back

Báo Giáo dục và Thời đại OnlineE-magazine

Những ngày cuối tháng 5, tiết trời Lai Châu, Nghệ An nắng nóng lên đỉnh điểm. Nhiều trường học ở vùng cao lại oằn mình trong cơn khát bởi mưa hiếm, những mạch nước ngầm dần cạn kiệt, các bể chứa nước của trường cũng trơ đáy…

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) có 18 lớp với 426 học sinh, trong đó có 135 em bán trú. Thầy Nguyễn Ngọc Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nguồn nước sinh hoạt của trường phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Hằng năm, nước sinh hoạt của trường thiếu khoảng 4 tháng vào mùa khô hạn. Đỉnh điểm thiếu nước vào khoảng tháng 3 và tháng 4”.

Cũng theo thầy Huyền, thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh hoạt, ăn uống của thầy và trò nhà trường. Cùng với đó, nguồn nước không hợp vệ sinh đã tác động xấu đến sức khỏe của cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tương tự, Trường PTDTBT THCS xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ được xây dựng biệt lập trên đỉnh đồi. Sau khi xây xong, nhà trường đã được đầu tư 2 bể chứa nước ngầm với 35 khối nước để phục vụ cho công tác bán trú.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) đi tìm nguồn nước trong rừng.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) đi tìm nguồn nước trong rừng.

Tuy nhiên, với số lượng học sinh lớn, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt triền miên. Trung bình mỗi ngày thầy, cô và học sinh sử dụng tiết kiệm nhất cũng hết 3 khối nước. Do đó, chỉ hơn chục ngày là nước trong bể cũng cạn kiệt. 2 bể chứa không đủ nước để bơm lên téc nên các thiết bị như chậu rửa và công trình nhà vệ sinh đều không có nước.

“Hiện trường có 433 học sinh, trong đó trên 125 em ở bán trú. Vào mùa khô, nhà trường lại phải phân công nhiệm vụ đi tìm nguồn nước ở các khe suối bơm về phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú”, thầy Hiệu trưởng Trịnh Hoàng Sơn, bộc bạch.

Khoan giếng tại Trường Phổ thông DTBT THCS Keng Du, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Với hơn 200/559 trẻ bán trú, Trường PTDTBT Tiểu học Hồng Thu cũng thường xuyên trong cảnh… đứng ngồi chờ mưa. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Doãn Khắc Triều, những khi mất nước lâu, nhà vệ sinh của trường đều đóng cửa, học sinh phải tự tìm chỗ đi vệ sinh.

“Mỗi năm, nhà trường mất 5 triệu để mua nước từ các mó nước của người dân về trường. Hiện nhà trường sử dụng nước từ 2 mó, trong đó có 1 mó cách trường khoảng 4km. Tuy nhiên, thời điểm khô hạn, cả 2 mó đều cạn, chúng tôi phải thường xuyên túc trực để bơm nước”, thầy Triều cho hay.

Cũng theo thầy Triều, do nước mó không đảm bảo vệ sinh nên sau khi bơm về bể, nhà trường tiếp tục xử lý qua hệ thống máy lọc để nấu ăn cho học sinh.

Chưa năm nào, xã biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chịu cảnh thiếu nước trầm trọng như mùa khô năm nay. Hồ nước gần trung tâm xã dịp này đã khô xuống đáy. Còn các con suối tự nhiên bà con thường lấy nước về sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm.

Thầy Lê Xuân Khai, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu lắc đầu nói: “Suốt 3 tháng qua, ở đây chưa có cơn mưa nào. Thiếu nước là nỗi lo chung của cả bà con dân bản, các trường học, đồn biên phòng ở Keng Đu. Hằng năm, cứ đến mùa khô, trường chúng tôi lại phải xin nước từ UBND xã và Đồn biên phòng. Nhưng các cơ quan đơn vị này cũng không có nguồn nước dồi dào, mà phải tiết kiệm để san sẻ cho trường học”.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu có hơn 300 học sinh, trong đó có 107 em bán trú từ lớp 3-5 của 7 điểm lẻ gom về trường chính ở để học chương trình mới. Vì vậy, vấn đề tìm nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, vệ sinh cho số lượng lớn học sinh vô cùng cấp thiết. Những năm trước, nhà trường phải vất vả dẫn nước từ suối trên rừng về, hứng nước mưa để trữ trong bể chứa, sử dụng dần cho mùa khô.

“Tuy nhiên năm nay, nước ở khe suối gần trường cũng cạn kiệt, kể cả ở UBND xã và đồn biên phòng”, thầy Khai cho hay.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ đi hứng nước.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ đi hứng nước.

Điểm bản Chà Lò, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) năm học này chỉ duy trì hai lớp 1 và 2 với khoảng 30 học sinh. Còn các em khối 3-4-5 được đưa về trường chính ở bán trú. Do cách xa trung tâm xã khoảng 20km nên giáo viên tại điểm lẻ này ở lại cắm bản trong gian ký túc xá ghép bằng gỗ. Nhưng vất vả hơn cả vẫn là thiếu nước sạch, dù điểm trường gần khe suối.

Cô Vi Thị Hoa, giáo viên cắm bản tại Chà Lò nói, nếu lấy nước trực tiếp từ dưới suối ở sau trường thì không đảm bảo vệ sinh, vì bà con dân bản chăn nuôi gia súc ngay cạnh bên. Trong khi nước mưa hứng được không đáng kể, do mấy tháng vừa qua liên tục nắng nóng. Để có nước sử dụng trong sinh hoạt, dạy học, các giáo viên của điểm trường này đã phải tự đào giếng nhỏ, ghép đá xung quanh. Nước có thể dùng tiết kiệm trong sinh hoạt, còn để uống phải qua lọc và đun sôi.

Trường PTDTBT Tiểu học Mai Sơn đóng tại một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất huyện Tương Dương, Nghệ An, với nhiều điểm lẻ nằm rải rác ở các bản người Mông, Khơ Mú, Thái… Từ trung tâm huyện vào Mai Sơn phải đi thuyền gần 3 giờ đồng hồ. Nếu đi đường bộ thì vòng qua huyện biên giới Kỳ Sơn với khoảng cách 160km. Vậy nên ngoài giáo viên bản địa, hầu hết thầy cô giáo đều ở lại trường hoặc điểm trường dạy học. Hằng tuần, thậm chí hằng tháng mới về nhà. Nói là đóng tại xã lòng hồ thủy điện bản Vẽ, nhưng trường học lại ở vị trí cao, và nước để uống được phải lấy ở khe suối.

Cách đây 3 năm, trường bắt đầu đưa học sinh đầu tiên về tổ chức bán trú. Lúc này, nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, nhất là vệ sinh cho cả thầy lẫn trò trở nên bức thiết. Nhà trường sau đó đã khoan được 2 giếng nước, trong đó lần khoan gần nhất cách đây 1 tháng. “Chúng tôi được hỗ trợ khoan giếng vào tháng 4/2023. Dù có 2 giếng, nhưng lượng nước mỗi giếng có hạn, nên để đảm bảo đủ nhu cầu của nhiều giáo viên, học sinh, chúng tôi vẫn phải sử dụng cả nước khe suối, nước mưa dự trữ…”, thầy Hiệu trưởng Đào Xuân Hải chia sẻ.

Tại huyện Quế Phong (Nghệ An), nhiều trường học cũng rơi vào tình cảnh khan hiếm nước nhiều tháng nay. Điểm trường mầm non Na Sành (Trường Mầm non Tiền Phong) hiện vẫn chưa thể tổ chức bán trú cô nuôi do nằm tách biệt, cách xa trường chính hơn 10km, giao thông khó khăn và chưa có điện. Hiện ở đây tổ chức mô hình bán trú dân nuôi, trẻ đem cơm từ nhà đến điểm trường, còn giáo viên và phụ huynh nấu thêm canh. Tuy nhiên, thời gian qua, nắng nóng kéo dài, điểm trường này thiếu nước trầm trọng. Nhà trường phải mua nước và thuê chở từ trung tâm xã vào Na Sành cho cô và trò.

Trong khi đó, tại xã Nậm Nhoóng, 2 điểm trường mầm non ở bản Na Khích và Huồi Cam cũng chưa có bể nước dự trữ lớn. Mỗi ngày các cô giáo đều phải tranh thủ ra suối xách nước, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong trường đựng đầy các xô nhựa lớn chứa nước để nấu ăn, đun nước sôi để nguội cho trẻ sử dụng.

Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT Quế Phong cho hay, là huyện miền núi cao nên hàng năm vào dịp mùa hè, thời tiết nắng nóng, một số trường học bị ảnh hưởng, trong đó có vấn đề nguồn nước. Hiện đối với trường THCS và điểm chính của trường tiểu học, mầm non hầu hết đã có giếng khoan. Tuy nhiên, đối với các điểm lẻ nằm sâu trong bản, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Nếu khe suối cạn, thiếu nước thì vô cùng vất vả, thiệt thòi đối với giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, do địa hình xa xôi, giao thông hiểm trở, việc đưa máy móc, thiết bị vào dò tìm nguồn nước và khoan giếng ở các điểm lẻ trong bản cũng khó khăn, không khả thi.

Lai Châu, Nghệ An là tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có vị trí trọng yếu về chiến lược chính trị, quốc phòng - an ninh. Vốn chủ yếu là địa hình núi cao bị chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém, gần đây là tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan nên hiện tượng sạt lở, lũ ống vào mùa mưa và hạn hán vào mùa nóng thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động dạy và học, sinh hoạt của giáo viên, học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn. Triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đang được ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ