“Xin chào cả lớp, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bài học chủ đề bảo vệ môi trường”.
17 giờ chiều, khi sương xuống giăng trên các cành cây, tiếng cô Triệu Thị Tuyết (giáo viên Trường Tiểu học và THCS 1 An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cất lên quen thuộc, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của núi đồi, báo hiệu một buổi học mới bắt đầu.
Không chậm trễ, từng học viên nhanh tay mở sách vở, chuẩn bị bút mực sẵn sàng, chăm chú nghe hiệu lệnh của cô giáo. Bao quanh rừng hồi là ánh đèn le lói phát ra từ nhà văn hoá thôn Quang Bí, cùng với tiếng ê, a đánh vần rôm rả pha giọng nói nhẹ nhàng hướng dẫn của cô giáo, … tất cả minh chứng cho một không khí học tập nghiêm túc đang diễn ra.
Điều bất ngờ, lớp học này không phải dành cho những cô, cậu học trò ở độ tuổi tiểu học mà là những bà con từ 30 đến 55 tuổi – độ tuổi ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh, tối về cắp sách lên lớp kiếm con chữ.
Trước đây, giữa miền núi cao xứ Lạng, được học “cái chữ” là ước mơ xa xỉ của nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số và bà Nông Thị Nhiên sinh năm 1968 (ở xã An Sơn) cũng vậy. Đôi bàn tay nứt nẻ, đầy nếp nhăn, chai sạn của bà Nhiên đang nắn nót cầm bút viết cẩn thận từng chữ, từng chữ… Viết hết mỗi câu thơ, bà Nhiên chậm lại một nhịp, dò tay theo, đánh vần và đọc thành tiếng. Ngắm nhìn thành quả của mình, bà nở nụ cười thật mãn nguyện như tự thưởng cho sự tiến bộ của bản thân.
Bà Nhiên sinh ra trong một gia đình người dân tộc Tày vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đông anh em, đang học lớp 2, bà phải nghỉ giữa chừng theo người dân trong làng đi gánh bia thuê kiếm tiền phụ gia đình mưu sinh.
“Lúc đó đói, khổ quá, cả nhà không đủ ăn, tôi thấy người dân trong làng đi gánh bia có tiền đong gạo đã nghỉ học đi theo. Sức nhỏ nên tôi chỉ gánh được 8 chai, mỗi bên bốn chai, ngày gánh ba đến bốn chuyến”, bà Nhiên kể lại.
Vì không biết tính toán tiền công, mỗi ngày làm xong bà Nhiên phải nhờ chị họ tính giúp. “Cuối ngày, chị đưa bao nhiêu thì cầm về đưa cho bố mẹ đong gạo, mua mắm”, bà Nhiên nhớ lại.
16 tuổi đi lấy chồng, do không biết chữ, bà chỉ quanh quẩn ở nhà làm nương, ruộng cho gia đình. Cũng vì không biết chữ, cuộc sống của bà Nhiên thu hẹp ở trong thôn bản, không dám đi chợ mua bán cho gia đình. Nếu hôm nào nhà hết mắm muối, mẹ chồng bận quá không đi chợ được, bà Nhiên sẽ được mẹ ghi cho một tấm giấy những thứ cần mua cầm ra chợ nhờ người ta chỉ giúp.
“Tôi vẫn nhớ mãi mỗi lần đi chợ rất sợ bị lạc đường hay về nhà mẹ chồng sẽ kiểm tra hàng hoá cần mua có đủ không? Lúc đó, tôi lo lắng vô cùng”, bà Nhiên kể lại.
Cũng chính vì không biết chữ, bà Nhiên đã bỏ qua quãng thời gian được gần gũi, dạy con học. Mỗi lần con kêu bài khó, bà chỉ biết dẫn con đi nhờ người khác.
“Cảm giác bất lực, xót xa vô cùng”, ánh mắt ngấn lệ của bà Nhiên nhìn xa xăm về hướng ngọn đồi trước mặt.
Khi biết tin xã An Sơn vận động người chưa biết chữ đến lớp, bà Nhiên là một trong số người đầu tiên chủ động viết đơn lên Uỷ ban nhân dân xã xin được đi học.
Ngày ngày đi làm thuê, tối về đến lớp, nhưng đêm nào trước khi đi ngủ bà Nhiên vẫn miệt mài ôn lại bài. Đến nay, bà đã biết tính toán đơn giản, tự đọc thơ lưu loát. Giờ đây nếu vô tình nhìn thấy một mẫu giấy có chữ viết hay tờ báo bà Nhiên tự tin cầm lên đọc, dù đọc không nhanh nhưng bà vui vì mình hiểu ý nghĩa được viết trên đó.
Không riêng bà Nhiên mà 10 người dân xã An Sơn, mỗi người một hoàn cảnh, có người cách gần chục km đường rừng, không biết đi xe nhưng vẫn tìm mọi cách để đến lớp học xoá mù chữ đầy đủ. Họ khát khao được biết chữ, tự tin giao tiếp, tìm kế thoát nghèo.
Cách xã An Sơn khoảng 10km, công tác xoá mù chữ cũng đang được chính quyền địa phương, ngành giáo dục đẩy mạnh.
18 giờ tối, anh Nông Văn Thuần ở thôn Khòn Cải, xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn kết thúc một ngày làm nương và di chuyển về nhà. Không kịp ăn cơm, thay đồ, anh đến lớp học xoá mù chữ trong bộ đồ lao động cùng hành trang là cuốn sách giáo khoa, quyển vở ô ly và chiếc bút bi.
Rảo bước trên con đường núi ngoằn nghèo, trắc trở để đến lớp học, cái lạnh giá của đêm đông cộng thêm cơn đói, cái mệt sau một ngày lao động vất vả không làm anh lùi bước, bớt đi ý chí, khát khao được học chữ.
Thuần không may mắn như những bạn cùng trang lứa. Ở cái tuổi được vô tư cắp sách đến trường, anh lại phải từ bỏ ước mơ học tập để làm nương, gánh vác gia đình bởi bố bị bệnh nặng, hai anh trai bị tai nạn giao thông qua đời để lại đứa cháu nhỏ mang bệnh hiểm nghèo dẫn đến mắt không nhìn thấy gì.
Theo thời gian, việc không biết chữ là rào cản khiến Thuần cảm thấy tự ti, hạn chế trong các mối quan hệ xã hội; cũng vì thế mà bạn bè dần rời xa anh. Trong một lần cãi nhau với bạn vì biết Thuần không biết chữ, họ đã cố tình nhắn tin những lời lẽ không hay để trêu chọc. Thuần phải đi nhờ một cô giáo trong làng dịch để hiểu được ý nghĩa của những câu nói và anh đã rất sốc.
“Lúc biết được ý nghĩa của câu nói đó, tôi ước mình biết chữ để không phải nhận những lời lẽ trêu chọc từ bạn bè”, Thuần trải lòng.
Không chỉ hạn chế trong các mối quan hệ, Thuần còn gặp khó trong việc làm ăn kinh tế, thoát nghèo. Không ít lần, các cây giống trong vườn không phát triển bị sâu bệnh, anh không biết làm thế nào, khi đến cửa hàng hỏi cách chữa bệnh cho cây về đến nhà không nhớ gì nữa, cũng không hiểu hướng dẫn sử dụng trên bao bì.
Không thể chịu đựng được cảnh tiếp tục sống trong đói nghèo, lạc hậu chỉ vì không biết chữ, anh Nông Văn Thuần quyết tâm bằng mọi cách tham gia lớp “xoá mù chữ”.
Sau hơn 8 tháng kiên trì theo đuổi, tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, Thuần đã tự tin đọc, viết và thực hiện các phép tính đơn giản. Nhờ biết chữ, từ một người khép mình với xã hội, chàng trai 30 tuổi đã mạnh dạn tự tin giao tiếp, thậm chí sẵn sàng đi vận động những người chưa biết chữ trong thôn cùng tham gia học lớp xoá mù chữ.
Nếu bà Nhiên, anh Thuần học con chữ để thoát nghèo thì chị Hoàng Thị Liên (sinh năm 1984 ở xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) lại chủ động tham gia lớp xoá mù chữ với lý do vô cùng đặc biệt.
Ở tuổi 40, chị Liên đã có một công việc đem lại thu nhập ổn định, một con đã đi làm, một con đang là sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội. Nhiều người dân trong xã nhắc đến chị đầy ngưỡng mộ cho rằng cuộc sống như vậy là viên mãn.
Tuy nhiên ít ai biết, chị Liên luôn canh cánh trong lòng mình phải thành thạo con chữ để học thêm công nghệ, phát triển nghề thay vì thoả mãn với những gì mình đang có.
“Làm việc trong lĩnh vực spa làm đẹp luôn đòi hỏi cập nhật công nghệ, tham gia các khoá học nâng cao tay nghề. Tuy nhiên do tôi viết chậm nên quá trình học ghi chép không kịp phải nhờ bạn học đọc lại. Do đó, tôi đã tham gia học lớp xoá mù chữ”, chị Liên trải lòng.
Hiện tại, chị Liên đang nỗ lực để hoàn thành chương trình tiểu học. Với rất nhiều người trong thế hệ trẻ, đây là điều rất bình thường còn đối với chị, nó là cả một hành trình đầy quyết tâm, nỗ lực vượt lên chính mình.
Câu chuyện của bà Nhiên, anh Thuần hay chị Liên chỉ là ba trong số nhiều câu chuyện mà chúng tôi được tận mắt thấy. Phải là người trực tiếp quan sát, trò chuyện, lắng nghe mới cảm nhận được khát khao được học, được biết chữ của người dân nghèo xứ Lạng.
Việc tiếp cận con chữ giờ đây không còn là điều xa lạ với bà con nơi đây mà đã trở thành phòng trào ngày càng được lan rộng. Thành quả này không chỉ là sự nỗ lực của người dân mà còn là ý chí, đoàn kết, chung tay vào công tác xoá mù chữ của chính quyền, toàn ngành Giáo dục nơi đây.
NGÔ CHUYÊN - CẨM VÂN Đồ họa: TIẾN THÀNH |