

Báo Giáo dục và Thời đại OnlineE-magazine

Sau nhiều giờ làm việc vất vả, chị Hoàng Thị Liên (sinh năm 1984 ở xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) dừng tay, trò chuyện cùng khách hàng và bắt đầu nhẩm tính các loại chi phí dịch vụ một cách thuần thục.

Với nhiều người làm trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, có thể việc nhẩm tính giá tiền sản phẩm là điều thường nhật, lặp đi lặp lại, trở thành thói quen, thậm chí “chẳng có gì đáng nói”. Còn với chị Liên, đây là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bền bỉ theo học lớp xoá mù chữ trong nhiều tháng trời.

“Nhiều lúc tính toán, viết chậm nên có phần hơi ngại nhưng giờ đây, tôi đã tự tin hơn khi viết chữ và tính toán tiền cho khách hàng”, chị Liên phấn khởi chia sẻ.

Cũng như chị Liên, từ ngày biết chữ, cuộc sống của bà Nông Thị Nhiên sinh năm 1968 (ở xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) như bước sang trang mới. Thay vì chỉ quanh quẩn bên gian bếp, chăm lo cơm nước, lo việc đồng áng. Giờ đây, bà Nhiên có thể đọc chữ trên tivi, sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, tìm kiếm thông tin, hay tự tin đi chợ phiên, trò chuyện, giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Bà Nhiên vui mừng trải lòng: “Giờ đây, tôi thích đọc sách, viết chữ, đêm nào tôi cũng học một tiếng rồi mới yên tâm đi ngủ”.

Chị Liên, bà Nhiên, chỉ là 2 trong số rất nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn tích cực tham gia lớp học xoá mù chữ.

Phải là người có mặt trực tiếp nơi đây mới có thể cảm nhận được chân thật nhất những đổi thay trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi xứ Lạng kể từ khi biết đọc, biết viết.

Từ những người dân bản địa tự ti, nhút nhát và luôn e dè, coi tiếng phổ thông là “ngôn ngữ thứ hai”, bà con nơi đây đã cởi mở hơn, tự tin giới thiệu nông sản quê hương ở những phiên chợ đông đúc. Trong công việc sản xuất, nhờ biết chữ, họ dễ dàng tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng cao….

Những đổi thay ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn hôm nay là thành quả, trái ngọt của công tác xoá mù chữ. Phong trào học tập, chống nạn mù chữ đã được chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và nhận được sự ủng hộ quyết liệt từ bà con nơi huyện cao.

Bà Phan Mỹ Hạnh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) khẳng định, trong những năm qua công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn luôn tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch xóa mù chữ, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của công tác này.

Cũng theo bà Hạnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, Trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia học xóa mù chữ, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Không chỉ vậy, ngành Giáo dục Lạng Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, chính sách hỗ trợ đối với những người học, cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người dân về công tác xóa mù chữ.

Các trung tâm học tập cộng đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.

“Hiện Sở GD&ĐT đã trang bị 200 trang thông tin điện tử cho 200 Trung tâm học tập cộng đồng; ban hành Quy chế hoạt động của trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ ngành giáo dục tỉnh.

Chúng tôi còn hướng dẫn phòng GD&ĐT, trung tâm học tập cộng đồng khai thác, lập kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ, lập hồ sơ thanh quyết toán; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức dạy học xóa mù chữ, cách tuyên truyền, huy động người dân tham gia học; hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ”, bà Mỹ Hạnh nói.

Song song với đó, Sở GD&ĐT Lạng Sơn chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức tuyên truyền tới người dân trên địa bàn trong cuộc họp dân của thôn, xã, lồng ghép tuyên truyền trong các chuyên đề về phát triển kinh tế, tiếp cận hộ gia đình tuyên truyền về lợi ích của việc biết chữ, huy động người dân tham gia học tập.

Ngoài ra, tổ chức mở lớp học theo hình thức linh hoạt, phù hợp với tập quán sinh hoạt và canh tác của học viên, đảm bảo cho học viên vừa làm kinh tế vừa tham gia học tập nâng cao kiến thức, hiểu biết của bản thân.

Xác định việc tổ chức các lớp học xoá mù chữ đã khó, nhưng việc duy trì, lan toả và tạo dựng môi trường, không khí học tập bền vững còn khó khăn hơn, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm động viên học viên kiên trì theo học.

Đơn cử như trong năm 2022, HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết liên quan đến công tác xây dựng xã hội học tập và công tác xoá mù chữ: Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND, theo đó từ tháng 12/2022 mỗi người dân tham gia học xoá mù chữ được hỗ trợ tài liệu, học phẩm theo quy định và hỗ trợ 1 triệu đồng sau khi hoàn thành 1 giai đoạn học tập.

Đồng thời hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ trên địa bàn trong đó có việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về công tác xoá mù chữ.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó chủ tịch thường trực tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc. Riêng đối với Sở GD&ĐT, tỉnh chỉ đạo phối hợp với đài phát thanh truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động xóa mù chữ, trang bị trang thông tin điện tử cho 100% các Trung tâm học tập cộng đồng trong toàn tỉnh.

Ngành GD&ĐT chủ động trong công tác tuyên truyền đến người dân ý nghĩa của việc biết chữ; tổ chức quay video các tiết dạy mẫu trong chương trình dạy học xóa mù chữ để đăng tải lên trang thông tin điện tử; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ; tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác xóa mù chữ, Hội thảo nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng...

Chỉ đạo ngành Giáo dục tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về công tác xoá mù chữ; tăng cường công tác điều tra, khảo sát, vận động người dân tham gia học xóa mù chữ, đảm bảo cơ sở vật chất lớp học, bố trí đủ giáo viên giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.

“Trong 2 năm vừa qua, toàn tỉnh mở được 62 lớp xóa mù chữ cho hơn 1300 học viên, đạt chỉ tiêu so với kế hoạch. Tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 60 đạt 96,46% tăng 0,59% so với năm 2022; toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2”, ông Dương Xuân Huyên cho biết.

Điều đáng mừng, là mỗi thành viên của lớp học xoá mù chữ nơi đây không chỉ đơn thuần là học viên, họ còn tích cực trong việc lan toả, truyền cảm hứng, vận động nhiều người dân trong bản tham gia học tập.

Nhiều học viên sau khi tham gia lớp học có khả năng giao tiếp tốt hơn, thực hiện tốt một số thủ tục hành chính, ổn định và phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, họ sẵn sàng làm tình nguyện viên để tham gia vào công tác vận động người dân ở thôn, làng, bản mình tham gia lớp học xoá mù chữ.

Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả xoá mù chữ được Chính phủ quan tâm đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác xoá mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Theo đó Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư; biên soạn và in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xoá mù chữ dành cho giáo viên, học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng, cán bộ giáo dục các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định công nhận các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ theo các mức độ.

Theo báo cáo về thực trạng công tác xoá mù chữ của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được 53.965 người ra học xoá mù chữ, trong đó có 44.087 học viên là người dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,85% và 97,29%.

NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN Đồ họa: TIẾN THÀNH
NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN

Đồ họa: TIẾN THÀNH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.